Mệnh lệnh ưu tiên và cơ hội điều chỉnh

Chùa Trấn Quốc - Hà Nội treo bảng đóng cửa sau Tết, hưởng ứng mệnh lệnh phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Chu Minh Khôi/BGN
Chùa Trấn Quốc - Hà Nội treo bảng đóng cửa sau Tết, hưởng ứng mệnh lệnh phòng chống dịch Covid-19 - Ảnh: Chu Minh Khôi/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GN - Chưa bao giờ chúng ta có một tháng Giêng yên ắng như năm nay, không có cảnh chen lấn, đạp lên nhau để cướp cho được “ấn đền Trần”, không xô đẩy để tranh lộc cầu may… Phải chăng đây cơ hội để điều chỉnh lối sống xô lệch mà chúng ta mải cuốn theo?

Nhiều nơi bị phong tỏa. Một số tỉnh thành kêu gọi người dân, đặc biệt là công nhân đang làm việc ở các địa phương có dịch không về quê ăn Tết để giảm thiểu khả năng lây lan, giúp tình hình kiểm soát, việc khống chế dịch bệnh lây nhiễm cộng đồng được đảm bảo. Các cơ sở tôn giáo cũng được khuyến cáo, yêu cầu dừng các hoạt động tín ngưỡng, lễ nghi tập trung đông người. Nhiều chùa đã không tổ chức lễ giao thừa, phát lộc đầu năm.

Trước Tết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng đã phổ biến thông báo gửi đến các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành đề nghị toàn thể Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước thực hiện Tết 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) để đảm bảo an toàn trong dịch bệnh, bên cạnh việc cầu nguyện quốc thái dân an, dịch bệnh sớm tiêu trừ, đem lại sự bình an, may mắn cho mọi người, mọi nhà, cho toàn xã hội. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội xuân với truyền thống lâu đời tại các địa phương cũng liên tục thông báo hủy, dừng tổ chức.

Tại TP.HCM, các chùa trung tâm, nơi thường người dân đến lễ trong thời khắc giao thừa và ngày đầu năm mới đông đảo như chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), Pháp viện Minh Đăng Quang, chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức), hay tu viện Vĩnh Nghiêm (Q.12) vừa mới khánh thành đều ra thông báo dừng các nghi lễ giao thừa, quy y Tam bảo, thuyết giảng, hành hương đầu năm… Các chùa tại thủ đô Hà Nội cũng tạm khép cửa, đồng loạt treo biển thông báo dừng các hoạt động tín ngưỡng đầu năm để tránh việc tập trung đông người.

Trở về với chính mình

Với chị Hoàng Anh, một Phật tử ngụ tại phường Bình An, TP.Thủ Đức, giao thừa năm nay rất khác lạ, yên ắng. Tuy nhiên, theo chị, bên cạnh một số bất tiện nhất định, đây lại là cơ hội hiếm có để con người trở về đối diện với những vấn đề bức thiết trong cuộc sống mà đôi khi do bận rộn, náo nhiệt của đời thường làm cho xao lãng, không có cơ hội để suy ngẫm một cách thấu đáo.

Anh Nguyễn An, 42 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ cho biết dẫu hoàn cảnh làm ăn có khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, năm nay anh lại có một cái Tết đúng nghĩa, an lành. Hạn chế đi lại, giảm bớt lễ nghi giao tiếp, anh có nhiều thời gian dành cho bản thân và những người thân yêu hơn. “Nhu cầu về đời sống thực chất không quá cao và quá nhiều như đôi khi chúng ta vẫn lầm tưởng. Năm nay xem như lần đầu tiên trong cuộc đời ngoài 40, tôi không bị việc giao tế làm cho lao xao, có thêm thời gian để đọc những bài báo mà mình quan tâm, chiêm nghiệm nội dung những trang sách mà mình cần. Tôi có cơ hội quán chiếu chính mình để có những điều chỉnh cho năm mới và thời gian tới một cách phù hợp hơn”, anh chia sẻ.

Ở góc độ của một người nghiên cứu cũng như trực tiếp thực hành các nghi lễ Phật giáo, Thượng tọa Thích Không Nhiên, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế trong phần trả lời báo chí, cho rằng trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc các lễ hội hạn chế tổ chức, đương nhiên khiến người dân ít nhiều sẽ bị thiệt thòi trong việc tiếp cận, tham dự các sinh hoạt văn hóa tâm linh như thế.

“Nhưng cần thấy một điều thế này: chính hoàn cảnh dịch bệnh hôm nay cũng là một cơ hội để cho người dân, sau quá trình quá tải với những lễ hội đầu xuân như dư luận đã nói, có dịp trở về nhà, nối kết gia đình một cách sâu sắc hơn”, Thượng tọa nhận định.

Thượng tọa Thích Không Nhiên cho biết thêm: “Nếu lâu nay, trong dịp Tết, người ta thường hướng ngoại, thì đây là lúc để hướng vào nếp sinh hoạt tinh thần của từng gia đình, để cân bằng lại đời sống tâm linh trong cộng đồng”.

Với Phật giáo, Thượng tọa cho rằng việc hạn chế, dừng tổ chức những lễ hội, sự kiện liên quan do hoàn cảnh dịch bệnh không có ảnh hưởng tiêu cực mà trên phương diện tích cực, đó cũng là dịp để Giáo hội giảm bớt những hình thức tổ chức mang tính “hội” bên ngoài, tập trung nhiều hơn những thời khóa tu tập, cầu nguyện để chuyển năng lượng thiện lành đến cho xã hội. “Tôi thấy điều đó rất giá trị”, Thượng tọa Thích Không Nhiên nói.

Cơ hội cho sự điều chỉnh

Những năm gần đây, giới nghiên cứu và báo chí đã phản ánh hiện tượng “bội thực tinh thần” xuất phát từ việc lễ hội được tổ chức tràn lan, thiếu chọn lọc, lạm xưng văn hóa và nhiều biến tướng phi nhân văn nhưng lại khoác lên chiếc áo… bảo tồn, tái hiện, khôi phục truyền thống.

Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, trong một bài viết về đại dịch Covid-19 trên tuần báo Giác Ngộ số 1043, phát hành tháng 3-2020, giữa đỉnh điểm Covid-19 hoành hành dữ dội trên toàn cầu, đã nhận định đây là một biến cố lịch sử.

“Không ai nghi ngờ gì, rõ ràng đây là một nạn dịch lịch sử, xảy ra thình lình như một trận sóng thần giữa trời quang mây tạnh. Thế giới hoảng loạn chưa từng thấy, ta có thể nhắc lại lời Thủ tướng Đức Angela Merkel, biến cố này phải được xem là kinh hoàng nhất kể từ ngày chấm dứt Thế chiến thứ hai vào năm 1945”, ông viết.

Trong cái nhìn duyên sinh của Phật giáo, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách không chỉ nêu ra những sự tàn phá khốc liệt do đại dịch gây nên cho cả thế giới, tổn thất nhân mạng, tổn thất kinh tế và xáo trộn xã hội một cách sâu sắc trên nhiều phương diện, làm thay đổi các giá trị phát triển và phơi bày những ngộ nhận về sức mạnh của con người, sự phồn vinh, hạnh phúc thực sự.

Điểm thú vị được ông nêu lên trong bài viết của mình, đó là do sự hoành hành của cơn đại dịch, các khu công nghiệp tạm đóng cửa. “Chỉ sau vài tuần vắng bóng công nghiệp, bầu trời Vũ Hán vô cùng trong xanh như không ảnh cho thấy, so sánh với thời gian trước đó đen kịt một màu. Tại Venice, thủ đô du lịch của Ý, nơi mà du khách chê trách chất nước ngầu đục hôi hám trong các kênh rạch, cũng sau vài tuần vắng người, dòng nước xanh trong đã hiện ra, nhìn đến đáy, với cơ man nào là cá”...

Chưa bao giờ chúng ta có một tháng Giêng yên ắng như năm nay, không có cảnh chen lấn, thậm chí đạp lên nhau để cướp cho được “ấn đền Trần”, không xô đẩy để tranh lộc cầu may, ít hiện tượng tai nạn giao thông thảm khốc do chạy nhanh vượt ẩu, hậu quả những cuộc tiệc tùng thả ga…

Phải chăng đây cơ hội để điều chỉnh lối sống xô lệch mà đôi khi chúng ta mải cuốn theo, không kịp nhận ra hạnh phúc thực sự là đơn giản, đâu nhất thiết phải có nhiều điều kiện như chúng ta tưởng...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày