Giãn cách xã hội ở nhà chép kinh

Chùa Hương yên bình trong mùa hội thời Covid-19 - Ảnh: Quảng Tâm
Chùa Hương yên bình trong mùa hội thời Covid-19 - Ảnh: Quảng Tâm
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đóng cửa chùa giãn cách xã hội, một số chùa đã phát động việc làm thiết thực như bao sái già-lam, chép kinh văn...

Đầu năm, nhà chùa đóng cửa, dừng khai hội

Thông thường đầu năm, các đền, chùa ở Hà Nội thường rất đông người đến lễ. Từ ngày 16-2-2021 (tức mùng 5 Tết), lãnh đạo thành phố Hà Nội có chỉ thị yêu cầu mọi chùa, đền, di tích lịch sử của Hà Nội phải đóng cửa, tạm dừng các hoạt động tín ngưỡng tập trung đông người. Chúng tôi đến các chùa trong thành phố như Quán Sứ, Trấn Quốc, Tĩnh Lâu, Võng Thị, Vạn Niên, Hà… ghi nhận đều đã “cửa đóng then cài”, vắng lặng khác thường. Một số người đến lễ đứng chắp tay khấn vái vọng từ bên ngoài tam quan.

Danh lam thắng tích lớn bậc nhất ở Hà Nội là Hương Sơn - quần thể chùa Hương. Lễ hội chùa Hương cũng là lễ hội lớn nhất ở thủ đô, thường diễn ra trong 3 tháng với lễ khai hội ban đầu được dự kiến tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng, UBND huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo dừng khai hội chùa Hương, đồng thời tạm ngừng đón khách tham quan, hành hương về Hương Tích.

Ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch huyện Mỹ Đức cho biết ngay từ đầu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ ba, địa phương thực hiện rất nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, đầu tiên là đưa ra quyết định không tổ chức khai hội chùa Hương, sau đó quyết định đóng cửa chùa Hương. Mọi cửa hàng kinh doanh phục vụ lễ hội cũng chủ động ngừng vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm vào khu vực kinh doanh để tránh thiệt hại về kinh tế, đồng thời, có phương án bảo vệ tài sản hiện có của gia đình, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường. Các hộ gia đình có xuồng, đò không hạ xuống dòng suối Yến để đón khách cho đến khi có thông báo mới.

“Chúng tôi biết quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội của địa phương, nhưng chúng tôi không đánh đổi sức khỏe người dân lấy kinh tế, nên các biện pháp đưa ra được tiến hành rất nghiêm túc. Cũng rất thuận lợi là người dân rất đồng tình ủng hộ nên việc quản lý cũng bớt khó khăn hơn”, ông Triều nói.

Theo Trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, việc đóng cửa di tích chùa Hương mùa lễ hội năm nay khiến nhiều người dân trong xã mất đi nguồn lợi kinh tế. Năm ngoái, do ảnh hưởng của Covid-19, chùa Hương chỉ đón được 388.020 khách, giảm 945.000 người so với năm 2019. Với lượng du khách đến chùa Hương mỗi năm trước đây khoảng 1,3 triệu lượt người, nếu năm nay ngừng đón khách cả năm, thì riêng tiền bán vé thắng cảnh đã thất thu ngân sách gần 70 tỷ đồng. Hơn 5.000 thuyền đò của người dân trong xã Hương Sơn phải ngừng hoạt động, ước tính thất thu gần 200 tỷ đồng; hoạt động kinh doanh ăn uống, buôn bán đồ lễ, phục vụ chỗ nghỉ của người dân ước tính thất thu khoảng 200 tỷ đồng nữa. Như vậy tính tổng thiệt hại có thể lên tới 500 tỷ đồng.

Giãn cách, Tăng chúng làm được nhiều việc ý nghĩa

Thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.Hà Nội, trụ trì chùa Hương chia sẻ: Suốt bao năm qua, cứ đến mồng 6 tháng Giêng âm lịch là chùa Hương khai hội, lòng người phấn khởi đón mùa xuân mới. Năm nay dừng khai hội, không đón khách nhằm tăng cường phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19, nhiều cảm xúc đan xen.

“Ngay từ trước Tết, nhà chùa đã chuẩn bị rất kỹ các chương trình nghi lễ, trang trí, văn nghệ cho ngày khai hội. Tuy nhiên năm nay, lễ hội dừng đột ngột. Tại chùa Thiên Trù, chỉ hơn 10 người của nhà chùa tổ chức lễ Khai sơn, Khai kinh cầu quốc thái dân an nội bộ, người ngoài không được tham dự. Năm nay dù không khai hội, nhà chùa vẫn Khai kinh, rồi tế Khai sơn. Cửa chùa vẫn mở, chỉ có điều không thể cho người ngoài vào. Đúng nghĩa là nội bất xuất ngoại bất nhập”, Thượng tọa cho biết.

Thượng tọa Thích Minh Hiền thông tin thêm, những ngày này, du khách thập phương không thể hành hương về thắng tích Hương Sơn, nhưng chúng tôi vẫn mong muốn các Phật tử gần xa hãy nhất tâm cùng tụng kinh Dược Sư, cầu an cho đất nước, nhân loại sớm đẩy lùi dịch Covid-19. Người Phật tử và mọi người ai nấy đều có thể thực hành tu tập, tụng niệm ngay tại nhà, ngay tại cơ quan... Tu tại gia lúc này cần được phát huy tác dụng.

Thượng tọa cho hay, nhằm thực hiện chủ trương phòng chống dịch Covid, hầu như trong thời gian qua, chư Tăng của sơn môn Hương Tích đều ở trong Thiên Trù, không đi ra ngoài. Và quãng thời gian đó đã giúp nhà chùa làm được rất nhiều việc.

“Trong tình hình giãn cách, cách ly, các học trò của tôi không đi học được ở trường xa nên nhà chùa đã tổ chức lau chùi quét dọn, làm một số việc thiết thực với Phật pháp, phù hợp với bà con Phật tử quanh mình. Đặc biệt là chúng Tăng trong chùa đã viết được hàng trăm bản Bát-nhã Tâm kinh. Kinh đó vốn được gọi là kinh Ánh sáng của trí tuệ. Thời khắc tả kinh là lúc thầy trò chúng tôi cứ tập viết với nhau bao lần cho bằng thấu đạt. Chép tay xong lại nỗ lực khắc lên đá những bản kinh dài, những bức Mạn-đà-la to, những bức sơn mài lớn... Điều hạnh phúc là các công trình đầy tâm huyết này đã được hoàn thành do chính các sư ở trong chùa chứ không cần mượn hay nhờ thợ ngoài nào cả. Vậy cho nên đừng đổ lỗi do dịch bệnh khiến mình không làm được việc. Có rất nhiều việc lớn trên đời, chỉ cần tu chí thực hành là sẽ thành được thôi”, Thượng tọa Thích Minh Hiền hoan hỷ chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày