Chỉ số hạnh phúc quốc gia

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1179 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1179 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Mục đích cơ bản của chính trị là mang lại hạnh phúc cho người dân. Điều đó được gọi là tổng hạnh phúc quốc gia”

Nhiều năm trước, các nhà tư tưởng của đất nước Phật giáo Bhutan nhỏ bé đã có một cuộc gặp gỡ các nhà tư tưởng phương Tây ở Hà Lan để thảo luận về khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness - GNH), một khái niệm đối lập với khái niệm Tổng Sản phẩm Quốc gia (Gross National Product - GNP) - chỉ số về phát triển kinh tế của thế giới.

Khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc gia được sử dụng lần đầu bởi Quốc vương quá cố Jigme Singye Wangchuck của Bhutan. Với động cơ bảo tồn nền văn hóa Phật giáo độc đáo và thiên nhiên nguyên sơ, Bhutan đã chống lại xu hướng mở cửa với thương mại toàn cầu, đầu tư và du lịch đại trà.

Tuy nhiên, Bhutan cũng không thể đóng chặt cửa hoàn toàn với thế giới đang ngày càng rộng mở. Vào năm 1992, tại cuộc họp thượng đỉnh về phát triển ở Rio, Hà Lan đã gia nhập một hiệp ước song phương với ba nước: Bhutan, Costa Rica và Benin. Các điều khoản trong hiệp ước này đòi hỏi mối quan hệ trong lĩnh vực phát triển ở cả đôi bên, có nghĩa là người Hà Lan phải học hỏi từ người Bhutan và ngược lại. Điều này bộc lộ một thách thức đối với não trạng của kiểu quan chức điển hình phương Tây về sự phát triển: Người Hà Lan có thể học hỏi được gì từ một quốc gia Phật giáo xa xôi, một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới theo tiêu chuẩn của phương Tây? Các nhà lãnh đạo Bhutan cho rằng Hà Lan có thể học cách làm thế nào đạt được Tổng Hạnh phúc Quốc gia.

Cơ quan Hợp tác kinh tế của Chính phủ Hà Lan đã mời các ông Sander Tideman và Paula de Wijk-Koolkin, chủ tịch và giám đốc của Học viện Maitreya, Quỹ Bảo tồn Truyền thống Đại thừa (FPMT) Vương quốc Hà Lan, tham gia những cuộc thảo luận do Bộ trưởng Ngoại giao Dasho Urgyen Tsering chủ trì với các nhà lãnh đạo Bhutan. Ông Sander Tideman, chủ một ngân hàng phát triển quốc tế lúc bấy giờ, đã hướng dẫn một cuộc hội thảo với đề tài về các nền kinh tế Phật giáo và trình bày tài liệu nhan đề: “Tổng Hạnh phúc Quốc gia: Cuộc hội ngộ giữa Phật giáo và kinh tế”. Sau đây là một vài trích đoạn.

“Bhutan đã tạo ra nhiều cơ hội về mặt cải thiện chất lượng cuộc sống. Đất nước này đã chỉ ra sự cần thiết của việc phát triển dựa trên các giá trị tinh thần, được truyền đi thông qua văn hóa hơn là chỉ thông qua các giá trị vật chất. Ở đây chính là Phật giáo, với những nghiên cứu rộng rãi về thân phận con người, sẽ đem đến nhiều cơ hội nhất. Bằng cách mở ra một con đường cá nhân để đạt được hạnh phúc tinh thần và vật chất lâu dài, đạo Phật có thể nói rằng đường lối của mình vượt trội hơn bất kỳ giải pháp nào đã được đưa ra để có hạnh phúc về mặt kinh tế theo kiểu truyền thống vốn dĩ không đi xa hơn mức cao nhất của sự tiêu dùng vật chất, của cải và sự ổn định kinh tế.

“Từ quan điểm của nhà Phật, kinh tế và sự phát triển vật chất không làm được gì khác hơn là cung cấp các điều kiện bên ngoài cho phép con người dành thời gian và năng lượng để tiến bước trên một con đường đáng giá hơn, đó là sự phát triển về tinh thần.

Nhưng các quốc gia Phật giáo không thể lờ đi tình hình thực tế về kinh tế toàn cầu ngày nay với những tác động mạnh mẽ của sự đan xen văn hóa và xóa nhòa biên giới đang gia tăng. Các vị lãnh đạo Phật giáo sẽ phạm sai lầm nếu truyền bá việc đóng kín các biên giới, quay lại những chính sách hướng nội của thời quá khứ.

Chiến lược này đã không đem lại được kết quả ở vài nơi và thực sự là nguyên nhân khiến những nền văn hóa cổ xưa bị sụp đổ, trong số đó có các nước và khu vực theo đạo Phật như Trung Hoa, Tây Tạng, Mông Cổ, Cam-bốt, Lào, Việt Nam và Myanmar. Các nhà lãnh đạo Phật giáo phải nhận lấy sự thách thức của xu hướng kinh tế toàn cầu để giúp tạo dựng và hướng những thực tế mang tính kinh tế vào sự cải thiện chất lượng cuộc sống.

Điểm mấu chốt nằm trong việc kết hợp giáo dục theo phong cách truyền thống hoặc theo phong cách phương Tây. Phật dạy rằng chúng ta không nên đón nhận Phật giáo dựa trên cơ sở bất kỳ quyền lực nào mà chỉ dựa trên sự nghiên cứu riêng thật kỹ lưỡng: Như một người mua vàng ngoài chợ phải xem xét kỹ miếng vàng để biết nó là thật hay giả, cũng như thế người ta cần phải xác minh giá trị của những lời Phật dạy. Trên cơ sở này, văn hóa Phật giáo có thể hấp thu những phần có lợi trong văn hóa phương Tây và loại bỏ những phần không mang lại lợi ích. Điều này sẽ là đóng góp của Bhutan đối với thế giới nói chung”.

Tại cuộc hội thảo, ông Tashi Wangyal, tham dự viên người Bhutan, đã trình bày bài “Bảo đảm tính ổn định xã hội: Hệ thống giáo dục của Bhutan có thể bảo đảm việc lưu truyền các giá trị qua nhiều thế hệ không?”, bàn đến những bài học “giáo dục về giá trị” hiện được sử dụng trong các trường học ở Bhutan, nơi đào luyện các học sinh mở mang nhiều loại giá trị, từ sự công bằng, tinh thần trách nhiệm, tính quảng đại, sự giúp ích cho đến sự vâng lời cha mẹ, thầy cô và tính trung thành. Các trường học theo truyền thống giảng dạy cho học sinh các giá trị này thông qua việc sử dụng những câu chuyện xưa và các văn bản của nhà Phật, trong đó tâm từ bi và các giá trị khác đóng một vai trò chủ yếu.

Theo Mandala

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày