Khai tôn giáo trong căn cước công dân, phải có “giấy chứng nhận xuất gia”?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đây là một thắc mắc lớn mà người viết đã nhiều lần đặt ra trong khi trực tiếp thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xin cấp giấy tờ tùy thân.

Do mất thẻ căn cước, ngày 5-1-2021, tôi đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố Hà Nội (số 6 Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) để xin cấp lại thẻ căn cước công dân. Một cán bộ mang quân hàm đại úy phụ trách tiếp nhận hồ sơ tại đây yêu cầu tôi xuất trình giấy chứng nhận xuất gia, với lý do trong bản khai của tôi, ở mục “Tôn giáo” có ghi thông tin là “Phật giáo”. Khi tôi giải thích không phải người xuất gia, mà chỉ là cư sĩ, tức là Phật tử, thì vị cán bộ nói rằng phải có giấy chứng nhận xuất gia thì mới được công nhận tôn giáo là “Phật giáo”. Vị cán bộ đưa cho tôi tờ khai khác, yêu cầu tôi viết lại, ở phần “Tôn giáo” phải ghi chữ “Không”.

Tôi tiếp tục giải thích rằng tín đồ Phật giáo bao gồm các Tăng, Ni - tức là tu sĩ ở chùa, và những người Phật tử tu tại gia - tức là không ở chùa và cho biết thêm thông tin tôi có giấy chứng nhận quy y - tu tại gia do nhà chùa cấp. Vị cán bộ vẫn khẳng định: “Nhìn anh đầu không cạo tóc, không mặc áo tu sĩ thì biết không phải người xuất gia rồi! Giấy chứng nhận quy y như anh nói không có giá trị công nhận tôn giáo là Phật giáo. Phải có giấy chứng nhận xuất gia do Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp thì mới có giá trị!”, rồi nhất quyết yêu cầu tôi phải viết lại bản khai. Một lần nữa, tôi trình bày về vấn đề tôn giáo và khẳng định tôi có tôn giáo là Phật giáo.

Thấy tôi “dây dưa” tranh luận mà không chịu “sửa”, một vị mang hàm thiếu tá - dường như là lãnh đạo của Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng tham gia vào việc “giải thích” cho kẻ cứng đầu là tôi. Vị này tiếp tục khẳng định: “Chỉ người xuất gia mới được khai tôn giáo Phật giáo!”. Mặc dù vậy, tôi vẫn kiên quyết không viết lại bản khai. Tưởng như các cán bộ chức trách “xuống nước” khi đại úy phụ trách tiếp nhận hồ sơ bảo: “Để tôi làm thủ tục của anh cho nhanh”. Ngay sau đó, anh mở ngăn kéo lấy bút phủ (bút xóa) bôi trắng chữ “Phật giáo” trong bản khai của tôi, rồi viết đè lên chữ “Không”. Ngay sau đó, tôi được mời vào bàn lấy dấu vân tay và chụp ảnh, rồi họ đưa cho tôi bản in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, trong đó phần tôn giáo có chữ “Không”.

Giấy tờ làm thủ tục kê khai của công dân ghi rõ chữ "Phật giáo" ở mục Tôn giáo và bản in do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an TP.Hà Nội thực hiện, cán bộ đã thay đổi chữ "Phật giáo" thành chữ "Không", trái ý nguyện công dân Chu Minh Khôi - Ảnh: C.M.K

Giấy tờ làm thủ tục kê khai của công dân ghi rõ chữ "Phật giáo" ở mục Tôn giáo và bản in do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an TP.Hà Nội thực hiện, cán bộ đã thay đổi chữ "Phật giáo" thành chữ "Không", trái ý nguyện công dân Chu Minh Khôi - Ảnh: C.M.K

Đến đây, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một vấn đề, đó là vào tháng 12-2019, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. Theo công bố này: “Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo ‘Công giáo’ là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo ‘Phật giáo’ với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước. Các tôn giáo còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ”.

Như vậy, số lượng tín đồ Phật giáo được thống kê vào năm 1999 là 7,1 triệu người. Sau 10 năm, số lượng tín đồ Phật giáo thống kê được giảm xuống còn 6,8 triệu người (Tổng cục Thống kê năm 2010). Đến năm 2019 chỉ còn 4,6 triệu người, tức là tín đồ Phật giáo giảm 2,7 triệu người trong vòng 20 năm, trong lúc dân số cả nước tăng thêm khoảng 18 triệu người. Dường như sự sụt giảm của số liệu thống kê chính thức này đi ngược lại với những gì Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận được về sự phát triển các hoạt động của Phật giáo.

Trong khi đó, báo Giác Ngộ đã từng đề cập, một số phát biểu chính thức và không chính thức cho rằng, tín đồ Phật giáo Việt Nam ở vào khoảng 45 - 50 triệu người. Một số người lạc quan hơn thì cho rằng gần 80% dân số Việt Nam có tín ngưỡng Phật giáo… Theo báo Giác Ngộ, ngay trong website chính thức của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo là Ban Tôn giáo Chính phủ, con số ấy dường như cũng được định lượng theo cảm tính của mỗi người. Như, bà Minh Nga - Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ trong bài “Đôi nét về đạo Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam” ước tính “trên 10 triệu tín đồ (Phật giáo) được phân bố trên phạm vi toàn quốc”. Cũng trong bài viết cùng tác giả với nhan đề “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc” đã xác định có khoảng 10.000.000 tín đồ đã quy y, chưa kể đến hàng chục triệu người có tình cảm, tín ngưỡng Phật giáo. Sau khi báo Giác Ngộ dẫn lại thông tin về con số thống kê (6.802.318 tín đồ Phật giáo) được Cục Thống kê công bố trong nhiều tài liệu có thẩm quyền, kể cả ấn phẩm xuất bản chính thức, nhiều ý kiến phản ứng từ phía chư Tăng Ni và Phật tử, cho rằng vì tâm lý ngại khai yếu tố tôn giáo trong các giấy tờ tùy thân, thủ tục,… đã đưa đến tình trạng nêu trên.

Với cá nhân người viết bài, tôi có lý do riêng để hồ nghi độ chính xác về mặt số liệu của kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019. Vì rằng, theo như thông báo, các cán bộ điều tra dân số sẽ đến từng nhà dân để lấy thông tin. Tôi cũng đã chờ các cán bộ điều tra đến để “được” khai báo, thế nhưng suốt năm 2019, ở cơ quan tôi và cả tại tư gia, tôi không thấy có cán bộ điều tra nào đến kê khai về dân số, dân cư. Gia đình tôi ở chung cư, hỏi các hộ hàng xóm sống cùng tầng, họ cũng cho biết trong thời gian Nhà nước tiến hành Tổng điều tra dân số - năm 2019, không thấy cán bộ nào đến điều tra về dân cư.

Năm 2020, công an huyện Hoài Đức (TP.Hà Nội) đến chung cư tôi ở để yêu cầu mọi cư dân kê khai thông tin. Mọi người được thông báo, đây là cuộc tổng kê khai dân cư toàn thành phố Hà Nội nhằm phục vụ cho việc “số hóa” thông tin dân cư. Theo đó, tất cả cư dân sẽ được quản lý theo mã số định danh (ai chưa có mã số định danh thì sẽ được cấp), mọi thông tin của cư dân (gồm từ hộ khẩu, lý lịch, thẻ căn cước, các loại bằng cấp, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội… và thông tin về giấy tờ liên quan khác) sẽ được cập nhật trên hệ thống dữ liệu điện tử số của ngành công an.

Việc số hóa này không chỉ giúp Nhà nước quản lý dữ liệu cư dân chính xác, mà còn sẽ rất hữu ích cho người dân, đơn giản hóa và thuận tiện khi làm các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, nếu người dân muốn được cấp bất cứ giấy tờ tùy thân nào, mất bằng lái xe cần cấp lại hoặc cần làm một thủ tục nào đó chẳng hạn… thì tương lai sẽ không còn phải “ôm” một đống giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, thẻ căn cước… đến cơ quan chức năng. Việc thực hiện các thủ tục hành chính sẽ đơn giản hơn nhiều: chỉ cần trình thẻ căn cước. Tại bất cứ cơ quan nào của nhà nước, cán bộ chức trách cũng chỉ cần nhập mã số định danh của người dân đó, mọi thông tin của cư dân sẽ hiện ra trên máy. Khi cả nước hoàn tất dữ liệu điện tử cư dân, thì ngành thống kê cũng sẽ không còn phải cần đến hàng nghìn người đi làm việc kiểm đếm thống kê nữa, mà chỉ cần một cú click chuột, sẽ có ngay số liệu thông tin cần thống kê hiện ra và được cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ. Bởi, khi một con người sinh ra, sẽ có dữ liệu nhập ngay vào hệ thống; khi bất cứ một người nào qua đời, hay xuất cảnh sang nước khác, thông tin cũng sẽ nhanh chóng được cập nhật. Việc thống kê tín đồ tôn giáo cũng sẽ không ngoại lệ, chúng ta sẽ có con số tín đồ chính xác và cập nhật liên tục theo từng thời điểm.

Ảnh tác giả

Điều đáng băn khoăn là khi được khai báo về nhân thân với Công an huyện Hoài Đức trong cuộc tổng kê khai vào năm 2020, tôi cũng được yêu cầu phải đổi chữ “Phật giáo” thành chữ “Không” trong mục kê khai “Tôn giáo”. Cũng với lý do mà cán bộ công an đưa ra rằng, người có tôn giáo Phật giáo thì phải ở chùa, dân ở chung cư thì không nên ghi tôn giáo là Phật giáo. Tôi vẫn tiếp tục khẳng định mình có tôn giáo, bởi trong nhiều năm qua, trên các bản lý lịch đều tự mình ghi chữ “Phật giáo” trong mục này. Nhưng với những Phật tử khác thì sao? Chắc hẳn sẽ không ít người đã và sẽ nghe theo lời của cán bộ kê khai, để tự xóa chữ “Phật giáo”.

Nhà báo Chu Minh Khôi

Trước khi kết thúc bài viết này, xin gửi đến ngành công an câu hỏi: Có đúng là Nhà nước, Chính phủ quy định rằng chỉ những người có giấy chứng nhận xuất gia mới được ghi chữ “Phật giáo” ở trong mục “Tôn giáo” - như lời khẳng định mà tôi nhận được từ các cán bộ ở Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội của Công an thành phố Hà Nội hay không? Nếu điều này đúng, thì cả nước hiện nay có khoảng 44.500 Tăng Ni, vậy con số tín đồ “Phật giáo” với 4,6 triệu người theo Tổng cục Thống kê công bố thì gồm những đối tượng nào?

Chu Minh Khôi/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày