Chết không bứt rứt

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1239 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1239 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bứt rứt là cảm giác khó chịu, không yên trong người. Cả thân và tâm đều không thoải mái, bất an.

"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ các Tỳ-kheo vào lúc xế trưa từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật-đà, cúi đầu đảnh lễ sát chân, rồi ngồi sang một bên, bạch rằng:

- Làm thế nào mà một Tỳ-kheo chết không bứt rứt, mạng chung không bứt rứt?.

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

- Nếu Tỳ-kheo có tri kiến chất trực và đạt đến Thánh ái giới, đó là Tỳ-kheo chết không bứt rứt, mạng chung không bứt rứt.

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

- Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bứt rứt, mạng chung không bứt rứt chăng?

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

- Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, đó là Tỳ-kheo chết không bứt rứt, mạng chung không bứt rứt.

Các Tỳ-kheo lại hỏi:

- Tỳ-kheo cùng đích như vậy là chết không bứt rứt, mạng chung không bứt rứt chăng?

Tôn giả A-na-luật-đà đáp:

- Chư Hiền, Tỳ-kheo không chỉ cùng đích như vậy là chết không phiền nhiệt, mạng chung không phiền nhiệt. Lại nữa, này chư Hiền, Tỳ-kheo tâm tương ưng với từ, biến mãn một phương, thành tựu an trụ; hai, ba, bốn phương, bốn duy, trên, dưới, bao trùm tất cả, tâm tương ưng với từ, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Cũng vậy, bi và hỷ. Tâm tương ưng với xả, không kết, không oán, không nhuế, không tranh, rất rộng, rất lớn, vô lượng, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ. Đó gọi là Tỳ-kheo chết không bứt rứt, mạng chung không bứt rứt”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh A-na-luật-đà [II], số 219 [lược])

Ở pháp thoại trước, các Tỳ-kheo hỏi Tôn giả A-na-luật-đà về cái chết an lành và được xác định là những bậc chứng đắc Tứ thiền và an lành tuyệt đối là người chứng đắc Tứ Thánh quả. Pháp thoại này các Tỳ-kheo cũng hỏi Tôn giả A-na-luật-đà về cái chết an yên nhưng ở cấp độ thấp hơn là mạng chung mà thân tâm không bứt rứt.

Bứt rứt là cảm giác khó chịu, không yên trong người. Cả thân và tâm đều không thoải mái, bất an. Trước câu hỏi này, Tôn giả A-na-luật-đà đã chỉ ra, người nào có tri kiến chất trực và đạt đến Thánh ái giới thì chết không bứt rứt. Chính sự thấy biết đúng đắn (tri kiến chất trực, chánh tri kiến) và yêu mến giới luật cao thượng của bậc Thánh vì được giới bảo hộ đã kiến tạo nên cái chết không bứt rứt. Như vậy, một người nhìn ra sự thật, thấy được đường tu và giữ tròn phẩm hạnh lúc sinh tiền sẽ chết an yên.

Mặt khác, người tu tập Tứ niệm xứ, tinh tấn-chánh niệm-tỉnh giác và trọn vẹn với hiện tại đang là, nếu chưa giác ngộ trong hiện đời sẽ chết an yên. Đặc biệt là người nào tu tập Bốn tâm vô lượng (từ-bi-hỷ-xả) đến “biến mãn tất cả thế gian, thành tựu an trụ” thì mạng chung không bứt rứt.

Thật rõ ràng, sống bình an thì chết sẽ bình an. Không mong cầu chết cũng an vì nhân cuộc sống đã an. Thành ra, sinh thời sống còn nhiều lầm lỗi (do tham sân si nhiều) thì mạng chung không an ổn. Nếu ai đã biết và thực sự sống lành thì cứ an nhiên. Đã thiết lập được Tịnh độ nhân gian thì lo gì Tịnh độ Tây phương không hiện tiền. Nhìn vào hiện thực hôm nay sẽ biết rõ ngày mai.

Cho nên, ai biết tu tập giới định tuệ hay Bát Thánh đạo, Tứ niệm xứ, Tứ vô lượng tâm thì hiện tại an trú trong Chánh pháp, thân tâm hoan hỷ, khi chết an lạc, “Nay vui đời sau vui”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày