Không phóng dật căn bản của thiện pháp

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phóng dật là sự buông lung, phóng tâm lao theo, dính mắc và chìm đắm vào trần cảnh. Đây chính là nguyên nhân khiến cho chúng sinh tạo ra vô số lỗi lầm, suy đồi đạo đức, sút giảm phước báo, chịu nhiều đau khổ.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sinh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

- Cũng như làm ruộng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới làm được ruộng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sinh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

- Cũng như hạt giống, các loại hạt giống, các loại thảo mộc, trăm giống lúa, cây thuốc được phát sinh, trưởng dưỡng, tất cả đều nhân nơi đất, y cứ trên đất, thiết lập trên đất mới được sinh trưởng. Cũng vậy, nếu có vô lượng thiện pháp mà có thể đạt được thì tất cả đều lấy sự không phóng dật làm căn bản, không phóng dật làm tập khởi, nhân không phóng dật mà phát sinh, không phóng dật làm đầu. Trong các thiện pháp, không phóng dật là tối đệ nhất.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Dụ, số 141 [trích])

Phóng dật là sự buông lung, phóng tâm lao theo, dính mắc và chìm đắm vào trần cảnh. Đây chính là nguyên nhân khiến cho chúng sinh tạo ra vô số lỗi lầm, suy đồi đạo đức, sút giảm phước báo, chịu nhiều đau khổ. Nghiệp của chúng sinh là phóng tâm lao theo và cố níu giữ những điều mình ưa thích. Dĩ nhiên ai cũng muốn đủ đầy (năm dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ) và thỏa mãn nhu cầu của các giác quan (năm trần: cảnh đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái) nhưng ít ai biết tiết chế, điều độ, cân bằng để được an yên.

Để cho thân khỏe, tâm an mỗi người rất cần sự tỉnh thức với tinh thần “muốn ít và biết đủ”. Buông lung trong ăn uống sẽ tạo ra bệnh tật. Chìm đắm trong hưởng thụ sẽ rơi vào lối sống vị kỷ, vun vén cho cá nhân. Để phục vụ cho lợi ích riêng mình, không ít người đã chọn con đường dối gian, bất chính và gánh chịu ngay các hậu quả nhãn tiền. Thế nên “muốn ít và biết đủ”, hưởng thụ có chừng mực, không buông lung phóng dật sẽ giúp chúng ta tránh được những sai lầm đáng tiếc.

Để thành tựu hạnh không phóng dật, chúng ta cần tu tập chánh niệm tỉnh giác và làm chủ các căn (giác quan). Cuộc sống muôn màu, xung quanh ta luôn có nhiều điều hấp dẫn, gọi mời. Trần cảnh tốt đẹp vốn không có lỗi, lỗi ở chỗ ta không làm chủ được tâm ý của mình vì thiếu chánh niệm tỉnh giác. Luôn an trú tâm vào đề mục hay an trú vào hiện tại, tỉnh giác để rõ biết các trạng huống tâm của mình, thấy có dính mắc và nguy hiểm liền xả buông.

Một người sống không sa đà thụ hưởng, hạn chế tạo ra các lỗi lầm, sống có đạo đức và giới hạnh đã là thực hành thiện pháp. Sống có trách nhiệm, thiết lập sự thăng bằng, thiểu dục và tri túc, thân tâm an lạc là phát huy thiện pháp. Biết sẻ chia, giàu lòng vị tha, chung tay vì hạnh phúc cho mọi người là thiện pháp được thăng hoa thêm. Tất cả những pháp lành này được kiến tạo trên nền tảng không phóng dật. Vì vậy Thế Tôn xác định, không phóng dật là căn bản của mọi sự thiện lành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày