Phật giáo chỉ còn 4,6 triệu tín đồ: "Sốc toàn tập"!

Đâu là con số khả tín về số lượng tín đồ tôn giáo tại Việt Nam? - Ảnh: Dang Ngo
Đâu là con số khả tín về số lượng tín đồ tôn giáo tại Việt Nam? - Ảnh: Dang Ngo

GNO - “Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo “Công giáo” là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo “Phật giáo” với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước. Các tôn giáo còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ”, thông cáo báo chí về kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thông tin chính thức.

Phản ứng trước kết quả được công bố này, TT.Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM nhận định trong buổi nói chuyện với khóa tu dành cho tuổi trẻ ngày 22-12 tại chùa mà Thượng tọa trụ trì, sau khi báo Giác Ngộ đăng thông tin này, đó là thông tin “sốc toàn tập”.

Phản ánh với Báo Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Huệ Thông, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Phật giáo huyện Hóc Môn điện thoại bày tỏ ngay sau khi đọc tin này trên Giác Ngộ online. Đại đức chia sẻ những tình hình thực tế về tôn giáo qua điều mắt thấy tai nghe ở địa phương những gần đây, đầy tâm trạng.

Đại đức cũng cho biết một số Phật tử cũng liên lạc điện thoại với Đại đức và bày tỏ sự hụt hẫng, có người đã bật khóc. Một vài người đã chia sẻ với Đại đức rằng họ là Phật tử, nhưng khi con cái họ khai các giấy tờ liên quan lại ghi phần tôn giáo “không”.

Bạn đọc Nguyễn Thành Đông, trú tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM email đến tòa soạn với thông tin cho rằng “Số liệu không chính xác. Con là Phật tử thuần thành mà cán bộ phường đi kiểm kê số liệu biểu đừng ghi tôn giáo là Phật giáo!”.

Bạn đọc Nguyen Ngoc Lan Đa bình luận trên fanpage Báo Giác Ngộ nói: “Đa số ghi lý lịch hay khai hồ sơ và ngay cả CMND cũng ghi mục Tôn giáo: Không. Mặc dù có thể họ đã là Phật tử hoặc gia đình có nguồn gốc đạo Phật. Thống kê khó chính xác. Khách quan nhìn thấy ngày nay khá nhiều người đến chùa, nhất là các bạn trẻ”. Cùng quan điểm, bạn đọc Thu Hằng viết “Rất nhiều người theo Phật giáo khi kê khai lý lịch hay dân số đều ghi là ‘Không tôn giáo’”.

Bạn đọc Nga Le phản hồi: “Rất nhiều người không kê khai vô CMND hoặc hộ khẩu mình là đạo Phật, một số người theo Phật đi chùa nhưng không quy y; Năm vừa rồi, phường/ quận kê khai nhân khẩu yêu cầu ai đã quy y và có pháp danh rồi mới được công nhận là đạo Phật!”.

Một số ý kiến phản đối, hoài cho rằng kết quả của Cục Thống kê của Chính phủ công bố là không đúng thực tế, nhưng ngoài con số này, hiện các thông tin khác không phải từ kết quả thống kê mà chỉ là định lượng cảm tính, với ước số "khoảng", "chừng", "đa số", "phần nhiều", "40%", thậm chí lạc quan cho rằng "80%" dân số là Phật tử. Tuy nhiên, cơ sở cũng chỉ là cảm tính, kinh nghiệm cá thể.

Nhiều ý kiến phản hồi cho là vấn đề: phải chăng tín đồ Phật giáo không ý thức về tín ngưỡng của mình? Thiếu một sự tự trọng trong niềm tin tôn giáo, lơ là không quan tâm kê khai đúng với thực tế truyền thống gia đình? Hay tại Giáo hội các cấp chưa có cách quản lý, hướng dẫn để tín đồ có ý thức hơn trong việc thể hiện niềm tin tôn giáo? Tại sao là Phật tử nhưng ko tự nhận mình có tôn giáo là đạo Phật?

Và họ cũng mong Giáo hội có sự quan tâm để lấy lại niềm tin cho Phật tử, có sự điều tra và công bố số liệu theo cách của mình, vì hiện Giáo hội đã có hệ thống hành chánh từ Trung ương cho đến quận, huyện, thị xã phủ khắp 63/63 tỉnh thành, đặc biệt là hệ thống tự viện với nhân sự gần 60 ngàn Tăng Ni, hệ thống các ban ngành, viện được cho là kiện toàn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Con số được cơ quan chức năng của Chính phủ được khẳng định là đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê, tiến trình thực hiện “minh bạch”. Đây là công tác có quy mô quốc gia theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 10 năm thực hiện một lần, làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược phát triển đất nước toàn diện và bền vững.

Nếu căn cứ vào kết quả của Cục Thống kê - cơ quan tham mưu của Bộ Kế hoạch và đầu tư thuộc Chính phủ, thì Phật giáo đang giảm dần số lượng tín đồ, và đến tháng 12-2019 này, lần đầu tiên trong lịch sử tôn giáo tại nước ta, Phật giáo là tôn giáo đã bị đẩy lùi vị trí dẫn đầu, tôn giáo có nhiều người theo nhất, cho một tôn giáo khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày