Bhutan: Phục hồi việc truyền giới Tỳ-kheo-ni sau nhiều năm vắng bóng

Chư Tỳ-kheo-ni được thọ giới trong buổi lễ
Chư Tỳ-kheo-ni được thọ giới trong buổi lễ
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày 21-6, Đức Je Khenpo, vị sư đứng đầu Tăng đoàn Phật giáo Vương quốc Bhutan, đã thực hiện nghi thức truyền giới Tỳ-kheo-ni cho 142 vị nữ tu tại tu viện Ramthangkha của đất nước “hạnh phúc” nằm ven dãy Himalaya này.

Buổi lễ “là một cột mốc lịch sử quan trọng đối với Ni giới trong Phật giáo truyền thống Tây Tạng. Đối với chư Ni, đó là một cơ hội lớn để thể hiện những khả năng của bản thân để đóng góp cho Phật giáo”, Tỳ-kheo-ni gốc người Đức Jampa Tsedroen cho biết.

Trong buổi lễ truyền giới mang tính lịch sử theo dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng này có nhiều tân Tỳ-kheo-ni là người Bhutan, một vài trong số đó đến từ các quốc gia khác ở châu Á. Tăng-già Trung ương Bhutan đã đăng tin tức này trên trang Facebook và được xác nhận bởi Damcho Diana Finnegan, một vị Ni đã được thọ giới và hiện là người đồng sáng lập Cộng đồng dành cho Ni giới Dharmadatta ở bang Virginia, Hoa Kỳ. Khi được phỏng vấn tại buổi lễ, Finnegan đã cho biết đây là “một bước tiến quan trọng đối với việc chấm dứt sự bất bình đẳng giới đã được thể chế hóa trong Phật giáo theo truyền thống Tây Tạng”.

Chư Ni trong buổi lễ truyền giới
Chư Ni trong buổi lễ truyền giới

Buổi lễ là đỉnh điểm của phong trào vận động truyền thọ Cụ túc giới đối với phụ nữ trong dòng truyền thừa Tây Tạng kéo dài hàng thập kỷ; vấn đề này trước đó đã từng vấp phải rất nhiều sự phản đối và chỉ trích nặng nề từ các vị trưởng lão, các học giả và các nhà lãnh đạo chính trị trên khắp châu Á.

Gần đây, trên thế giới, việc truyền giới Tỳ-kheo-ni trong các truyền thống bị hạn chế đã được thực hiện liên tục nhằm mục đích khôi phục lại truyền thống xuất gia cho nữ giới. Họ cho rằng đây là điều đã được thực hiện từ thời Đức Phật nhưng dần dần đã biến mất khỏi hầu hết các cộng đồng Phật giáo cho đến ngày nay.

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, chư Ni được xem là một trong tứ chúng, đồng thời là nhân tố quan trọng trong Phật giáo góp phần xây dựng nên một cộng đồng Phật giáo lý tưởng, bao gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam và nữ cư sĩ. Tuy nhiên, qua thời gian, chiến tranh, nạn đói và bệnh tật đã cướp đi rất nhiều mạng sống của các Tỳ-kheo-ni ở nhiều vùng thuộc Đông Nam Á và Tây Tạng.

Sau đó, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục sống cuộc đời khổ hạnh như những vị Ni, nhưng lại không thể để tiến thêm một bước đến ngưỡng cửa của Cụ túc giới. Từ đây, vị trí của họ chính thức bị hạn chế bởi những giới luật Phật giáo, trong đó quy định rằng giới Tỳ-kheo-ni chỉ có thể được trao truyền từ những vị Tỳ-kheo-ni khác. Nhưng số lượng chư Ni còn lại không đủ để thực hiện một buổi lễ thọ giới đúng pháp.

Để vượt qua những rào cản này, một số phụ nữ đã tìm một giải pháp khác để được thọ giới Cụ túc. Vào năm 1996, một số vị Ni của Sri Lanka đã nhờ vào sự giúp đỡ của các Tỳ-kheo-ni Hàn Quốc thuộc truyền thống Bắc tông để được thọ giới Tỳ-kheo-ni. Kể từ đó, hàng trăm vị Ni đã được truyền Cụ túc giới ở Sri Lanka; điều này được Tsedroen mô tả như một “nghi lễ đại kết” nhằm khôi phục lại số lượng của truyền thống Tỳ-kheo-ni.

Tuy nhiên, ở Bhutan, một số vị Tăng đã trực tiếp truyền thọ giới Cụ túc cho chư Ni mà không có sự tham gia của các Tỳ-kheo-ni khác. Đặc biệt, buổi lễ mới đây đã được tiến hành bởi chư Tăng, Đức Je Khenpo làm thầy truyền giới.

Chư Tăng và ngài Je Khenpo làm thầy truyền giới
Chư Tăng và ngài Je Khenpo làm thầy truyền giới

Vì có nhiều giới tử và mỗi lượt chỉ tấn đàn 3 vị, nghi thức lại vô cùng tỉ mỉ nên buổi lễ đã kéo dài trong 3 ngày. Vào ngày đầu tiên, Quốc vương Jigme Singye Wangchuk của Bhutan, cùng với Hoàng hậu và các thành viên khác của Hoàng gia, đã đến thăm địa điểm tổ chức buổi lễ và đã có bài phát biểu nhằm khích lệ và truyền cảm hứng cho các giới tử.

Thông thường, nghi thức này chỉ được thực hiện cho một số ít phụ nữ, và chưa bao giờ được tổ chức một cách quy mô như hôm thứ Ba vừa qua. Theo Damcho Diana Finnegan, một buổi lễ thọ giới được tổ chức long trọng như thế này đảm bảo rằng Tăng đoàn nói chung và cộng đồng Tỳ-kheo-ni nói riêng sẽ tồn tại và phát triển tốt đẹp trong tương lai.

“Tất cả các truyền thống khác của Phật giáo đều có người nữ xuất gia và thọ giới Tỳ-kheo-ni. Nhưng đây là lần đầu tiên nữ giới của Phật giáo Tây Tạng được trao cho cơ hội như thế này”, Tỳ-kheo-ni Damcho Diana Finnegan cho biết.

Từ lâu, Đức Dalai Lama thứ 14 đã khuyến khích việc phát nguyện thọ giới Tỳ-kheo-ni, và Tỳ-kheo Bodhi, một vị Tăng nổi bật thuộc truyền thống Phật giáo Nam truyền đã kêu gọi vô số người ủng hộ và vận động cho phong trào truyền giới Tỳ-kheo-ni.

Ngoài ra, vào năm 2007, Geshe Lharampa Rinchen Ngudrup, một vị Tăng có tầm ảnh hưởng lớn trong truyền thống Tây Tạng, đồng thời cũng là một học giả Phật giáo đã mạnh dạn đưa ra một đề xuất đối với vấn đề thọ giới Tỳ-kheo-ni trong một buổi nói chuyện tại Đại hội Quốc tế đầu tiên về Vai trò của Nữ giới Phật giáo trong Tăng đoàn sau nhiều năm nghiên cứu và tìm hiểu. Hơn thế nữa, những vị cư sĩ trên khắp châu Á đã kêu gọi sự chú ý đến những biểu hiện xuất sắc của chư Ni trong suốt thời gian qua.

Sanitsuda Ekachai, một nhà báo Thái Lan đã thể hiện mong muốn của mình và kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến vấn đề này thông qua cuốn sách Giữ vững niềm tin: Phật giáo Thái Lan ở ngã tư đường (Keeping the Faith: Thai Buddhism at the Crossroads), khuyến khích những người cư sĩ tại gia xem xét lại tương lai của Tăng đoàn Phật giáo và làm thế nào để chư Ni có thể cải thiện vị trí của mình.

Mặc dù đã có sự lên tiếng mạnh mẽ và một cơ sở ghi chép rõ ràng trong lịch sử Phật giáo đằng sau phong trào này, nhưng vấn đề truyền giới Cụ túc cho phụ nữ trong dòng truyền thừa Tây Tạng vẫn chưa thể thực hiện được một cách quy mô và rộng rãi như ở Bhutan ngày nay.

“Buổi lễ truyền giới lịch sử này có thể tạo ra nhiều áp lực hơn nữa đối với một số cộng đồng Phật giáo ở nhiều quốc gia khác nhau trong việc tổ chức và tạo điều kiện cho chư Ni thuộc truyền thống Phật giáo Tây Tạng được thọ giới Cụ túc”, Susanne Mrozik, Phó Giáo sư thuộc ngành Tôn giáo tại Đại học Mount Holyoke cho biết.

Tại đất nước Phật giáo Bhutan, Je Khenpo là danh hiệu của người đứng đầu Tăng đoàn Phật giáo quốc gia Zhung Dratshang. Vị này cũng là Chủ tịch Ủy ban Tôn giáo Dratshang Lhentshog, phụ trách quản lý Zhung Dratshang và hỗ trợ 5 vị chức sắc Phật giáo cao cấp khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày