Ghi chép vội giữa mùa Sài Gòn giãn cách

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nếu bạn vẫn còn những lời ước hẹn với những người thân yêu giữa lòng Sài Gòn, xin hãy kiên nhẫn chờ đợi...

Ngày 8-7: Ngày “bản lề” trước giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

15 giờ 30, ngồi tại điểm gác thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, giấu gương mặt sau hai lớp khẩu trang phòng vệ, nghe tổng kết kì thi mà lòng bất an vô cùng. Vài thầy cô đang tranh thủ hết giờ làm việc để ra siêu thị mua thức ăn tích trữ cho những ngày sắp đến. Riêng mình vì chút e dè nên đành tặc lưỡi bỏ qua. Chỉ cần có cơm trắng ăn cùng vài món đạm bạc là được.

Bất luận thế nào cũng không nên đến nơi đông người vào thời điểm này. Một cái gật đầu thay lời tạm biệt với các anh chị em đồng nghiệp. Quay trở về nhà giữa Sài Gòn vắng lặng. Những vòm cây vẫn xanh tươi, lặng lẽ tỏa bóng mát, dẫu chỉ ngày mai thôi lệnh giãn cách sẽ được áp dụng khắp thành phố này. Chẳng biết bao lâu nữa Sài Gòn mới thật sự bình yên?

Ngày 9-7: Ngày đầu tiên của đợt giãn cách

Mình thức giấc sớm vì cuộc điện thoại báo tin của người dì họ. Nhà dì mình đã bị phong tỏa. Một vài người thân trong gia đình dì đã bắt đầu nhiễm bệnh. Mẹ nghe xong điện thoại ngồi thẩn thờ hồi lâu, gương mặt không giấu được vẻ bất an. Mình ra sức trấn an mẹ, trong khi tay không ngừng hái một ít quả chanh trong vườn nhà. Từ hôm nay, mỗi thành viên trong gia đình phải cố gắng bổ sung vitamin C và trị liệu tinh thần bằng tinh dầu tự nhiên từ gừng, sả và ít vỏ chanh. Mình luôn tin mọi việc rồi sẽ ổn, dù không khỏi cảm giác bất lực, khi không thể làm gì ngoài động viên, an ủi mọi người trong nhà. Mong sao mọi việc sẽ ổn sau 15 ngày.

Ngày 10-7: Một ngày ồ ạt tin khẩn

Mẹ mình bảo thực phẩm lại bắt đầu tăng giá. Nhiều người tranh thủ mua đồ tích trữ hoặc bán lại để lấy lời. Mình lắc đầu bảo không sao đâu mẹ, thực phẩm nhà mình vẫn còn nhiều. Khẽ nén tiếng thở dài, mẹ điện thoại cho ngoại. Bà năm nay đã 80 tuổi, bệnh tật nhiều, sức khỏe rất kém, lại ở khá xa nhà mình. Tuổi già nhiều lo lắng, nghe tiếng ngoại “Mô Phật” liên tục trong điện thoại, lòng mình không khỏi xót xa. Những người già như bà ngoại mình trong cơn đại dịch này hẳn là điều bận tâm lớn nhất của mỗi gia đình.

Đến giữa trưa, tin khẩn ùa về. Nhà của hai người cậu mình đều bị phong tỏa. Mình sực nhớ họ đều sống trong những khu hẻm nhỏ, nhà cửa san sát nhau, người dân đại đa phần lại hay làm việc ở khu công nghiệp hoặc những khu chợ đầu mối. Cậu mình lo sợ nên cứ vài phút lại gọi cho mẹ một lần. Đêm đó, cả mẹ và mình đều mất ngủ.

Một góc Sài Gòn vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Một góc Sài Gòn vắng lặng trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Ngày 11-7: Ngày thứ ba khởi sắc

Sáng nay lên mạng, thấy một người bạn tham gia đoàn y bác sỹ tự nguyện, đăng vài đoạn clip ngắn ngủi về tình hình của cô ấy. Sắc mặt cô ấy hơi tiều tụy, nhưng ánh mắt kiên định và giọng nói ấm áp như thường ngày. Những người trẻ như mình và cô ấy, dù ít hay nhiều, vẫn phải trải qua một giai đoạn không hề dễ dàng.

Bạn thân gởi tin nhắn trấn an, bảo mình đừng quá lo lắng, thế giới của chúng ta tràn ngập những người tử tế đang dốc hết tâm sức để đẩy lùi dịch bệnh. Mình cố gắng uống thuốc trị đau dạ dày, sinh hoạt điều độ hơn. Bất luận thế nào, bản thân cũng không thể trở thành gánh nặng cho xã hội. Chỉ cần giữ cho chính mình khỏe mạnh, cả gia đình đều bình an đã là quá tốt rồi.

Ngày 12-7: Khi cọng hành, trái ớt còn “quý hơn vàng”

Ngày còn nhỏ, mình nghe ông ngoại kể chuyện về một bộ phim với cốt truyện nghe rất lạ. Ở vương quốc nọ, có cô công chúa út vì nói: “Con yêu cha như muối” thì bị cha trục xuất ra khỏi vương quốc. Hai cô chị khôn khéo hơn thì nói: “Con yêu cha như vàng và kim cương” lại được trọng thưởng. Thế mà, chỉ một thời gian sau, đất nước ấy khan hiếm muối. Giá muối được đẩy lên cao gấp mấy lần thường lệ. Nhà vua, trong cơn khủng hoảng ấy, bỗng hối hận và nhớ con gái út đến kỳ lạ.

Kí ức về bộ phim nghe rất buồn cười ấy đã trở lại bên mình, khi bất khả kháng đành đứng xếp hàng suốt gần nửa tiếng để chờ mua vài cọng hành và mấy trái ớt từ siêu thị nhỏ gần nhà. Thời buổi dịch bệnh lạ kỳ, khi tiền tài, thẻ tín dụng chưa hẳn là giàu có so với những người có hành lá, ngò gai, trứng gà để chế biến thức ăn...

Nhóm tình nguyện viên đội mưa chống dịch Covid-19 - Ảnh: Mai Xuân Tứ
Nhóm tình nguyện viên đội mưa chống dịch Covid-19 - Ảnh: Mai Xuân Tứ

Ngày 13-7: Một ngày mưa tầm tả

Mấy hôm rồi, do mỏi mệt, mình tắt điện thoại vì không muốn đọc nhiều tin tức tiêu cực. Sáng nay, vừa mở zalo trường thì nhận tin buồn. Chồng của cô bạn dạy chung trường với mình vừa mất. Cô ấy lại đang ở khu cách ly vì dịch bệnh, chẳng thể đưa tang. Bất giác rùng mình khi sực nhớ chỉ vài năm trước mình vừa tham dự lễ cưới của họ. Họ đều còn trẻ, thế mà một người ra đi mãi mãi, người kia ở lại sẽ ra sao?

Mình rất muốn nhắn một lời động viên, nhưng không biết mở đầu từ đâu. Cũng bởi có những nỗi đau mà người ngoài cuộc chẳng thể nào san sẻ hết. Trời Sài Gòn hôm nay mưa tầm tã.

Ngày 14-7: Tương thân tương ái

Cô hiệu trưởng gửi thông báo nhờ quyên góp cho gia đình cô bạn đồng nghiệp. Cùng thời điểm ấy, bếp ăn từ thiện tại địa phương mình đang sống ra lời kêu gọi mọi người cùng tương trợ nhau qua mùa dịch.

Mình mở hộp tiền tích trữ, không ngần ngại đem ra hết, chia làm hai phần. Một phần cho cô bạn, phần còn lại gởi cho bếp ăn. Tiền bạc rất quan trọng trong thời điểm này, nhưng tình cảm và sự san sẻ với mọi người chung quanh lại càng quan trọng gấp bội.

Ngày 15-7: Thế giới tốt đẹp nhờ những người tử tế

Mình luôn tin mỗi ngày trôi qua trong suốt 15 ngày giãn cách xã hội ở Sài Gòn đều là những thời khắc tràn đầy hi vọng vì biết bao người tử tế đang cố gắng và ra sức chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ thành phố này.

Nếu bạn vẫn còn những lời ước hẹn với những người thân yêu giữa lòng Sài Gòn, xin hãy kiên nhẫn chờ đợi. Hết dịch rồi, chúng ta lại có cơ hội gặp nhau...

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày