Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Xuân Ất Tỵ - 2025 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Ở ngài Đại Giác, văn phong cũng chính là thiền phong, thẳng tắt chân thành, trong sáng gọn gàng, không uốn lượn quanh co, chẳng dung dị thường tình. Văn đẹp, ý sâu, lời lời khẩn thiết chân thành, hết sức sâu sắc thâm trầm. Dũng mà nhu, chân mà diệu, xứng danh là bậc thiện tri thức mở mắt cho người.
Ôi! Thời gian có hạn, mạng người khó bảo tồn. Chuyển một hơi thở tóc bạc đầy đầu, chẳng nên dần dà để luống qua. Nguồn tâm nếu đục đường trước lại mờ, cơn bệnh chợt đến vô phương chống đỡ, khiấy lo lắng, ăn năn thì đã chậm mất. Hận mình sớm chẳng lo tu, đến bến không thuyền. Phật pháp mai một, nhân ngã lộng hành, không lúc nào thịnh bằng hiện giờ. Mỗi người hãy tự nỗ lực!
Mặt trời sắp lặn mà đến bến lại không thuyền, biết phải làm sao? Có hận mình sớm chẳng lo tu thì cũng đã muộn màng. Hình ảnh này thật bi thống. Hành nhân lạc bước lỡ chuyến đò mất rồi. Nói chậm trễ cũng bằng thừa, nói đau xót vẫn chưa đủ, nói hoảng sợ không biết đi về đâu là vừa vặn nhất. Ôi! Cho thêm một dấu chấm than vào cuối đời nữa thì hết thật rồi. Đó chính là ngọn roi cảnh tỉnh quất mạnh vào thân tâm khách tha hương.
Đọc tới đây, là khách xa nhà có thấy chạnh lòng nhớ cố hương? Sanh lão bệnh tử đuổi đến gấp, mà công phu chưa tới kịp. Nguồn tâm đã mờ, đường trước lại còn mờ hơn. Đâu đó nhân ảnh của mỗi chúng ta in xuống dòng sông sanh tử, chiếc bóng cô quạnh của kẻ đến bến không thuyền. Đáng sợ quá! Cho nên hơn lúc nào hết, lúc này là lúc mỗi người hãy tự nỗ lực. Đây chính là lời răn nhắc tha thiết của Lan Khê lão sư vậy.
Cổ đức thị hiện cả đời dấn thân vì đạo pháp, nhằm nhắc nhở chúng ta phải nuôi lớn tâm tu đạo và hành đạo, không nên mặc cảm phước mỏng nghiệp dày rồi sanh thối thất.
Chúng ta đầy đủ phước duyên hội ngộ minh sư, gặp gỡ bạn hiền, cùng sống cùng tu học trong một đạo tràng. Trên có ân sư nuôi dưỡng dạy dỗ, dưới có huynh đệ chia sẻ ngọt bùi, đàn-na tín thí ủng hộ hết lòng. Thật là hy hữu! Vậy mà đôi khi mình vẫn thấy chưa đủ, chưa an ổn, bởi vì nguồn tâm chưa sáng, công phu chưa thiết, đạo tâm chưa kiên cố. Phật tổ ra đời là vì thế, còn một chúng sanh chưa thành Phật, các Ngài thề chẳng rời bỏ chúng ta.
Cuộc đời hành đạo của Thiền sư Đại Giác lắm truân chuyên. Ngài từ Trung Hoa theo thuyền buôn đến Nhật Bản. Khi hóa duyên thuận lợi, lúc chướng nạn vây khốn, nhưng hùng lực và từ tâm của ngài không bao giờ lay chuyển. Có thể xem đây là sự thị hiện của các bậc Bồ-tát, nhằm chỉ dạy và sách tấn người sau mạnh mẽ, bền lòng, kiên chí trên con đường tu đạo, dù gặp bất cứ hoàn cảnh thuận nghịch nào.
Chẳng phải chỉ riêng Thiền sư Đại Giác, ngày xưa các bậc tông sư nổi tiếng, không phải vị nào cũng gặp thuận duyên. Có vị sinh vào thời đất nước gặp nhiều biến cố, vì thế cuộc đời hành đạo khá thăng trầm. Tuy nhiên trong hoàn cảnh nào các ngài vẫn giữ vững đạo tâm kiên cố. Cuộc đời, hạnh nghiệp, chướng nạn… tất cả đều thể hiện ý chí, nghị lực và sự dấn thân vô bờ của người cầu đạo giác ngộ giải thoát.
Thiền sư từng ở ngôi vị Quốc sư ngự trên tòa trầm hương tôn quý, thì cũng có thể bị lưu đày nơi biên ải xa xôi hoang vắng. Thế sự thăng trầm, tình đời ấm lạnh… với đạo nhân vô tâm chỉ là một chút mây nhàn, điểm xuyết trên bầu trời hư vô mà thôi. Vạn sự giai không. Các pháp xưa nay vẫn như thế.
Khi bị đày ra Giáp Châu, Thiền sư Đại Giác đã vui vẻ nói với Tăng Ni đạo tục nơi này: Ta vì pháp vượt bể đến đây, mà chỉ được giáo hóa chung quanh kinh vua, chưa có dịp rảnh rang để hướng dẫn những kẻ ở xa xôi hẻo lánh. Nay, nhân vừa đến phương này, âu long thiên cũng sắp đặt cho ta vậy. Thanh thản, nhẹ nhàng. Tùy duyên tiêu cựu nghiệp, hồn nhiên vận y xiêm. Thật là đại nguyện đại hạnh của bậc chân tu đạt đạo.
Thế rồi sau ba năm ngài lại trở về. Trở về chẳng bao lâu lại bị đày đi. Đày đi rồi lại mời về. Con đường Bồ-tát đạo là như thế. Đường này dù khó đi, các ngài cũng nguyện đi. Hạnh này dù khó hành, các ngài cũng nguyện hành. Chúng sanh dù khó độ, các ngài cũng nguyện độ. Bởi vì các ngài là sứ giả của trí tuệ và từ bi. Có lẽ vì thế mà chúng ta nguyện quay về nương tựa Tam bảo, để được tiếp nhận nguồn năng lực mạnh mẽ, phát xuất từ nguồn trí lực vô tận của bậc giác ngộ.
Cổ đức thị hiện cả đời dấn thân vì đạo pháp, nhằm nhắc nhở chúng ta phải nuôi lớn tâm tu đạo và hành đạo, không nên mặc cảm phước mỏng nghiệp dày rồi sanh thối thất. Người tu chỉ được tiến không được lùi, đã leo lên lưng cọp thì phải cỡi, nhảy xuống là cọp xơi. Tâm thông trí sáng rồi, lại tiếp tục hành Bồ-tát đạo, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật. Đường còn xa còn gian khó vô cùng, phải hết sức tận lực mới được.
Thiền sư Đại Giác từng bước đưa nạp tăng đi từ chỗ công phu cạn dần đến sâu. Chớ bảo một niệm mà xem thường, đừng cho rằng đại nguyện dài lâu khó thành tựu. Tâm chân ắt việc thật, nguyện rộng ắt hạnh sâu. Nếu chúng ta thật lòng vì nhau, thì Bồ-đề quyến thuộc từ đây xin kết chặt, thề nguyện Linh sơn thắm tình cốt nhục.
Thiền sàng tĩnh tọa trước lò hương,
Cảnh lặng lòng yên muôn việc thường,
Nào phải ngăn lòng hay dứt niệm,
Chỉ vì vô sự chẳng gì vương.
Thiền sư chỉ mong hành giả nhận lại bản lai diện mục của chính mình bằng con đường tự tri tự ngộ. Quả là khối kim cương Bát-nhã nằm trong trái tim Bồ-tát.