Hành trình ngàn năm của Phật giáo trên đất nước Thái Lan

Phra Prathom Chedi hay Prathama Cetiya ở Nakon Pathom, nơi Thera Soṇaka và Thera Uttara đến từ Ấn Độ cổ đại
Phra Prathom Chedi hay Prathama Cetiya ở Nakon Pathom, nơi Thera Soṇaka và Thera Uttara đến từ Ấn Độ cổ đại
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thái Lan là một trong những vùng đất có lịch sử lâu đời, nơi mà những dấu ấn của Phật giáo Nam truyền (Theravāda) vẫn còn hiện diện rõ rệt trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng.

Với số lượng tu sĩ đông đảo, Thái Lan còn được biết đến với tên gọi “Vùng đất của những chiếc huỳnh y”. Các Phật tử, được dẫn dắt bởi niềm tin vững chắc vào Tam bảo, vẫn luôn trân trọng và gìn giữ di sản Phật giáo quý báu của họ. Nền văn hóa rực rỡ và những truyền thống Phật giáo phong phú được lưu truyền qua nhiều thế kỷ đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Lan.

Sự xuất hiện của Phật giáo ở Thái Lan

Lịch sử của Phật giáo ở Thái Lan có thể truy ngược về những ngày đầu tiên khi Phật giáo bắt đầu được công nhận dưới triều đại của hoàng đế Aśoka, vị đại đế thuộc vương triều Maurya (304-232 trước Tây lịch). Sau khi Hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba kết thúc, hoàng đế Aśoka đã khởi xướng một chiến dịch nhằm truyền bá giáo lý của Đức Phật ra ngoài biên giới Ấn Độ cổ đại. Với sự hỗ trợ của vua Aśoka, Trưởng lão Moggaliputta Tissa, người chủ trì Hội nghị kiết tập kinh điển lần thứ ba, đã cử chín phái đoàn đi truyền giáo, mỗi phái đoàn gồm một trưởng lão và bốn vị Tỳ-kheo, để đưa Phật pháp lan tỏa đến các vùng khác nhau trên thế giới.

Trong số đó, một phái đoàn do hai nhà sư Ấn Độ, Thera Soṇaka và Thera Uttara dẫn đầu, đã mang Phật pháp đến vùng Suvarṇabhūmi (Vùng đất vàng) vào năm 250 trước Tây lịch, khu vực mà sau này được biết đến là Thái Lan. Theo một ghi chép từ vương quốc này, các nhà truyền giáo cao quý đã đặt chân đến thành phố Dvaravati, sau này được gọi là Nakon Pathom (Skt. Nagara Prathama). Tên gọi Dvaravati có nguồn gốc từ tiếng Phạn, mang ý nghĩa “có cổng thành”. Để tưởng nhớ sự hiện diện sớm nhất của Phật pháp ở Thái Lan, vua Mongkut (Rama IV) (1804–68) đã cho xây dựng một bảo tháp khổng lồ ở thành phố Nakon Pathom, được gọi là Phra Prathom Chedi hay Prathama Cetiya (tượng trưng cho thánh tích Phật giáo đầu tiên).

Sự phát triển Phật giáo

Với sự xuất hiện của Thera Soṇaka và Thera Uttara, hạt giống của Phật pháp đã được gieo trồng ở Thái Lan cổ đại. Thông qua mối quan hệ giữa Trung Quốc và Thái Lan cổ đại, rất nhiều tín đồ Thái Lan đã quy y Tam bảo dưới triều đại nhà Minh (28-75 Tây lịch). Vua Khun Luang Mao là vị vua đầu tiên của Thái Lan chính thức tuyên bố mình là một tín đồ trung thành của Phật giáo. Với quyết tâm duy trì và phát triển giáo lý của Đức Phật, vua Khun Luang Mao đã tưới tẩm những hạt giống Phật pháp, khiến nó bén rễ sâu sắc vào nền văn hóa Thái Lan.

Trong thời kỳ Kushan (30-375 Tây lịch), Phật giáo đã được truyền bá và phát triển đến đỉnh cao. Dọc theo các tuyến đường tơ lụa, các thành viên của Tăng-già thường được những thương nhân bảo vệ và hỗ trợ. Qua những cuộc gặp gỡ này, mọi người không chỉ trao đổi hàng hóa bán buôn mà còn có cả thông tin văn hóa, ngôn ngữ và niềm tin tôn giáo. Cứ như vậy, Phật pháp, bao gồm truyền thống Sarvāstivāda (Hữu bộ) và lý tưởng Bồ-tát Đại thừa, đã được truyền bá dọc Con đường tơ lụa theo dấu chân của những đoàn thương nhân. Cũng chính vì lý do này, ngôn ngữ Pāli và Sanskrit đã ảnh hưởng và trở thành một phần quan trọng trong ngôn ngữ của Thái Lan.

Đáng chú ý hơn nữa, với sự truyền bá Phật pháp từ Kaśmīr, Gāndhāra và Bactria, phong trào Đại thừa đã được quần chúng và Phật tử ở Thái Lan cổ đại đón nhận và thực hành. Dưới sự trị vì của các vị vua đế chế Śrīvijaya, Phật giáo phát triển từ Sumatra (nay là Indonesia) đến Surasthani (miền Nam Thái Lan), Phật giáo lại tiếp tục phát triển và thăng hoa trong khu vực. Được các vua Śrīvijaya bảo trợ, nhiều tu viện Phật giáo, bảo tháp và trung tâm giáo dục đã được thành lập từ năm 757 CN. Bằng chứng khảo cổ từ các chetiya (bảo tháp Phật giáo) ở Nakon Sri Thammarath miền Nam Thái Lan, cùng các hình ảnh Đức Phật và các vị Bồ-tát, cho thấy sự hiện diện ban đầu của truyền thống Đại thừa ở Thái Lan cổ đại. Như vậy, trái ngược với quan niệm phổ biến về Phật giáo Thái Lan như hiện nay, truyền thống Đại thừa đã từng được thực hành rộng rãi tại đây.

Dưới triều đại Suryavarman (1002-1182), vì quyền lực bị Campuchia thâu tóm nên Thái Lan chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ vương quốc lân cận này trong thời kỳ Lop Buri. Cũng chính trong giai đoạn này, các loại cổ ngữ Pāli và Sanskrit đã góp phần làm phong phú thêm các ngôn ngữ và phương ngữ Thái Lan. Vào thời kỳ Lop Buri, vua Anawratha Minsaw (1014-1077) từ Pagan (nay là Myanmar) đã đưa quân xâm chiếm các vùng lãnh thổ phía Bắc và trung tâm của Thái Lan (gồm Chiang Mai, Lopburi và Nakon Pathom) vào năm 1057. Sau khi quy y Tam bảo và trở thành một Phật tử thuần thành, vua Anawratha đã nỗ lực truyền bá Phật giáo Theravāda khắp vương quốc Pagan cũng như những vùng đất mới thuộc Thái Lan ngày nay.

Phật giáo lần nữa đạt đến đỉnh cao rực rỡ tại Thái Lan trong thời kỳ Sukhothai (1257-1438). Vua Sri Intrathit (1188-1270), người sáng lập vương quốc Sukhothai, đã khuyến khích dân chúng tuân thủ và thực hành giáo lý của Đức Phật. Vua Ramkhamhaeng (1237-1298), một trong những vị vua vĩ đại của triều đại Sukhothai, đã tích cực hỗ trợ các nhà sư và học giả Phật giáo biên soạn và dịch các bản kinh văn Phật từ Pāli và Sanskrit sang ngôn ngữ địa phương. Nhờ ảnh hưởng của giáo lý Phật giáo, các vị vua thời Sukhothai đã nỗ lực duy trì nền hòa bình với các nước lân cận. Đối với người Thái, Sukhothai được xem là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh vượng và hòa bình trong lịch sử Phật giáo Thái Lan.

Như vậy, trong buổi đầu của vương quốc, Phật giáo tại đây phân hóa thành những vùng theo các dòng truyền thừa khác nhau. Khu vực chịu ảnh hưởng của Campuchia theo Phật giáo Đại thừa, trong khi Chiang Rai, Chiang Mai, Lampang,… chịu ảnh hưởng của truyền thống Theravada Myanmar.

Laṅkāvaṁsa và sự hồi sinh của truyền thống Theravāda

Trong khoảng thời gian Phật giáo biến mất khỏi Ấn Độ, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ ở Sri Lanka dưới sự bảo trợ của hoàng gia Parākramabāhu (1123-1186). Vua Parākramabāhu đã bảo trợ cho kỳ Kiết tập kinh điển Phật giáo vào năm 1176 dưới sự lãnh đạo của Trưởng lão Kassapa. Pāli đã trở thành ngôn ngữ chính thức để học tập và nghiên cứu Phật pháp ở Sri Lanka lúc bấy giờ.

Một nhóm các nhà sư Thái Lan đã được gửi đến Sri Lanka để tìm hiểu về thời kỳ phục hưng Phật giáo này. Sau khi trở về, các nhà sư được thọ giới ở Sri Lanka (được gọi là Laṅkavaṁsa) đã tiến hành nghi thức truyền giới và xây dựng dòng truyền thừa Phật giáo Theravāda tại Thái Lan.

Vào triều đại Sukhothai, một vị sư thuộc trường phái Laṅkavaṁsa đã đến Thái Lan và được triều đình vua Ramkamhaeng (1237-1298 Tây lịch) chào đón. Sự ủng hộ mạnh mẽ của vua Ramkamhaeng đối với trường phái Laṅkavaṁsa đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo Theravāda khắp Thái Lan. Vua Lithai của Sukhothai và vua Borom Trailokkanath của Ayudhya không chỉ bảo trợ mà còn phát nguyện xuất gia và trở thành thành viên của Tăng đoàn.

Phật giáo ở Thái Lan ngày nay

Hiện nay, trong truyền thống Theravāda của Thái Lan, Phật giáo được chia thành hai truyền thống: Mahānikāya và Dhammayuttika Nikāya. Là truyền thống Theravāda lâu đời nhất ở Thái Lan, Mahānikāya có số lượng Tăng chúng và Phật tử rất lớn. Trường phái Dhammayuttika Nikāya được vua Mongkut (1804-1868) của triều đại Chakri thành lập năm 1833. Mặc dù có hai nhánh, các nhà sư từ cả hai truyền thống, khoảng 300.000 người, đều tuân thủ 227 giới của Tỳ-kheo theo truyền thống Theravāda.

Ngoài ra, thiền Vipassana cũng được thực hành rộng rãi tại các tu viện Thái Lan, với nhiều bậc thầy nổi tiếng như Ajahn Mun, Ajahn Chah, và Ajahn Buddhadasa… Để bảo tồn và phát triển giáo lý Phật giáo, nhiều tổ chức giáo dục như Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya và Đại học Phật giáo Mahamukut đã được thành lập, chuyên nghiên cứu và dịch thuật các văn bản Phật giáo.

Ngày nay, khoảng 93% người Thái theo Phật giáo, với khoảng 50.000 tu viện trên khắp cả nước và 300.000 nhà sư. Các tín đồ vẫn giữ truyền thống cũng dường vật thực cho chư Tăng vào buổi sáng (pinḍapata), một nét đẹp trong di sản Phật giáo Thái Lan, phản ánh sự gắn bó sâu sắc của người dân với Tam bảo cũng như vai trò của Phật giáo trong nền văn hoá của vương quốc này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày