Chiều dài nỗi nhớ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1165 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1165 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Sau chuyến đi dài, tôi nhận ra rằng mình đã trưởng thành nhiều hơn. Những khó khăn, thách thức ngoài kia, tôi đã tự tin tự mình vượt qua tất cả, bởi tôi biết, ở phía đằng sau luôn có ánh mắt, bờ vai vững chắc của cha che chở, chào đón tôi trở về”.

“Hành khách chú ý, chuyến bay JR1540 Japan Airline từ Nhật Bản đến thành phố Hồ Chí Minh sắp khởi hành trong 15 phút nữa, đề nghị quý hành khách kiểm tra lại dây an toàn trước khi cất cánh…”.

Vậy là đã hai năm trôi qua trên đất Nhật, trau dồi kiến thức để hoàn thành luận văn thạc sĩ môi trường, tôi mới trở về quê.

Nhìn xuống chiếc đồng hồ đeo tay, báo hiệu 10:00 giờ. Chỉ còn 12 tiếng đồng hồ nữa là tôi có thể sờ vào miền đất hứa. Cảm giác bất lực với thời gian khiến tôi thấm thía chiều dài của “chờ đợi”.

Thứ cảm giác “chờ đợi” chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất làm tôi xốn xang. Tôi bị say với nỗi nhớ. Cảm xúc trong tôi cứ như những đám mây ngoài ô cửa cứ bồng bềnh, dâng trào từng cơn. Hình ảnh quê hương như một thước phim kéo tôi về kỷ niệm. Thế là, hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong đầu. Mọi thứ ở nhà giờ có khác xưa nhiều không? Những giàn hoa giấy cha trồng còn nở rộ khoe sắc thắm? Hàng dừa xiêm bên vách bếp còn trĩu quả? Chú chó nhỏ tôi đặt tên là “bò sữa” giờ lớn thế nào, còn nhận ra tôi không?... Chợt tim tôi thắt lại, khi nghe văng vẳng tiếng thơ của Hữu Thỉnh mà em tiếp viên hàng không vừa bâng quơ bước qua “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về…”.

Ờ, đúng rồi, cha ơi! Giờ chắc đã vào mùa ổi chín. Mùi ổi làm lòng con nhớ cha quay quắt. Nhớ mùa hè năm ấy, mùa của những quả ổi chín rộ, phảng phất hương thơm quyến rũ diệu kỳ. Trong ký ức tuổi thơ con, đây là thứ quả ngon lành nhất không có gì sánh bằng; hương vị ấy chắc sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời con, cho dù đôi chân này có bước qua nhiều miền đất lạ, thưởng thức bao món ngon, mùi vị đậm đà.

Lúc nhỏ, cứ vào mùa ổi đến, tôi thường lén cha tôi bẻ những trái gần chín tới, hương vị chua chua, ngọt ngọt, rồi ngồi trên cây mà nhai nhóp nhép đầy vẻ thích thú. Có lần, ăn quá nhiều ổi, tôi phải nhập viện vì viêm ruột thừa. Cha hoảng hốt, đưa tôi vào viện, rồi thấp thỏm chờ tôi từ phòng mổ ra. Cha chăm sóc tôi từng tý một. Đợi tôi khỏe, cha nghiêm nghị nói: Từ đây về sau con không được ăn ổi nữa biết không. Thế nhưng, khi vừa hết bệnh, tôi lại nhõng nhẽo, mè nheo đòi ông bẻ ổi cho ăn. Sợ tôi bị đau trở lại, cha nhẹ kéo tôi vào lòng, khẽ bảo: Út à! Đợt rồi, ổi chín một lượt, nên cha đã hái hết đem biếu cho cô Ba với chú Bảy ăn lấy thảo rồi con”.

Nghe thế, tôi giận, không thèm nói chuyện với cha. Nhưng sau đó, tôi phát hiện trên những cành cây rườm rà ấy, vẫn còn những quả ổi sực nức mùi thơm, lủng lẳng treo trước gió vừa chín tới. Từng lũ chim ríu rít như mời gọi nhau về xây tổ, như hẹn hò cùng thưởng thức hương vị ổi chín thơm phức, hương vị quê đặc sệt. Ăn những quả ổi chín mọng mà tôi thấy nghèn nghẹn với tình thương cha dành cho tôi.

Mùa ổi chín lại về, tin vui đến, tôi khăn gói lên đường vào đại học. Bắt đầu cuộc hành trình mới cuộc đời, với biết bao gam màu xán lạn của đô thị, văn minh, tôi dần ít về quê hơn; hương ổi thân thương cha trồng được tôi cất vào một góc của tâm hồn. Mùa hè sau một năm tôi rời quê, vẫn giữ thói quen cũ, cha để lại những quả ổi ngon nhất rồi nói với mẹ “Con Út về nhìn thấy chắc thích lắm đây”.

Cha chờ đợi, những quả ổi trên cây dần chuyển sang màu vàng ươm, mẹ giục cha hái, nhưng ông đinh ninh bảo: “Bà cứ để đó, nay mai con Út nó về có ổi mà ăn”. Mỗi chiều, ngồi uống trà trên bộ ván ngoài hàng ba, đôi mắt cha cứ dõi theo con nước chảy ngoài đê, lắng nghe từng hơi thở của chuyến đò chót chuẩn bị về, rồi vô tình lướt qua. Nó lại chưa về - cha thì thầm trong miệng. Mùa hè năm sau cũng thế, tôi lỗi hẹn không về, cha buồn heo hắt. Ông vẫn chừa những quả ổi ngon nhất trên cây, để làm chi – mẹ hỏi. Cha thở dài, rồi nói: “Để chim có cái mà ăn, bà này hỏi ngộ”. Những chiếc lá chớm thu cứ lất phất rơi, che đi đôi mắt đọng mi ẩm ướt của cha tôi.

Nỗi nhớ cứ da diết không kiểm soát với đợi chờ, cha ra vườn cắt sạch hàng ổi mà mình đã chăm bẵm bấy nay. Vừa chặt, cha vừa lẩm bẩm “Ổi có chín, có ngon đến mấy thì con Út nó có về đâu mà cho nó ăn”. Nghe mẹ nói những lời này, lòng tôi trĩu nặng, nghẹn ngào, nước mắt từ đâu cứ lặng lẽ rơi trên má lành lạnh.

Tôi tỉnh giấc sau một hành trình dài mệt mỏi, bị cuốn theo khát vọng của tuổi trẻ, mà quên ngoảnh lại sau lưng còn có hình bóng của cha luôn dõi theo từng bước tôi đi; sự quan tâm âm thầm lặng lẽ nhưng chan chứa vạn tình thương… Với tôi, nhà là nơi dù chúng ta có đi đến đâu, đi xa cỡ nào cũng sẽ quay về, bởi nơi đócó hình bóng cha tôi – người mà tôi luôn kính trọng, quan tâm và lo lắng nhất, để luôn mong muốn được quay về, được ôm vào lòng người ấy mỗi khi gặp khó khăn, hay lúc yếu mềm nhất.

*

Kết thúc chuyến hành trình, máy bay hạ cánh với tiếng kêu “rít rít”. Cảm giác bị “đổ dốc” như chơi trò tàu lượn siêu tốc làm cho con người ta hồi hộp xen lẫn chút sợ hãi, bất an cho những ai hơi bị yếu tim. Làm xong thủ tục theo quy định, tôi vội vã bắt xe đò để bắt đầu cuộc hành trình mới, lại tiếp tục “chờ đợi” thêm 8 giờ đồng hồ mới về đến quê. Tôi náo nức mong chờ để được gặp hình bóng người cha già tảo tần, lam lũ một đời nuôi con khôn lớn.

Hôm nay, sinh nhật cha tôi. Lẽ đó mà vừa làm xong lễ tốt nghiệp thạc sĩ tại trường, tôi đã vội vàng mang hành lý ra sân bay với chuyến bay sớm nhất có thể để trở về kịp ngày ông tròn 60 tuổi. Tôi không muốn bỏ lỡ ngày đặc biệt này, tôi muốn dành bất ngờ cho ông. Ngồi trên xe, tôi cứ nghĩ về ông. Tôi tưởng tượng đến vẻ mặt ngạc nhiên, đầy hạnh phúc, hiện lên trên gương mặt, thế nào rồi ông cũng bíu má tôi và nói “Sao bảo con vẫn chưa thể về”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm tôi xốn xang, vui mừng khôn tả.

Lần sinh nhật này, tôi đã chuẩn bị một món quà nho nhỏ dành tặng cho người cha đáng kính trong cuộc đời của mình - đó chính là chiếc đồng hồ đeo tay mà tôi đã dành dụm bằng chính tiền lương đi làm thêm nới xứ người để mua nó. Món quà này với tôi mà nói, đó là sự nuối tiếc khoảng thời gian vô tâm của mình đối với ông, với người trụ cột gia đình tảo tần sớm hôm không quản nặng nhọc, gian lao để lo cho tôi có cuộc sống đầy đủ nhất, sung sướng nhất có thể. Chiếc đồng hồ còn ý nghĩa về niềm tin vào ngày mai, như một lời nhắc nhở tôi phải trân trọng từng khoảnh khắc quý báu khi được ở bên cạnh, chăm sóc cha khi xế chiều.

Cảm xúc trong tôi như suối nguồn cứ tuôn trào, nên vừa về đến nhà, tôi chạy vội ra hè. Khu vườn giờ thay áo mới, những cành ổi đang lún phún vươn mình trong sương sớm. Cha đang tỉa từng cành một. Từ xa, nhìn tóc cha bạc nhiều hơn, tấm áo cha mặc cũng rộng hơn ngày trước, đôi mắt cha vẫn như ngày nào sâu thẳm và xa xăm, hàm râu chìa ra lổm chổm. Giọt mồ hôi rơi trên gương mặt phúc hậu ấy, trong tôi trào dâng một tình yêu thương và kính trọng mãnh liệt. Tôi òa mình, thoăn thoắt ôm chầm lấy ông thật chặt, giây phút này tôi chỉ muốn thời gian ngừng trôi để tôi có thể ở lâu trong lòng cha mình. Cha vừa ngạc nhiên vừa bối rối, đứng lặng, và cũng như ngày nào, nở nụ cười ấm áp chào đón tôi trở về.

Gió thổi nhẹ, thoang thoảng đâu đây hương ổi năm nào…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày