Dấu ấn phát triển của Phật giáo TP.HCM qua những con số và sự kiện

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1156- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1156- Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Năm 1981, ngay sau khi GHPGVN ra đời, TP.HCM là một trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước thành lập Ban Trị sự. Trong chặng đường 40 năm phát triển, Phật giáo TP.HCM đã có những dấu ấn và thành tựu đáng kể, có thể ghi nhận cụ thể qua một vài con số.

25 thành viên, 17 quận, huyện

Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ I diễn ra từ ngày 2 đến 4-6-1982 tại chùa Xá Lợi, kết quả tốt đẹp ngoài sự mong đợi là đã thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM với 25 thành viên, giữ 30 chức vụ, do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực là Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào; đơn vị hành chánh lúc bấy giờ của TP.HCM gồm 17 quận, huyện.

Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào đảm nhiệm Trưởng ban từ nhiệm kỳ II cho đến ngày viên tịch (20-7-1997). Sau đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được suy cử Quyền Trưởng ban và chính thức đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự từ Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ VI (nhiệm kỳ 2002-2007) cho đến nay.

Đến khóa IX, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM có 61 ủy viên và 21 ủy viên dự khuyết; khối Văn phòng cùng 13 ban ngành chuyên môn và Phân ban Ni giới làm việc thường xuyên tại Trụ sở Việt Nam Quốc Tự cùng với Ban Trị sự GHPGVN TP.Thủ Đức và 21 Ban Trị sự quận, huyện trực thuộc.

13.240 Tăng Ni, 1.469 tự viện

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM hiện nay (2022) quản lý hành chánh 1.469 cơ sở tự viện và 12 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, 1.219 tự viện đã có quyết định bổ nhiệm trụ trì (155 cơ sở chưa có quyết định bổ nhiệm, 95 cơ sở chưa được hợp thức hóa và dựng bảng hiệu), trong đó Phật giáo Bắc tông: 1.334 cơ sở; Phật giáo Nam tông: 20 cơ sở (Nam tông Kinh: 18; Nam tông Khmer: 2); tịnh xá: 57 cơ sở; tự viện Phật giáo người Hoa: 58 cơ sở.

Từ hơn 1.000 Tăng Ni (1982), 40 năm sau, toàn TP.HCM có 13.240 Tăng Ni (9.545 thường trú, 3.695 tạm trú), cụ thể trong đó Phật giáo Bắc tông: 12.010 vị (5.280 Tăng, 6.730 Ni); Hệ phái Khất sĩ: 810 (Tăng: 385 vị; Ni: 425 vị); Nam tông: 190 (Nam tông Kinh: 115; Nam tông Khmer: 75); Người Hoa: 230 (Tăng: 95 vị; Ni: 135 vị); 5.450 giáo phẩm, 7.790 Tăng Ni đại chúng; hơn 6 triệu tín đồ.

Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) - Ảnh: Lương Hòa

Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) - Ảnh: Lương Hòa

15 Đại giới đàn truyền giới cho hơn 18.000 giới tử xuất gia

Trong 40 năm, Phật giáo TP.HCM đã tổ chức 15 Đại giới đàn, tạo thắng duyên cho hơn 18.000 người xuất gia thọ giới pháp; hơn 20.000 Phật tử thọ tại gia Bồ-tát giới. Phật giáo TP.HCM duy trì liên tục truyền thống an cư kiết kiết hạ hàng năm dưới 2 hình thức an cư tập trung và an cư tại chỗ.

Tuần Huân tu, Kiết đông cho chư Tăng, chấn chỉnh quy củ thiền môn

Từ năm 2017, với chủ trương và chỉ đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã liên tục tổ chức Tuần huân tu tập trung cấm túc, kiết đông dành cho chư Tăng là thành viên Ban Trị sự, Thường trực các ban chuyên môn và Ban Trị sự các quận/ huyện tại Việt Nam Quốc Tự; Tổ chức mùa an cư đầu tiên cho các tân Tỳ-kheo sau khi đắc giới; Tổ chức 12 khóa sinh hoạt hành chánh, bồi dưỡng trụ trì; Nhiều sinh hoạt về Tăng sự, pháp chế, chỉnh đốn quy củ thiền môn và các vấn đề phát sinh mang tính thời đại khác được soi sáng và điều chỉnh, quyết định dưới trí tuệ tập thể của Tăng đoàn…

Duy trì thuyết giảng hàng tuần

Ngoài các buổi thuyết giảng định kỳ, các khóa tu truyền thống như Bát quan trai được duy trì và liên tục mở rộng ở các tự viện. Bên cạnh Gia đình Phật tử, các đạo tràng, mô hình tu cũng được tổ chức, thu hút mọi lứa tuổi, thành phần xã hội, phù hợp với nhịp sống cũng như tâm lý thời đại; có thể kể đến như Đạo tràng Pháp Hoa, các Khóa tu mùa hè, Tiếp sức mùa thi, Một ngày an lạc, các kỳ Phật thất, Tuổi trẻ với Phật giáo, Gieo hạt từ tâm, Tâm an lạc, v.v…

Hơn 3.500 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội trong 5 năm

Thật khó để có được một con số đầy đủ về những công tác từ thiện xã hội mà Tăng Ni, Phật tử TP.HCM đã làm được, bởi rất nhiều hoạt động được thực hiện trong âm thầm, với tâm từ bi, thi ân không cần báo đáp hay để danh tiếng lưu lại cho đời. Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ, trong vòng 5 năm trở lại đây, Phật giáo thành phố đã thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội với con số thống kê chưa đầy đủ đã vượt hơn 3.300 tỷ đồng.

Quyết nghị 3 ngôi tự viện vĩnh viễn là cơ sở chung

40 năm trôi qua, diện mạo của Phật giáo TP.HCM đã có những thay đổi ngoạn mục, thể hiện sinh động nhất với việc trùng tu, kiến tạo nhiều ngôi già-lam, tự viện. Trong đó, dưới sự lãnh đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, các công trình nổi bật như Việt Nam Quốc Tự, chùa Thanh Tâm (Phật Cô Đơn), chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) và cơ sở 2 Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã được kiến thiết, xây dựng, trùng quang Tổ ấn, trở thành những trung tâm văn hóa, tâm linh của Phật giáo thành phố ở hiện tại và mai sau.

Đặc biệt, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã lấy ý kiến của Tăng Ni, quyết nghị 3 ngôi tự viện là Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Thanh Tâm (chùa Phật Cô Đơn, huyện Bình Chánh) và chùa Phổ Quang (quận Tân Bình) vĩnh viễn là cơ sở chung của Phật giáo TP.HCM được điều hành theo quy chế đặc biệt.

Trụ sở độc lập

GHPGVN TP.HCM lần đầu tiên có một trụ sở làm việc độc lập, đầy đủ tiện nghi cần thiết của một tổ chức Giáo hội đặt tại Trung tâm hành chánh - văn hóa và tâm linh Việt Nam Quốc Tự, tạo thuận duyên cho những cải cách của Ban Trị sự trong hoạt động; kết nối dễ dàng với hệ thống 21 Ban Trị sự quận, huyện và TP.Thủ Đức cùng các ban chuyên môn trực thuộc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày