Huynh trưởng Diệu Nhã: "Mong Gia đình Phật tử có những đổi mới về phương thức sinh hoạt, giáo dục"

 Phật tử mong Giáo hội có những đổi mới về phương thức sinh hoạt, giáo dục để thích nghi hơn với thời đại
Phật tử mong Giáo hội có những đổi mới về phương thức sinh hoạt, giáo dục để thích nghi hơn với thời đại
GNO - Huynh trưởng Diệu Nhã - Trương Thị Nhàn, Huynh trưởng cấp Tín, Phó Phân ban ngành nữ Gia đình Phật tử TP.HCM: Mong Gia đình Phật tử có những đổi mới về phương thức sinh hoạt, giáo dục để thích nghi hơn nữa với tâm lý của thế hệ Gen Z.
Huynh trưởng Diệu Nhã - Trương Thị Nhàn, Huynh trưởng cấp Tín, Phó Phân ban ngành nữ Gia đình Phật tử TP.HCM

Huynh trưởng Diệu Nhã - Trương Thị Nhàn, Huynh trưởng cấp Tín, Phó Phân ban ngành nữ Gia đình Phật tử TP.HCM

Bản thân tôi có may mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống Phật giáo, từ lúc 3 tuổi đã được gia đình cho quy y và sinh hoạt Gia đình Phật tử. Tôi ý thức được rằng những giáo lý Phật-đà, những lời dạy của chư Tăng Ni, những tấm gương, những bài học từ tổ chức Gia đình Phật tử đã theo chân và ảnh hưởng trực tiếp vào cuộc sống, tính cách, hạnh phúc của gia đình. Tôi không còn những suy nghĩ lỗi thời như già mới đi chùa, già mới tu.

Tuổi trẻ ngày nay biết hướng Phật, biết ăn chay, tuy nhiên họ cũng chưa am hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo… bên cạnh số đông quy ngưỡng theo Phật cũng còn một số không nhỏ có cách sống thực dụng, bạo động trong suy nghĩ và hành động. Vậy làm thế nào để xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động Phật giáo dành riêng cho giới trẻ? Làm thế nào để những người trẻ trở thành Phật tử chân chính, đóng góp sức lực, trí lực của tuổi trẻ để phụng sự Đạo pháp và trở thành người có ích cho xã hội?

Thực tế trong nhiều năm qua, chư tôn đức tại các địa phương đã tổ chức các khóa tu dành cho thanh thiếu niên, các trại hè thanh thiếu niên… thu hút được sự quan tâm của các phụ huynh, đặc biệt là giới trẻ. Thế nhưng các hoạt động này chưa được tổ chức rộng rãi, chỉ diễn ra tại một số chùa, một thời điểm nhất định tại các tự viện chưa đáp ứng hết nhu cầu hướng Phật, chưa đủ để giới trẻ cảm nhận và ứng dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày.

Cũng với những ưu tư, trăn trở mong muốn đào luyện thanh thiếu đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính, Gia đình Phật tử ra đời, tồn tại và phát triển hơn 70 năm qua. Là một tổ chức có mục đích, châm ngôn, có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến địa phương, có nội quy, quy chế hoạt động, có chương trình tu học phù hợp với từng lứa tuổi. Huynh trưởng và đoàn sinh trong tổ chức được huấn luyện, chịu huấn luyện và huấn luyện lại cho thế hệ sau.

Có thể thấy Gia đình Phật tử là môi trường rất tốt trong việc hướng dẫn thanh thiếu niên hướng Phật, các thành viên trong tổ chức luôn có sự gắn kết với nhau, nơi đây không những được học Phật pháp, các kỹ năng chuyên môn, mà còn được gắn kết với nhau như anh chị em trong một gia đình. Anh chị em có thể chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau những khó khăn trong cuộc sống. Qua đó có thể thấy hoạt động của tổ chức Gia đình Phật tử đem lại lợi ích thiết thực tốt đạo đẹp đời.

Tuy nhiên có một thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Gia đình Phật tử hiện nay đó là các bạn trẻ thế hệ Gen Z (sinh khoảng từ năm 1997 đến 2012) từ khi trong bụng mẹ tới khi sinh ra đã được tiếp xúc với môi trường công nghệ, đây là một thế hệ trẻ đặc biệt, các bạn rất giỏi nhưng cũng rất dễ bị stress, do đó phương thức sinh hoạt và các nhu yếu của thế hệ này sẽ không giống như những giai đoạn trước, Gia đình Phật tử cần có nguồn dinh dưỡng mới phù hợp để các bạn đến với tổ chức sinh hoạt lâu dài.

Ngoài ra, để người trẻ biết đến đạo nhiều hơn, tôi nghĩ chư tôn đức từ các cấp cơ sở đến Trung ương có những chương trình sinh hoạt cụ thể dành cho thanh thiếu niên, mở các khóa tu dành cho thanh thiếu niên rộng rãi hơn, nội dung giáo dục phải có sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ. Phải đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của thanh thiếu niên, ứng dụng được Phật pháp trong công việc đời sống hàng ngày.

Những bài giảng pháp nên theo xu hướng hiện đại, khoa học, dễ nghe, dễ hiểu. Giới trẻ ngày nay khá bận rộn, từ việc học hành, công việc, cá nhân đến gia đình nên khi tổ chức các khóa rèn luyện, tu học, hướng Phật cho giới trẻ nên chọn vào các ngày nghỉ trong tuần. Đồng thời ứng dụng công nghệ trong việc giảng dạy truyền bá Phật giáo đến người trẻ bận rộn

Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ được diễn ra vào tháng 11-2022. Đây là một sự kiện quan trọng đối với chư Tăng Ni và Phật tử cả nước, là một tín đồ của Phật giáo tôi rất hân hoan chào đón sự kiện quan trọng này.

Tôi mong những chương trình đưa đạo Phật đến người trẻ sẽ được chư tôn đức quan tâm và chú trọng đến để tạo nên một thế hệ trẻ có cội có nguồn về văn hóa dân tộc, vững chãi bình an. Để từ đó đưa đạo vào đời, làm giảm đi các tệ nạn xã hội, đồng thời người trẻ cống hiến sức lực trí lực của mình góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...

Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

Thông tin hàng ngày