Tham dự và chứng minh có: HT. Thích Thanh Thế; TT. Thích Thanh Vân – UV HĐTS , Trưởng Ban Trị sự Tỉnh hội PG Hải Dương; ĐĐ. Thích Chiếu Tuệ - Phó Thư ký Ban Hoằng pháp TƯGH, Trưởng ban Hoằng pháp Thành hội PG Hà Nội; ĐĐ. Thích Thanh Phương - UV ban Hoằng pháp Thành hội PG Hà Nội, Viện chủ Tổ đình Phú Thị, Viện chủ Tịnh viện Vân Sơn - Tam Đảo cùng chư Tôn đức Tăng Ni huyện Gia Lâm, chư Tăng chùa Đại Dương - Sùng Phúc và chư Đại đức Tăng đến từ Nam bộ đang tu tập và hành đạo tại đây.
Cùng tham dự lễ hội còn có đại diện Mặt trận, phòng Văn hóa huyện Gia Lâm, chính quyền xã Phú Thị, Ban quản lý khu di tích và đông đảo Phật tử trong huyện Gia Lâm và bốn phương.
Ngay từ 18 giờ cùng ngày,tất cả đã chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất. Lễ đài trang nghiêm, rực rỡ và bạt ngàn cờ phướn, hàng nghìn ngọn đèn nến lung linh các sắc màu, các kiểu dáng được gắn kết khắp nơi trong không gian huyền ảo dưới làn mưa bụi đặc trưng đất Bắc, dường như mùa Xuân sắp về… Đặc biệt là không khí háo hức và thành kính của các chúng Phật tử trong đó rất đông đảo là các em thanh, thiếu nhi. Đúng 18 giờ 30, chư Tăng từ phòng khách, trong y hậu trang nghiêm, từ từ quang lâm về lễ đài, giữa 2 hàng Phật tử chắp tay thành kính trong tiếng chuông trống bát nhã vang rền và không gian màu sắc lung linh.
Sau khi dâng hương, lễ Phật, ĐĐ. Thích Thanh Phương phát biểu khai mạc Đại Lễ, ĐĐ.Thích Chiếu Tạng tuyên đọc 48 lời đại nguyện của Đức A Di Đà, TT. Thích Thanh Vân ban đạo từ, thời khóa niệm Phật… là lễ truyền đăng. Từ bàn thờ Phật, ngọn lửa Đạo pháp được thành kính truyền trao lan rộng tới hàng nghìn ngọn nến trên tay Tăng Ni Phật tử. Trong tiếng niệm Phật hùng tráng dâng lên như hải triều âm, cả một không gian rộng lớn, linh thiêng, lung linh, rực rỡ sự màu nhiệm của Đạo Pháp.
Được biết, Chùa Sủi có tên là Đại Dương Sùng Phúc tự, là một ngôi chùa cổ, có từ trước thời Lý, hiện nay còn lưu giữ được nhiều bảo vật của thế kỷ XVII, XVIII, XIX. Chùa vừa được trùng tu lại 2006, rất nguy nga, đồng bộ, hài hòa với khung cảnh thiên nhiên và sinh hoạt dân dã của nhân dân. Chùa có một không gian thoáng đãng, xanh mát hòa hợp với kiến trúc cổ tạo sự đa dạng trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Trụ trì chùa Sủi hiện nay là Đại đức Thích Thanh Phương với chúng Tăng bản tự và nhiều nơi vân tập về, thường xuyên có hàng chục vị. Ngoài công việc tu tập, phục vụ sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng thường nhật, thường xuyên vào 3 ngày cuối hàng tháng đều có mở các Đạo tràng Tịnh độ cho hàng trăm Phật tử khắp nơi quy tập về hành trì Bát quan trai với các thời khóa niệm Phật theo Pháp môn tịnh độ.
Đặc biệt, từ hơn 1 năm nay, từ khi Đại đức Thích Thanh Phương đảm nhận trụ trì và phát tâm hưng công xây dựng Tịnh viện Vân Sơn Tam Đảo, thì hàng tháng tại Tịnh viện, Trên lưng chừng dãy Tam Đảo, cách chùa Sủi chừng 70 km, đều có mở Pháp hội Đại Bi thu hút hàng nghìn lượt Phật tử vân tập về cùng trì 108 biến chú Đại bi rất màu nhiệm./.