Một xã hội văn minh và tiến bộ được hiểu là một xã hội “thượng tôn pháp luật”, trong đó con người sống có đạo lý đối với cộng đồng và biết tôn trọng lẫn nhau, được luật pháp bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của một công dân sống trong đất nước có đầy đủ các định chế xã hội dân chủ. Không ai được quyền nhân danh lợi ích cá nhân gây thiệt hại đến quyền sống và nhân phẩm của người khác. Chương V, điều 74 Hiến pháp nước ta quy định rõ: “Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự”.
Có thể nói, đất nước ta những năm gần đây đã từng bước nỗ lực hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền, trong đó quyền sống của con người được luật pháp bảo hộ. Thế nhưng, trên nền của những thành tựu kinh tế-xã hội đáng phấn khởi, đâu đó trong các góc khuất của ánh sáng pháp luật, đã bắt đầu ló dạng nhiều hiện tượng nghịch lý, tiêu cực, đi ngược lại trào lưu văn minh, tiến bộ đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các mảng tối này xuất hiện với tần số ngày một tăng đã làm đảo lộn những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt, gây bức xúc về mặt tình cảm đạo lý của toàn xã hội. Một số vụ việc đánh động lương tâm con người trong năm 2009 được nhắc đến: Hình ảnh chư tôn giáo phẩm Phật giáo bị ném phân, liệng đá khi đến thăm một ngôi chùa; đám “côn đồ” phun nước bọt vào đầu và chửi rủa thô tục các tu sinh đang tĩnh tọa ngồi thiền, niệm Phật; cha mẹ con cái bạo hành lẫn nhau; người mẹ nhẫn tâm bắt con gái vị thành niên đi bán dâm... Gần đây nhất là thông tin về một vị hiệu trưởng mua dâm và chủ một trang trại đã thản nhiên xua đàn chó berge hung dữ xâu xé đến chết một phụ nữ nghèo đi mót cà-phê v.v…
Tất cả những hiện tượng đau buồn đó là hồi chuông báo động cho các vị lãnh đạo đất nước đang trong quá trình xây dựng một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Những người có lương tri hoàn toàn không thể chấp nhận việc bất cứ cá nhân hay tập thể nào lợi dụng danh nghĩa này, danh nghĩa khác xâm hại thân thể công dân, như Bộ Luật Hình sự đã quy định cụ thể. Lương tâm và trách nhiệm của bất cứ ai cũng thấy cần được lên tiếng trước sự suy đồi của nền đạo đức xã hội, bởi nó tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm ở chỗ là bất cứ một người công dân nào cũng có thể bị đe dọa đến tính mạng mà không có sự bảo vệ hữu hiệu của luật pháp và chính quyền. Những vi phạm nghiêm trọng đó nếu không được xử lý nghiêm minh sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở nơi này nơi khác như cỏ dại lan tràn, gây tâm lý bất ổn trong xã hội, làm xói mòn niềm tin vào công lý, và nguy hại hơn, biến con người trở thành vô cảm, lạnh lùng trước vô vàn những bất công trong xã hội.
Với hành trang là tinh thần nhập thế của đạo Phật, chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN nên chăng cần có những động thái tích cực và kịp thời trong việc góp phần xây dựng một xã hội con người thấm nhuần tư tưởng hòa hiếu, nhân bản của đạo Phật Việt Nam, thể hiện rõ nét sự có mặt mang ý nghĩa “cứu khổ, ban vui” của một tôn giáo đã từng hiện diện trên đất nước này hơn 2.000 năm qua.