Giáo dục đào tạo Tăng Ni - Nhiều thành tựu, ưu tư không ít !

Chuyến thăm và làm việc của Ban GDTN T.Ư với các Trường Phật học phía Nam bắt đầu từ 20 – 5 và kết thúc vào ngày 26-5. Đoàn gồm có HT.Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch HĐTS, Phó ban thường trực Ban GDTN T.Ư làm Trưởng đoàn; HT.Thích Giác Quang, HT.Thích Đức Thanh, TT.Thích Thanh Đạt, ĐĐ.Thích Thanh Quyết, Phó ban GDTN T.Ư làm phó đoàn; ĐĐ.Thích Phước Đạt và ĐĐ.Thích Nguyên Thành - thư ký đoàn.    

Phái đoàn của Ban GDTN T.Ư vừa có chuyến thăm và làm việc với các Trường Phật học ở các tỉnh phía Nam (tin trên GN 486). Tháp tùng theo đoàn, PV Giác Ngộ đã ghi nhận được thành tựu bên cạnh những trăn trở, ưu tư của Ban giám hiệu các trường, Tăng Ni sinh và những định hướng của ban đối với vấn đề giáo dục Phật giáo trong những năm tới...

Thuận lợi và thành tựu

Theo báo cáo từ Ban giám hiệu các trường Phật học cũng như sự chia sẻ của Tăng Ni sinh thì ngành giáo dục Tăng Ni trên địa phương cả nước đã được sự ủng hộ giúp đỡ của Giáo hội cũng như chính quyền địa phương. Thể hiện đầu tiên của thuận lợi ấy là việc tạo điều kiện để các Trường Phật học được xây dựng cơ sở vật chất khá bề thế như Phòng ốc khuôn viên đảm bảo tốt cho công tác giảng dạy, sinh hoạt của Tăng Ni sinh…

Thêm đó là việc khuyến khích học tập của giáo hội cũng như thầy tổ của quý vị Tăng Ni tạo thuận lợi cho Tăng Ni sinh an tâm, chuyên cần vào việc học. Đồng thời, mỗi cá nhân Tăng Ni sinh cũng ý thức được việc học để bổ trợ cho việc tu là cần thiết. Hơn nữa có nhiều vị còn ý thức rõ việc học trong thời buổi hiện nay là quan trọng, có tác động tích cực trong công tác hoằng pháp, đối ngoại. “Chính vì vậy Tăng Ni sinh chuyên tâm hơn trong việc học ở trường”, Ni sinh An Mãn (Trường TCPH Long An) nhận định.

giaoduc_1.jpg
HT.Thích Giác Toàn (phải) trao đổi công tác giáo dục
với HT.Thích Quang Đạo (Hiệu phó Trường TCPH Đồng Nai)

Những vị lãnh đạo trong Ban giám hiệu và Ban giảng huấn ở các trường là quý Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức có tâm và có tầm với công tác giáo dục. Gần gũi, gắn bó để dạy về kiến thức đồng thời đứng ra chỉ dẫn về oai nghi, tế hạnh cùng với việc tu hành nghiêm chỉnh của các giáo thọ sư, các thầy trong ban giám hiệu chính là tấm gương sáng cho hàng hậu học. Tăng sinh Thích Quảng Tâm bộc bạch: “Đi học ở trường Phật học chúng tôi được tiếp xúc được với môi trường rộng hơn. Ở đó có Tăng chúng, có những vị thầy giỏi về đức độ và Phật pháp nên đó chính là hình ảnh đẹp để mình học tập và tu theo”.

Chính vì nhiều thuận lợi như vậy nên thành tựu mà các trường báo cáo với Ban GDTN T.Ư cũng khá ấn tượng. Đào tạo về số lượng tăng theo năm và chất lượng được tăng lên do có những giáo thọ sư có kiến thức và tâm huyết đi học từ nước ngoài về tham gia vào ban giảng huấn. Đồng thời, các giáo thọ ở Học viện PGVN cũng được các trường TCPH thỉnh giảng về dạy ở một số môn. Từ đó góp phần nâng chất của “đầu ra” của các trường. Yêu cầu cho “đầu vào” của các trường cũng được mở rộng nâng lên: Được sự giới thiệu của Bổn sư, tốt nghiệp THPT, học qua cơ bản Phật học… cũng là yếu tố cho chất lượng đào tạo đồng đều.

Nhiều ưu tư...

Điểm qua một số thành tựu để thấy được công lao của những người làm công tác giáo dục và những người lãnh đạo giáo hội đối với công tác đào tạo Tăng chúng. Tuy nhiên, nhiều khóa đào tạo đi qua, các lớp Tăng Ni vào ra nhưng vẫn chưa có một giáo án thống nhất từ trung ương do chính Ban GDTN soạn thảo và ấn hành. Đó có lẽ là “nỗi lòng” chung được các ban giám hiệu và Tăng Ni sinh gửi gắm đến phái đoàn của Ban GDTN T.Ư. Theo TT.Thích Huệ Minh (Hiệu trưởng Trường TCPH Tiền Giang) thì “Có một giáo trình thống nhất sẽ đảm bảo chất lượng đào tạo từ dưới lên. Hiện tại các trường Phật học có chương trình và giáo án khác nhau nên khi Tăng Ni sinh muốn học lên không biết đâu mà lần vì kiến thức không đồng nhất!”.

Không chỉ thế, việc đào tạo ở cấp cơ sở khá… nghiêm nhưng khi lên đến Học viện Phật giáo tại TP.HCM thì chưa ổn do việc tuyển sinh khoá VII có vài điểm lỏng lẻo. Lỏng lẻo ở “đầu vào” làm các trường Phật học bị… “rơi rụng” (do đầu vào không yêu cầu sinh viên phải tốt nghiệp TCPH nên các Tăng Ni đang học ở các trường đăng ký thi vào học viện). Nói về vấn đề này nhiều vị hiệu trưởng các trường TCPH cũng bày tỏ sự không đồng tình: “Đối với giáo dục Phật giáo cần phải được tiếp nối theo kiểu căn bản đến nâng cao, học để biết và tu chứ không phải học để có… bằng cấp. Do vậy, một học Tăng sinh viên của Học viện Phật giáo lại chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 không thì không ổn”. HT.Thích Quảng Hiển (Hiệu trưởng Trường Phật học Đại Tòng Lâm) bày tỏ: “Không nên đem giáo dục Tăng Ni nhập chung với giáo dục Phật tử. Nếu giữ cách tuyển sinh ồ ạt và thiếu căn bản như khoá VII thì các lớp Phật học ở các tỉnh sẽ… rất khó, có thể bị giảm số lượng”.

giaoduc_2.jpg

Học xong trung cấp, nhiều Tăng Ni sinh có nhu cầu học lên cao ở Học viện Phật giáo nhưng ngặt nỗi Học viện Phật giáo tại TP.HCM chưa có cơ sở nội trú. Các Tăng Ni sinh phải tự tìm chùa để ở dẫn đến việc tự tìm nhà trọ, quản lý không chặt chẽ nên “có đi mà không có về”. “Đó là một sự thật đau lòng cần phải được lên tiếng” – một vị Hoà thượng bày tỏ! Cũng nói về đề tài này HT.Quang Đạo (hiệu phó Trường TCPH Đồng Nai) chia sẻ: “Mục đích của giáo dục Phật giáo là học – tu – làm việc. Nếu học mà không tu thì có khác chi người đời? Muốn vậy quản giáo Tăng Ni sinh phải thực sự nghiêm và có đức độ”. Nói rồi HT.Quang Đạo nêu ví dụ tiêu biểu của trường TCPH Đồng Nai: tất cả việc giáo dục hoàn toàn khép kín theo tiêu chí về giáo dục mà thầy nói ở trên.

Vấn đề học những ngoại khoá khác bổ trợ cho việc phát triển vai trò tu sĩ như Anh văn, Hán văn, vi tính, nghi lễ, giao tiếp, điều hành chương trình… cũng là vấn đề mà Tăng Ni sinh mong muốn được Ban GDTN đưa vào chương trình giảng dạy thống nhất. Ngoài ra, thư viện cho mỗi trường với lượng kinh sách đáp ứng cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, tu học của Tăng Ni sinh cũng là điều trăn trở.

Chia sẻ những ưu tư

Lắng nghe tất cả những ưu tư của các trường và các vị Tăng Ni sinh, HT.Thích Giác Toàn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban GDTN T.Ư, trưởng phái đoàn đã “giải trình” từng việc một. Thứ nhất là việc để sơ hở trong tuyển sinh khoá VII của Học viện Phật giáo thì nay đã được điều chỉnh trong khoá tuyển sinh tới. HT.Thích Trí Quảng được cử về làm Viện trưởng của Học viện và Ngài đã cùng ban lãnh đạo đưa ra các biện pháp khắc phục trong tuyển sinh. Cụ thể là: thí sinh tham gia thi tuyển học viện phải tốt nghiệp THPT, TCPH, được bổn sư và BTS các tỉnh giới thiệu và phải có chỗ tạm trú tại các chùa. Thứ hai, về giáo án, HT.Giác Toàn cũng mong các trường hỗ trợ cho Ban GDTN trong việc tổng hợp, biên soạn giáo án thống nhất bằng cách gửi những giáo án mẫu của trường mình về ban. Từ đó Ban GDTN sẽ thành lập ra một Ban soạn thảo (chính là những giáo thọ) để chọn ra một bộ giáo án chung.

Riêng, đối với Tăng Ni sinh thì HT.Thích Giác Toàn nhắc nhở: “Học đi đôi với tu, có như vậy quý vị mới trưởng dưỡng được đạo tâm, nâng cao năng lực, phẩm chất của người tu”. Cũng đồng chia sẻ ấy, HT.Thích Giác Quang, TT.Thích Thanh Đạt, ĐĐ.Thích Thanh Quyết cùng các vị thành viên trong đoàn đều bộc bạch với Tăng Ni sinh: “Giáo dục Tăng Ni không ngoài mục đích nối dài mạng mạch Phật Pháp. Vậy thì chỉ có việc tu và học kết hợp mới tạo ra được sức mạnh, và đó mới là chất liệu làm cho đời sống người tu được an lành, mang an lành đến cho chúng sanh”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày