Cơm Niết bàn, ăn chay theo Phật

comnietban.jpg

I - Ăn uống là thực dưỡng hay ẩm thực

Dường như môn tập đọc, học thuộc lòng ngày nay là môn công cụ nghiêng về ngữ pháp hơn là môn để rộng mở tâm hồn con người buổi đầu đời. Tôi không biết các em sau này học ra trường còn đọng được gì trong đầu. Những thế hệ trước, tôi thấy nhiều người thuộc nằm lòng bộ Quốc văn giáo khoa thư. Về phần tôi, mấy chục năm trôi qua vẫn còn nhớ nhiều bài học thuộc lòng ở lớp Ba. Trong số đó có bài "Nhà người đốt than". Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa - mắt trông con đứa đứa về dần - xa xa con đã tới gần - các con về đủ quây quần bữa ăn - cơm dưa muối khó khăn mới có - của không ngon nhà khó cũng ngon… Một câu chuyện bắt vần nho nhỏ chẳng dạy điều gì lớn lao, vậy đó nó lại nằm sâu trong tâm hồn, mãi về sau bất ngờ tôi biết thi sĩ Tản Đà là tác giả bài thơ "Nhà người đốt than". Và cũng đúng lúc tôi bước vào tuổi đủ thấy, biết cuộc đời ngọt bùi đắng cay, hơn nữa Đức Phật dạy vật chất là thực mà cũng là ảo, lao theo vật chất mà quên đi giá trị tinh thần, là không hiểu đâu là sức mạnh con người. Do đó khi nhớ lại bài học thuở nhỏ tôi liền hiểu thêm nữa. Việc ăn uống có liên quan đến xung quanh nhất là với hạnh phúc gia đình. Để có bữa cơm ngon, ngoài chén đũa sạch sẽ, thức ăn, chỗ ngồi, là anh ăn với ai. Nhưng còn yếu tố quan trọng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến - nếu như ăn chỉ thuần nghĩa vật chất không bồi bổ được gì cho tinh thần, và chuyển hóa thành tinh thần. Từ bài học thuộc lòng tôi dẫn tới câu hỏi, có lẽ đã đi hơi xa đề, nhưng tôi không xa đâu, vì đã có nhiều trường hợp thí dụ trường hợp của anh bạn tôi.

Anh là dân thành thị có cuộc sống sung túc, dư dả, nhà có mướn người giúp việc lo chuyện chợ búa nấu nướng. Tôi tưởng anh không còn thèm khát món gì, những buổi cơm của nhà anh bao giờ cũng đầy đủ các món hầm, chiên, nướng, xào. Vậy mà lần nọ hai đứa về quê chơi, anh theo tấm tắc khen bữa cơm ở nhà quê. Tưởng gì, buổi cơm chỉ là đơn sơ với món cà nướng dầm tương, cá muối sả ớt, hột vịt dầm nước mắm, rau muống luộc. Canh là nước rau luộc pha chút xíu muối vắt chanh. Một lần khác hai đứa cũng về quê chơi đúng vào ngày 30 người ta ăn tương (dân quê gọi ăn chay là ăn tương). Anh cũng trầm trồ khen luôn miệng. Tưởng gì thức ăn cũng đạm bạc với chuối chát, dưa leo, đậu bắp chấm tương chao, một dĩa hủ tiếu xào giá (Dân quê hay ăn chay theo kiểu vậy giản dị trong đó có má tôi lúc còn sống, ngày rằm lớn má mới nấu thêm món tương kho nấm rơm củ cải hoặc bí hầm dừa hay nấu nồi kiểm). Ban đầu tôi cho chẳng qua vì khác khẩu vị, anh đã quen với thịt cá dầu mỡ gia vị, về quê gặp chất mặn mòi nên thích, việc không có gì lạ. Nhưng sau đó trong lúc hai anh em trò chuyện quẹo bắt qua chuyện ăn uống, tôi mới biết là không phải vậy. Trước hết nó ngon vì khung cảnh, sau lưng nhà là cánh đồng xanh lặc lìa gió lồng lộng, trước mặt là giòng kinh nước cũng xanh, xung quanh nhà là vườn tược, tre la đà theo ngọn gió. Ngon vì không khí gia đình sum họp, có điều gì đó thiêng liêng trân trọng. Ba đứa trẻ ríu rít như bầy chim non, đứa đem tấm đệm ra trải trước hiên nhà, đứa thì dọn chén đũa, đứa lo bưng thức ăn. Tất cả làm rất thong thả, tiếng chén đũa khua lách cách, người vợ ngồi bên nồi cơm xới cho cơm tơi ra, lần lượt múc vô chén cho mọi người. Xong, một đứa trẻ lên tiếng mời thưa ba, thưa hai chú ăn cơm. Mọi người lần lượt ngồi vô chỗ xếp bằng nhưng vẫn chưa ai vội cầm đũa như có vẻ chờ đợi. Anh chủ nhà đưa mắt nhìn trên dưới như kiểm soát coi còn thiếu món gì rồi cất tiếng mời lần thứ hai, mời các chú ăn cơm với tui. Lúc đó mọi người mới cầm chén nhưng tôi để ý sắp nhỏ, dù chúng đã cầm đũa vẫn chưa vội gắp thức ăn, đợi cho ba mình gắp trước rồi mới gắp theo. Bữa cơm trở nên ngon là phải vì người ta ăn với sự trân trọng lẫn nhau, ăn để mà sống, ý thức được việc làm ra của cải không dễ nên người ta ăn không bỏ mứa dư thừa. Lại thêm một phong tục đẹp ở quê nhiều nơi vẫn còn giữ được trong khi thành thị đã đánh mất, là trước khi cầm đũa người ta ngồi yên vài giây thầm cám ơn Trời Phật, thầm mời những người khuất mày khuất mặt, sau đó chắp tay xá nhẹ rồi mới nhẹ nhàng bưng chén lên. Do đó việc ăn uống ở đây giống như thứ nghi lễ, không chỉ là để ăn mà là cùng chia sẻ miếng ngon vơi tấm lòng thân thương trìu mến, trao cho nhau tình thương. Ăn để mà sống, ngược lại với sống để mà ăn, suốt ngày mơ tưởng tìm món gì lạ bỏ miệng. Rõ ràng anh bạn có cuộc sống đầy đủ mà lại thiếu. Nếp sống thành thị bận rộn ai nấy lao vô việc kiếm sống, lại thêm tai nạn kẹt xe dọc đường, buổi cơm thường không đủ mặt người trong gia đình. Ngồi trước mâm cao cỗ đầy chỉ còn hai vợ chồng nghe hiu quạnh, lắm khi vợ gọi điện về kêu ăn cơm trước đừng chờ đợi, anh ngồi một mình trước mâm cơm. Buổi chiều có đủ mặt nhưng kẻ vô trước, người vô sau không mời mọc ai, ăn cho nhanh để rồi leo lên dàn máy vi tính, đi xem phim, hoặc đi dạo phố tối. Để hiểu vì sao ăn uống, vật chất chuyển hóa thành tinh thần, tôi đơn cử một thí dụ thứ hai. Đó là buổi ăn của các bậc thiền sư, cao tăng, Đại đức, Hòa thượng tham dự Diễn đàn Phật giáo Thế giới năm 2008 ở Trung Quốc, hiện còn lưu giữ nhiều hình ảnh trên mạng. Nước chủ nhà lo cho cả ngàn người ăn uống, chắc là mệt, nhưng không, mỗi người chỉ có cái mâm gỗ đựng tô cơm, hai dĩa thức ăn và một trái chuối già. Tất cả nhẹ nhàng thong thả đi đến chỗ ngồi, đồng lượt chắp tay trang nghiêm niệm chú hoặc kệ gì đó (cái này tôi không rành). Xong. Các vị thong thả nâng chén cầm đũa nhai cơm chậm rãi nhẹ nhàng. Vì tôi nghĩ chủ nhà mời khách các nước đều đâu phải là khách thường, đến mà đãi ăn chỉ có vậy là kẹo kéo, nên xem đi xem lại đoạn phim hàng chục lần, quan sát kỹ từng gương mặt xem các vị có biểu lộ cử chỉ gì trước mâm cơm… Hoàn toàn không, mà ngược lại tôi thấy không khí bữa ăn rất thanh thoát. Các bậc thức giả ăn trong niềm hân hoan, ăn trong sự chan hòa ánh mắt ngập lòng. Rõ ràng việc ăn ở đây với các ngài theo nghĩa ăn có chánh niệm, thực dưỡng đúng hơn là hai tiếng ẩm thực. Ăn không chỉ để là no cái bụng… mà nó đã chuyển hóa ra thành tinh thần.

II - Từ ăn chay với lòng trắc ẩn đến ăn chay theo đạo Phật vì lòng đại từ bi

Bây giờ chuyển qua việc ăn chay. Rõ ràng ngày nay xã hội ăn chay nhiều hơn trước kia. Bằng chứng cụ thể, quán chay mở ra hàng loạt vào mấy ngày rằm cũng thấy chợ búa còn đồ ăn chay, rau củ, bán thịt có chỉ có đôi người. Đây là một hiện tượng đáng mừng bên cạnh thế giới vật chất, văn minh đang lấn lướt điều khiển con người. Thử tìm hiểu nguyên nhân người ăn chay, thường thấy hai trường hợp. Một, rất giản dị, người ăn mặn muốn nhân dịp thay đổi khẩu vị đây thuộc trường phái ẩm thực, hơn nữa rau củ còn là phương pháp phòng chữa bệnh giảm lượng mỡ dư thừa tốt cho tim mạch. Hai là, số đông quần chúng nói mình ăn chay vì thấy 80 năm đời người sát sinh hại vật đã nhiều. Mặc dầu mình chỉ đi mua về ăn, nhưng gián tiếp bàn tay đã dính máu, bao nhiêu con heo, trâu, bò, tôm, cua, cá đã chết vì mình. Thấy rất rõ vì cuộc sống con người mà muôn loài trên trời, dưới đất, dưới nước thưa vắng dần đi, ngay cả giống loài hiền lành rùa, nai, voi cũng rơi vô thảm họa. Chớ nên vội vàng kết luận cho những người ăn chay biết hướng về tâm linh, vì tâm linh là một cái gì đó vô hình đồng thời nó cũng rõ ràng phải trải qua các bước trình tự mới hiểu. Ở đây người ăn chay xuất phát từ lòng trắc ẩn khiến người sống, đời sống có ý thức, đôi mắt nhìn đời suy xét lẽ thiệt hơn, công bình hơn. Người ta bắt đầu nhận ra cái gì đó tồn tại, một cái khác sẽ mất đi… tiếp tục mãi con người sẽ sống với ai khi xung quanh trở nên hoang vắng. Lòng trắc ẩn là cơ sở dẫn người thành lập Hội Bảo vệ động vật, Hội Bảo vệ môi trường để chuộc lai lỗi lầm do mình gây ra. Lòng trắc ẩn là bước một dẫn người đến cửa ngõ gặp đạo Phật với chủ trương ăn chay vì lòng đại từ, đại bi. Tại sao ăn chay vì lòng đại bi, đây mới là điều hướng người đến với thế giới của tâm linh. Đó là một thế giới sống động theo lời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy nó gồm trong nhiều thế giới. Nó mãi mãi tồn tại và phụ thuộc lẫn nhau để rồi tất cả nằm trong một thống nhất nhiệm mầu. Sự sống xuất hiện do vô lượng nhân duyên, từ sinh vật bậc thấp trở thành sinh vật bậc cao (có khi người đang ở trên cao không phải bỗng nhiên té ạch xuống đất vì một lý do không đâu…) con nòng nọc rụng đuôi thành cóc nhái. Con sâu lột xác thành bướm. Ve sầu suốt tám năm nằm trong đất mới mọc cánh bay lên cất tiếng hát báo hiệu mùa hè về. Ai biết được chuyện tiền kiếp của ai, mình là gì chuyển hóa trong thế giới mầu nhiệm kia. Thay vì chia sẻ cảm xúc kỳ diệu trước muôn loài, ai lại nỡ đi ra tay sát hại đồng loại chẳng chút rung động. Trong kinh Lăng Già, một bộ kinh giúp cho người phân biệt đâu là chân tâm, rất ít người chú ý đến đoạn Phật cấm ăn thịt vì đoạn này nằm sau chót bộ kinh. Phật dạy rất rõ ràng, khẳng định:

"Bởi vì lòng đại bi đi trước xem chúng sinh là một, như con một, ai ăn thịt là ăn thịt con mình".

Rải rác trong các kinh điển Đại thừa Phật nói đi nói lại cái ý, ăn thịt là ăn thịt con của mình. Chẳng những vậy, Phật cấm hẳn dùng phương tiện câu lưới để gài bẫy, đánh bắt đem ra chợ bán cầu lợi.

Phật không cấm ăn năm thứ thịt mà ta chẳng nghe, chẳng thấy, chẳng nghi, chim ăn còn dư, vật tự chết. Cái này thì dễ hiểu. Riêng với mười thứ thịt là thịt người, rắn, voi, ngựa, heo, chồn, chó, sư tử, khỉ, gà nên hiểu ở đây Phật nói tượng trưng, làm sao nêu hết tên muôn loài ra.

III - Từ ăn uống tiết độ đến cơm Niết bàn

Sự thật Phật chỉ đặt ra giới luật nghiêm nhặt từ giờ giấc cho đến việc ăn uống là dành riêng cho hạng xuất gia, riêng với quần chúng Phật rất uyển chuyển ăn chay gì cũng được trừ các vị hành tỏi gây kích thích và một lời khuyên là ăn uống phải cho điều độ. Có lần vua Ba Tư Nặc vì làm vua nên ăn uống vô độ đến đỗi bụng no cành nằm lăn lộn không ngủ được. Thấy vậy Phật liền quở trách.Người ăn ngủ, ăn lớn

Nằm lăn lóc qua lại

Chẳng khác heo no bụng

Kẻ ngu nhập thai mãi.(Người đời hiện nay có một số người giàu có sinh ra lắm kiểu ăn uống tôi cho không được. Thí dụ như lẩu mắm đang sôi sùng sục bỏ những con cá bống kèo còn sống vô trong lẩu, cá giãy chết đành đạch văng nước ra ngoài, cho ăn như vậy mới ngon. Thí dụ con bò còn sống, người cầm dao lụi vô đùi nặn ra miếng thịt đem nướng tái trên lửa than. Con bò đau đớn đứng chịu đựng nước mắt chảy ròng ròng. Hãy nên nhớ, giây phút đó người đã tạo nghiệp báo, đôi mắt bò mở lớn bằng chứng lòng hận thù của nó đã chuyển qua cục thịt làm thịt thành ra thịt độc.

Có lẽ Phật thấy vì cần phải so sánh để người hiểu nên có vẻ nặng lời nên Phật nói thêm bài kệ nhẹ nhàng:Con người thường chánh niệm

Được ăn, biết phải chăng

Chừng mực cảm thọ mạnh

Già chậm, tuổi thọ dài.Qua bài kệ thấy Phật là nhà thực dưỡng lo cho sức khỏe chúng sinh khác gì thầy thuốc lo cho bệnh nhân. Về cuối đời, trong kinh Đại Niết Bàn, Đức Phật còn chứng tỏ mình là "nhà đầu bếp" đại tài khi bày ra một món đầy đủ các mùi vị để giúp người qua đó tìm đến con đường giải thoát. Đó là sáu mùi.

Một là "khổ" vị chua, hai "vô thường" vị mặn, ba là "vô ngã" vị đắng. Bốn là "lạc" vị ngọt, năm là "ngã" vị cay, sáu là "thường" vị lạc. Trong thế gian lại có ba vị: vô thường, vô ngã và khổ lấy phiền não làm củi, trí tuệ làm lửa. Do nhân duyên đó mà thành ra cơm Niết bàn tức là "thường, lạc, ngã".

Chúng ta chắc chắn thú vị khi ngồi trước bàn tiệc, mâm cơm trước khi ăn chúng ta nâng chén cơm lên nghĩ tới những mùi vị mà vị đầu bếp đại tài đã bày ra. Tôi xin bảo đảm thức ăn lúc này có dở cũng hóa mùi ngon ngọt. Và việc ăn là vật chất hóa ra niềm vui tinh thần nhẹ nhàng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày