GNO - Không phải loại thực phẩm nào cũng được bảo quản theo cách giống nhau.
Dưới đây là cách bảo quản một số loại thực phẩm giúp giữ được sự tươi lâu và an toàn khi sử dụng.
1 - Cách bảo quản táo
“Một quả táo mỗi ngày giúp bạn không phải gặp bác sĩ”, nhưng đó phải là quả táo còn tươi ngon. Táo có thể được cất trữ ở nhiệt độ bình thường trong phòng nhưng nếu muốn giữ táo lâu hơn bạn nên cho táo vào tủ lạnh; và tốt nhất là cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Để táo bên ngoài sẽ làm táo chín nhiều sau vài ngày nhưng cho vào ngăn mát tủ lạnh sẽ giữ táo tươi và ngon lâu hơn.
Bạn nên để cho trái cây kịp chín trước khi cho vào tủ lạnh cùng các thực phẩm khác
2 - Các loại bột
Các loại bột sẽ tươi và thời gian sử dụng kéo dài hơn nếu được cho vào hộp chứa kín hơi bằng kim loại, thủy tinh hay bằng nhựa so với để bột trong túi giấy sau khi mua từ siêu thị.
Bột nằm trong số các loại thực phẩm lâu hư nhất nhưng lại hư nhanh hơn nếu không được bảo vệ. Đặc biệt, các loại bột ngũ cốc cực kỳ nhạy cảm và nhanh hỏng nếu không đượcbảo quản tốt.
Bạn cũng có thể trữ bột ngũ cốc trong tủ lạnh hay tủ đông để làm chậm quá trình bột bị oxy hóa.
3 - Trái cây
Nhiều người trữ trái cây trong tủ lạnh, đặc biệt là táo và các loại dâu nhưng lưu ý là bạn nên để cho trái cây kịp chín trước khi cho vào tủ lạnh cùng các thực phẩm khác.
Trái cây không nên trữ chung với rau củ vì sẽ làm cả hai nhanh hư hơn do các khí khác nhau mà chúng thải ra. Nên để riêng trái cây và rau cải khi cho vào tủ lạnh.
4 - Khoai tây
Khoai tây cần được để ở nơi khô ráo, thoáng mát và nơi tối để giữ tươi lâu. Khoai tây không tươi lâu khi cho vào tủ lạnh vì nhiệt độ thấp của tủ lạnh sẽ làm tinh bột trong khoai tây chuyển hóa thành đường nhanh chóng. Điều này làm cho khoai tây quá ngọt khi ăn và làm biến màu khoai tây.
5 - Củ hành
Cũng như khoai tây, củ hành khá nhạy cảm và cần được trữ ở nơi khô ráo, thoáng mát, tối một chút nhưng cũng cần có sự lưu thông không khí để giữ tươi lâu.
Củ hành không nên được trữ gần khoai tây dù điều kiện bảo quản hai loại thực phẩm này giống nhau. Củ hành và khoai tây sẽ tiết ẩm và các loại khí làm chín nhanh hơn.
Tủ lạnh là giải pháp tốt để bảo quản củ hành được lâu hơn.
6 - Rau xà lách
Xà lách rất dễ hư. Bạn tuyệt đối không nên cho xà lách vào túi nhựa kín mà nên cho vào túi có khoét lỗ để được thông hơi hoặc cho vào một cái tô trước khi đặt vào tủ lạnh; hoặc gói bằng giấy khô hoàn toàn.
Lưu ý, hơi ẩm làm cho xà lách rất mau úng và hư.
7 - Phô mai
Các loại phô mai cứng cần được gói kỹ cho đến khi tháo bao sử dụng. Bảo quản phô mai trong tủ đông có thể giữ lâu đến 6 hoặc 8 tháng, theo Đại học Bang Oregon.
Nếu bạn đã cắt phô mai ra sử dụng thì phần còn lại nên gói kỹ lại, bọc kỹ bằng giấy nhôm, giấy nến trước khi cho lại vào tủ lạnh.
8 - Mì sợi, nui các loại
Có thể bảo quản sợi mì (mì khô) trong hộp thủy tinh kín hơi để tránh hơi ẩm và giữ cho mì được lâu hơn.
9 - Cà chua
Cà chua cũng là loại thực phẩm nhạy cảm. Nên trữ cà chua trên một ngăn kệ, tránh ánh sáng, nhiệt độ và hơi ẩm. Không nên cho cà chua vào tủ lạnh vì sẽ làm hỏng cấu trúc tế bào của cà chua, cà chua sẽ bị teo tóp và mất mùi vị.
Cà chua chín ở nhiệt độ phòng tự nhiên và có thể trữ được 2-3 ngày ở ngoài tủ lạnh. Nếu cho vào tủ lạnh thì nên cho vào trong vòng 2 giờ đồng hồ sau khi cà chua được cắt ra.
Đức Hòa
(theo Reader’s Digest)