Buông

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1211 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1211 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong bộ sách “Cho là nhận” của Đại sư Tinh Vân (Lê Minh Châu dịch), có viết: “Đôi khi, mấu chốt của sự bình yên chính là buông bỏ. Ta không thể nắm giữ mãi hồi ức, nên phải buông đi, để cho nó trôi đi như một kỷ niệm đẹp”.

Buông - một tiếng nhẹ nhàng thôi, nhưng để thả trôi được hết những muộn phiền cũng là cả một quá trình “bầm gan, tím ruột”.

1- Nó nhớ, trong phim Thần điêu đại hiệp, có 3 nhân vật mà nó ấn tượng, đó là Chu Bá Thông, dù rất giỏi võ công nhưng không mê danh vọng, quyền lực, chỉ thích tự do tự tại. Nhân vật thứ 2 là Quách Tương – con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung, thông minh, nghĩa hiệp, không có sự kiêu kỳ, bướng bỉnh như người chị Quách Phù. Và nhân vật thứ 3 là… Lý Mạc Sầu. Tất nhiên, nó không cổ xúy cho những tội ác mà nàng đã gây ra, nhưng nó cảm thông với nàng bởi một mối tình si. Khi mới ra khỏi Cổ Mộ, Lý Mạc Sầu đã gặp và yêu Lục Triển Nguyên. Nhưng sau, Lục Triển Nguyên phụ bạc nàng, để lấy Hà Nguyên Quân làm vợ. Chứng kiến vợ chồng Lục Triển Nguyên hạnh phúc bên nhau, nàng không can tâm.

Trong lúc truy sát vợ chồng Lục Triển Nguyên, Lý Mạc Sầu bị đả thương bởi Nhất Đăng đại sư. Thấy được oán khí trên người nàng quá sâu nặng, đại sư đã cho nàng cái hẹn 10 năm với hy vọng thời gian sẽ là phương thuốc để nàng có thể nhận ra được những yêu, hận, tình, thù trên thế gian cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không.

Nhưng, tiếc thay, 10 năm trôi qua, niềm thương, nỗi hận trong nàng vẫn không vơi đi, mà trái lại càng thêm chồng chất. Để rồi cuối cùng, nàng trúng phải độc hoa tình và chết trong biển lửa. Bi kịch cả đời của Lý Mạc Sầu cũng chỉ vì nàng không Buông được!

2- Nó còn nhớ, ngày nó bước vào lớp 1, cũng là ngày bà ngoại nó dọn ra sống riêng, không ở cùng ông. Lý do vì sao? Ông không giải thích, bà cũng lặng thinh. Cứ thế, ông - bà vẫn đi song song bên cạnh cuộc đời của nhau, không ràng buộc cũng chẳng tự do.

Thuở ấy, nó vô tư không để ý nhiều. Lớn lên rồi, là đứa kề cận với ngoại sớm hôm, qua những câu chuyên bâng quơ ngoại kể, nó hiểu rằng, cả một thời thanh xuân, bà đặt trọn vẹn niềm tin yêu nơi ông, nên khi biến cố xảy ra, bà đã không đủ bao dung để mà tha thứ.

Tuổi già, ngoại đã bắt đầu lẩn lãng. Chuyện đời lúc nhớ, lúc quên. Con cháu đứa quên, đứa nhớ. Nhưng bà vẫn quyết không tha lỗi cho ông và buông niềm đau của mình xuống.

Bà bệnh, nằm đấy yếu xìu, mọi người vây quanh lo lắng, đỡ đần. Nhưng khi ông sang thăm, chưa thấy mặt, chỉ cần nghe tiếng ông ở phía trước là ngay lập tức bà quay mặt vào trong vách. Lần cuối cùng, cũng vậy, nhưng nó thấy có một giọt nước mắt lăn dài trên má ngoại.

Nó về phòng đóng cửa lại, ngồi thẫn thờ nhìn qua cửa sổ. Có một chiếc lá vàng khẽ bay ngang. Nó quay quắt với chính mình, giọt nước mắt ấy bà khóc cho ai? Cho bà? Cho ông? Hay cho cái duyên và nghiệp mà cả ông bà trót vương mang? Và trong giờ phút cuối cùng giữa sinh ly tử biệt ấy, bà đã có thể buông cho lòng thanh thản để đi về chốn hư vô hay không? Nó cũng không biết nữa…

3- Nó thương một người. Một tình thương mà khi vừa mới bắt đầu, nó đã biết là trái khoáy. Nhưng con tim vốn dĩ có lý lẽ riêng. Nó thương thật lòng, không tính thiệt so hơn. Nó vui với niềm vui mỗi sáng thức dậy nhận được tin nhắn chúc một ngày an lành. Rồi cả ngày bận rộn với công việc, nhưng nó và người vẫn có xíu thời gian để nhắn tin, hoặc tranh thủ giờ trưa gọi hỏi thăm nhau, kể cho nhau nghe một câu chuyện nào đó. Và buổi tối, nó chỉ khóa máy, sau khi nhận được câu chúc ngủ ngon…

Mọi thứ êm đềm trôi qua, cho đến một ngày, nó nhận được tin nhắn đề nghị chia tay vì người ta không thể cố gắng được nữa. Dù đau nhưng nó vẫn đồng ý. Vì nó biết, cả nó và người đều không thể tiếp tục đoạn tình cảm này. Vẫn may, đoạn đường cùng đi không xa lắm, đủ để nó và người quay lại đúng vị trí của mình.

Nó được nghe kinh, học pháp, nó biết rằng: “Quá khứ không truy tìm”, nhưng, sao nó vẫn vẽ lại những mảng ký ức đã từng có nhau mà thương, mà nhớ. Nó loay hoay với nỗi buồn của chính mình đến nỗi nó sợ mình sẽ rơi vào trầm cảm.

Nó về chùa, níu áo thầy và khóc. “Làm sao con có thể buông được?”. Thầy cười: “Nếu thầy bỏ vào tay con một cục than còn đang cháy, con sẽ làm gì?”.

- Dạ, con sẽ quăng nó ra liền.

- Ừ, thì con cũng nên “quăng” những chấp niệm, phiền não trong lòng mình một cách dứt khoát như cái cách mà con sợ lửa nóng làm bỏng tay mình.

Đêm ở chùa thanh vắng, nó nằm yên, suy nghĩ thật nhiều về lời dạy của thầy. Có lẽ, nó phải mạnh mẽ hơn để không tự làm tổn thương mình nữa. Thôi thì:

“Bởi yêu trong giông gió

Nên hiểu tình long đong

Nếu sắc tức thị không

Thì vô cầu vô niệm”.

(Thơ Nhuận Thường)

Cho đến giờ, thảng, đối mặt với “người xưa”, nó đã có thể mỉm cười, tự hỏi lòng, mình đã thật buông chưa?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Phật tử thọ giới Bồ-tát có phải trường trai và tuyệt dục?

GNO - Nếu Phật tử thọ giới Bồ-tát tại gia theo kinh Ưu-bà-tắc giới được lập gia đình bình thường (Trong 6 trọng pháp, trọng pháp thứ 4: Không tà dâm); ăn chay vào các ngày trai (Trong 28 khinh pháp, khinh pháp thứ 7: Mỗi tháng thọ trì trai giới, cúng dường Tam bảo vào 6 ngày trai).

Thông tin hàng ngày