Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

Sư bà Diệu Không
Sư bà Diệu Không
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.

Lý do thứ nhất: Di mẫu là mẹ của tất cả bà mẹ trong Ni giới của lịch sử Phật giáo; Sư bà là mẹ của tất cả bà mẹ trong Ni giới của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Dù cực lớn gồm cả năm châu bốn biển, dù cực nhỏ trên một nắm đất cong, hình ảnh mẹ ở đâu cũng giống nhau, vì tình thương sinh thành dưỡng dục ở đâu cũng là một.

Lý do thứ hai: Di mẫu là vợ của vua, là mẹ nuôi của Đức Phật, vậy mà khiêm cung cúi rạp mình đội giới luật của Phật như đội vòng hoa thơm trên đầu. Hình ảnh đó, đố ai đã một lần biết Sư bà mà không liên tưởng đến. Kính phục Di mẫu, kính phục Sư bà, ta lại càng thương Đức Phật. Nhìn người, có khi là nhìn từ xa, Đức Phật biết cả kiếp trước và biết cả khả năng thành A-la-hán của một người, vậy thì làm sao Ngài không biết được khả năng của bà Gotami, khả năng của phụ nữ, mà phải đợi đến khi ngài A-nan bộc bạch mới nói ra sự thật?

Chân dung tiểu thư Hồ Thị Hạnh, ái nữ của quan Thượng thư Hồ Đắc Trung

Chân dung tiểu thư Hồ Thị Hạnh, ái nữ của quan Thượng thư Hồ Đắc Trung

Trong lịch sử tôn giáo, sự thật ấy chưa ai tuyên ngôn, trời người trong thời đại đều phản ứng ngược, làm sao Đức Bổn Sư của chúng ta không đắn đo đợi cho đến khi đúng lúc? Vượt qua thời đại, Đức Phật cũng cần phải làm thế nào để thời đại có thể đi theo. Thương Đức Phật, chúng ta hãy hiểu thời đại để hiểu Ngài, tránh hai việc cực đoan: hoặc chấp chặt lời xưa trong từng li từng tí và không nghĩ đến bối cảnh của thời ấy; hoặc viện lẽ thời thế đổi thay để gạt hẳn nguyên tắc, cả lời lẫn ý, cả xác lẫn hồn.

Tôi nói thế, nhưng tôi biết tôi không có tư cách để nói. Cư sĩ chúng tôi chỉ nên nhìn. Và càng nhìn, tôi càng thương Đức Phật nơi Sư bà Diệu Không. Đố ai giữ đúng lời Phật như Sư bà. Nhưng cũng đố ai dám có cái ý nghĩ phân biệt Tăng với Ni - cái ý nghĩ phân biệt mà Phật dạy ta đừng giữ trong tâm. Thương Đức Phật, cư sĩ chúng tôi kính Tăng như kính Ni, không khác.

Tiểu thư Hồ Thị Hạnh sau khi xuất gia trở thành Sư bà Diệu Không
Tiểu thư Hồ Thị Hạnh sau khi xuất gia trở thành Sư bà Diệu Không

Lý do thứ ba của tôi hơi dài dòng. Vài năm trước đây, đọc một quyển sách tiếng Pháp, tôi mới biết các vị Thánh ni thời Phật có... làm thơ. Trong lịch sử, thơ và kệ là lĩnh vực của các Đại tăng, đâu hề thấy bóng dáng của các Đại ni. Vậy mà Di mẫu Gotami cũng có để lại một đôi vần. Làm sao tôi không liên tưởng đến Sư bà của chúng ta? Thơ của Sư bà tô điểm cho văn học Thiền. Thơ của các Thánh ni ngày trước là gia tài quý hiếm của văn học Pali. Nói là “thơ”, đúng hơn đó là những khúc “hát” được truyền khẩu và truyền tụng qua nhiều thế kỷ từ thời Phật đến thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch rồi mới được chép lại thành chữ, gom lại thành tập dưới nhan đề Therigatha, khúc “hát của các phụ nữ đã chứng quả”. Nhờ những khúc “hát thơ” này mà ngày nay ta có thực chứng về khả năng thành bậc A-la-hán của nữ giới.

Đã là Thánh, không ai còn làm thơ để thành thi sĩ. Di mẫu Gotami sẽ buồn lắm nếu ta gọi bà là... nhà thơ. Bà chỉ hát lên một khúc hoan ca để tán thán ơn lành của Đức Phật:

Kính lễ Đức Thế Tôn

Bậc cao nhất trên khắp mọi người

đã giải thoát cho tôi và bao nhiêu người khác

ra khỏi khổ đau.

Khổ đau đã diệt tận nguồn gốc

dục vọng không đáy đã tát cạn

chánh đạo tám đường đã mở ra

tôi đạt đến chỗ thảy thảy đều ngừng lại.

Trước đây tôi đã là

mẹ,

con,

cha,

bà nội,

chẳng biết gì chân lý

tôi cứ tiếp tục đi.

Nhưng tôi gặp được Bậc Giải Thoát.

Đây là thân xác cuối cùng.

Tôi không còn trở lại nữa

kiếp này qua kiếp khác

không bao giờ trở lại.

Hãy nhìn các đệ tử quanh đây

tu hành

tinh tấn

để tán thán các Đức Phật mười phương.

Maya đã sinh ra Gotama

để đem lại hạnh phúc cho muôn người

Maya đã diệt tận khổ đau

sinh lão bệnh tử.

Sư bà Diệu Không với chư vị Trưởng lão: Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Chánh Trực, cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm tại chùa Phật Học Xá Lợi (TP.HCM)
Sư bà Diệu Không với chư vị Trưởng lão: Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Chánh Trực, cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ Tống Hồ Cầm tại chùa Phật Học Xá Lợi (TP.HCM)

Tôi chọn thêm một khúc hát nữa của một bậc Ni, Patacara, mà cuộc đời được kể trong kinh từ khi còn là thiếu nữ. Con của một thương gia giàu có ở Savatthi, Patacara được gả cho một thanh niên cùng giai cấp, nhưng nàng không ưa vì đã trót phải lòng người giúp việc trong nhà. Cùng với người ấy, nàng trốn khỏi nhà cha mẹ. Đến khi mang thai và sắp sinh nở, nàng muốn trở về lại nhà để sinh cho an toàn, nhưng nửa đường thì người kia đuổi theo và nàng phải sinh con ở dọc đường. Lần thứ hai cũng vậy, nàng vừa ôm con, vừa cố về nhà trước khi chuyển bụng, nhưng người kia lại đuổi theo và nàng lại phải sinh nở dọc đường. Lần này, giông tố nổi lên dữ dội, chàng kia phải đi vào rừng tìm chỗ trú ẩn, chẳng may bị rắn độc cắn chết liền tại chỗ.

Cả đêm người mẹ phải dùng thân mình để che cho cả hai con. Mưa không ngớt suốt cả ngày, hôm sau nữa nàng mới lần mò tìm đường về nhà. Giữa đường, mưa làm tràn nước sông, nàng không đủ sức bế hai con cùng một lúc để lội qua sông, đành đặt con lớn ở bờ bên này, bế con sơ sinh qua bờ bên kia, rồi đặt con nhỏ ở bờ bên kia, lội qua sông toan bế con lớn ở bờ bên này. Giữa sông, nàng ngoảnh lui để nhìn con nhỏ thì một con ác điểu sà xuống đớp mất con. Quá đau đớn, nàng thét lên, đứa con lớn tưởng mẹ kêu, bò xuống bờ, nước cuốn mất. Thất thểu trên đường về nhà, nàng hỏi thăm tin tức cha mẹ thì được biết sấm sét đã đánh sập nhà, cả nhà không ai sống sót.

Sư bà Diệu Không cùng chư Ni trước bảo tháp Phổ Đồng (chùa Báo Quốc, Huế)
Sư bà Diệu Không cùng chư Ni trước bảo tháp Phổ Đồng (chùa Báo Quốc, Huế)

Điên loạn, Patacara lang thang trong thành phố Savatthi, áo quần rách bươm, thân thể lõa lồ, bị người mắng chửi, đuổi đánh, ném phân. Cứ thế, tình cờ nàng đến vườn của ông Cấp Cô Độc, nơi Đức Phật đang thuyết giảng. Đức Phật gọi: “Patacara, tỉnh lại!”. Nàng hết điên. Một người ném cho nàng cái áo choàng. Patacara quỳ xuống, thưa: “Bạch Thế Tôn, xin Ngài cứu cho con”. Phật nói: “Patacara, đừng tưởng con đã tìm được người cứu vớt. Trong nhiều kiếp trước, con đã đổ nước mắt khóc cho người chết nhiều hơn là nước trong bốn biển. Không ai cứu con được cả...”. Và Phật giảng cho nàng bài học đầu tiên. Nghe xong, Patacara xin Phật nhận nàng vào Ni giới.

Khúc hát sau đây, Patacara làm khi đã chứng ngộ, lấy hình ảnh ngọn đèn tắt để diễn tả quá trình chấm dứt luân hồi:

Khi họ đã cày bừa xong

và đã gieo hạt,

khi họ đã nuôi dưỡng đầy đủ

vợ và con,

các thanh niên Bà-la-môn trở thành giàu có.

Nhưng tôi đã làm đúng tất cả

đã theo đúng luật của Thầy tôi

không lười không tự mãn

tại sao tôi không tìm được an vui?

Tôi rửa sạch chân

rồi nhìn nước chảy ra

trên bờ dốc.

Tôi chú tâm

như một con ngựa chiến.

Rồi tôi bưng một cây đèn

rồi đi vào phòng,

trên giường ngay ngắn

tôi ngồi xuống

tôi cầm một cây kim

đặt trên chiếc bấc.

Như ngọn đèn đã tắt

tôi giải thoát.

Tất cả những khúc hát trong Therigatha đều đơn giản như vậy. Đơn giản như Nikāya. Đơn giản, dễ dàng, dễ hiểu như văn ngữ của bản kinh nguyên thủy đầu tiên đến với Á Đông từ thời Tam quốc, kinh Tứ thập nhị chương, trước khi được thêm thắt, sửa đổi trong bản sau, dưới ảnh hưởng của thiền. Tôi đã nghĩ đến kinh này khi đọc thơ trong Therigatha rồi đọc thơ của Sư bà. Thơ trong Therigatha là thơ của A-la-hán. Thơ của Sư bà là thơ của Bồ-tát. Ai đọc kinh Bốn mươi hai bài đều thấy: ngay từ bài 1 và bài 2, bản kinh sau đã lồng triết lý “Không” của Bát-nhã vào văn ngữ và cả nội dung của bản kinh nguyên thủy. Bát-nhã và nguyên thủy, bằng thơ, tôi đã liên tưởng đến Sư bà và nối kết Sư bà với các Thánh ni ngày xưa. Chỉ cần đọc một bài thơ của Sư bà, một bài thôi, đủ thấy chỗ gần, chỗ xa giữa hơn 25 thế kỷ:

Muôn pháp không ngoài lý diệu không

Không mà phải diệu mới dung thông

Cái tâm vô trú là tâm diệu

Diệu khắp muôn phương thấy thể đồng.

Sư bà Diệu Không và các nhân sĩ, trí thức người Việt tại Pháp
Sư bà Diệu Không và các nhân sĩ, trí thức người Việt tại Pháp

Chỗ xa giữa 25 thế kỷ thơ là thơ trước chỉ kể - chỉ hát lên - sự chứng đắc của mình và không nói đến triết lý như thơ sau. Chỗ gần là ai cũng chứng đắc, mỗi người một cách. Tôi có cần nói thêm, có cần phải lặp lại: ai cũng chứng đắc, Tăng cũng như Ni? Và tại sao ai cũng chứng đắc như ai? Tại vì Phật đã dạy như vậy: cái tâm không phân biệt là tâm Bát-nhã. Chứng đắc, cái tâm ấy, cái tâm bình đẳng, cái tâm vô trú, cái tâm dung thông, cái “bản tánh như như một thể đồng” ấy, lặng yên chiếu sáng trong toàn bộ thơ của Sư bà như trăng lặng yên chiếu sáng khắp nơi, không phân biệt cây cao cỏ mọn:

Trăng treo lồng lộng giữa hư không

Bình đẳng soi cùng vạn nẻo thông

Tự tánh có hư thì có thật

Tịch mà thường chiếu khắp Tây Đông.

Có nam chăng? Có nữ chăng? Có chứ! Nhưng hãy “có” như đất mà “không” như trời:

Trời vẫn vô tâm soi vạn nẻo

Đất như hữu ý thảy đều dung.

Với Hòa thượng Thích Thiện Châu
Với Hòa thượng Thích Thiện Châu

Có Tăng chăng? Có Ni chăng? Có chứ! Nhưng “tịch” mà “chiếu” là chứng đắc không ai bì được với Sư bà. Trong cuộc đời cũng như trong thơ, “diệu hữu chân không” là Niết-bàn của Sư bà ở cõi này. Đâu có xa xôi gì với Niết-bàn của các Thánh ni ngày xưa, diễn tả dưới hình thức mộc mạc của lời kể chuyện:

Đã bốn năm lần

tôi rời phòng ốc.

Tâm tôi không yên,

không kiềm chế được.

Tôi đi tìm một vị Ni

mà tôi tin.

Người giảng pháp cho tôi

đây là thân đây là tâm

đây là tánh đây là thọ

đây là đất nước gió lửa.

Tôi nghe Người nói

và tôi vòng chân ngồi

bảy ngày không ngớt

an vui.

Ngày thứ tám

tôi duỗi chân ra

vô minh biến mất.

Ai dám nói thiền không có trong này? Niết-bàn chỉ là một cái duỗi chân. Người hát khúc ca này là Uttama, đệ tử của Patacara. Uttama không nói triết lý. Chỉ duỗi chân. Hơn 25 thế kỷ sau, Sư bà Diệu Không cũng duỗi chân như thế trong tư thế “có - không” của Bát-nhã:

Chỗ không nói có, không thành có

Nơi có mà không, có hóa không.

Giới luật của Phật là có. Tôi thương cái “có” cẩn trọng ấy nơi Sư bà. Tôi thương Đức Phật nơi Sư bà. Tôi thương Bát-nhã nơi Sư bà. Tôi thương, tôi kính, tôi lạy cái duỗi chân của Sư bà.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày