Làn hương sen mùa hạ

Ảnh: Thanh Phong
Ảnh: Thanh Phong
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau những tháng năm xa vắng vì đại dịch, chúng tôi may mắn được trở về hầu cận Hòa thượng Tôn sư nhân mùa an cư lần thứ 65 của ngài.

Được sống trong bóng mát của tình thương và suối nguồn pháp lạc tỏa ra từ thân hành rất an tịnh của ngài đã khiến chúng tôi không ít lần tràn ngập xúc cảm. Từ bước chân nhẹ nhàng thanh thoát đến những lời dạy sâu lắng nhiệm mầu đã biến thành sức sống diệu thường nuôi lớn trái tim Bồ-đề của chúng tôi cũng như cho những ai có nhân duyên hội ngộ.

Thời khóa của bậc thượng nhân

Năm nay dù đã 85 tuổi, nhưng Hòa thượng Tôn sư vẫn nghiêm túc hành trì theo thời khóa của chính mình. Không chỉ trong mùa an cư mà suốt 65 năm qua, mỗi ngày ngài vẫn kiên trì, miên mật như thế. Thời khóa của ngài quả thật là một bài học cho hàng hậu thế hôm nay và mai sau. Hòa thượng thức giấc vào lúc 3 giờ sáng. Bắt đầu cho một ngày mới, ngài dâng hương thọ trì kinh trước bàn Phật trong hương thất. Sau khi dùng điểm tâm buổi sáng vào lúc 5 giờ, Hoà thượng tiếp tục thiền quán. Thỉnh thoảng ngài xem tin tức và kiểm tra lịch làm việc trong ngày.

Đến 6 giờ, ngài xuống thiền đường nơi đại chúng cũng vừa kết thúc thời kinh buổi sáng. Các đạo tràng và phái đoàn Phật tử lúc này cũng chờ đợi để được đảnh lễ vấn an Tôn sư. Trong mùa an cư, ngài thường không tiếp khách. Đôi khi ngài chỉ tiếp đại chúng bên ngoài giới trường trong thời gian vài phút. Sau đó Tôn sư đi thiền hành quanh các khu vườn thiền và tự thân ngài hái các loại hoa theo mùa để dâng cúng Phật.

Từ 7 giờ 30 giờ đến 9 giờ 30 là thời gian Hòa thượng làm việc hành chính, chỉ đạo và xử lý các công việc của Giáo hội. Đến 9 giờ 30 sáng, ngài và chư Tăng nội tự thực hiện nghi thức quá đường. Sau khi thọ trai, ngài trở về hương thất chỉ tịnh. Đến 13 giờ chiều Hòa thượng trở lại bàn giấy tiếp tục làm việc. Đến 4 giờ chiều, ngài dùng dược thực (ăn nhẹ buổi chiều), kinh hành, rồi trở về hương thất.

Ngài luôn dành khoảng thời gian ba tiếng cuối ngày an trú trong độc cư thiền định. Đến 8 giờ 30, ngài bắt đầu chỉ tịnh, kết thúc một ngày. Một ngày cũng như mọi ngày, ngài luôn nghiêm trì phương châm “giờ nào làm việc đó”. Không để cho tâm bám víu vào việc đã qua hay mải miết trôi theo việc chưa đến. Ngài dạy rằng, hành giả toàn tâm, toàn ý sống chánh niệm trong từng giây phút, từng việc làm đấy chính là con đường an trú tâm, hoàn thiện chính mình và thành tựu đời sống an lạc.

Hòa mình vào đời sống thực tại

Một sớm mùa hạ, chúng tôi theo bước Tôn sư thiền hành. Trong lúc ghé qua vườn rau quả bên hiên Phật đường, ngài đã đi thăm từng cây chuối, bụi sả, từng dây dưa, dây mướp. Ngài hướng dẫn các đệ tử đào hố, bón phân. Cách thức ngài ân cần chăm sóc hoa cỏ trong vườn thiền cũng hệt như cách ngài chỉ đạo từng chi tiết trong kế hoạch xây cất một ngôi đại tự.

Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ thiền hành cùng chư Tăng và Tăng Ni trẻ trong khóa huân tu của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Ngộ Dũng
Trưởng lão Hòa thượng Quyền Pháp chủ thiền hành cùng chư Tăng và Tăng Ni trẻ trong khóa huân tu của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM - Ảnh: Ngộ Dũng

Chúng tôi nhớ lại, mấy hôm trước trong khóa huân tu tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM ở xã Lê Minh Xuân. Trong lúc trời mưa thật lớn, mưa như cầm chĩnh đổ, Tôn sư bảo chúng tôi “Con đi với thầy ra chánh điện mới”. Chúng tôi cứ ngỡ rằng thầy dắt mình đi xem chánh điện. Đến nơi mới biết. Tôn sư từng bước chống gậy lên tận tầng lầu cao để kiểm tra nước mưa chảy như thế nào bên ngoài hiên Phật đường. Sự tận tụy của ngài với công việc dù lớn hay nhỏ quả thật vẫn luôn tròn đầy trong chánh niệm.

Hôm nay, sau khi rời vườn hoa quả, Hòa thượng đi qua hồ cá bên hiên Phật điện, ngài hỏi các đệ tử đã cho cá ăn chưa? Ngài đứng ngắm nhìn những con cá đang tung tăng bơi lội, cùng nhau chen chúc ùa vào bờ khi chúng thấy bóng dáng của Tôn sư xuất hiện. Quan sát mối giao cảm của những con cá vương vấn dưới cái bóng đại từ của Tôn sư, chúng tôi ngạc nhiên sao mình cũng đứng đó, cách Thầy không bao xa nhưng không có con nào bơi lại. Trong khi chúng hầu như chỉ hướng về phía Tôn sư như đang chờ đợi một điều gì đó, dù ngài chỉ im lặng đứng nhìn.

Tôn sư nói với chúng tôi rằng, mỗi ngày thầy ra thăm nó đều vui mừng như thế! Thầy đến với nó bằng cái tâm thức hòa đồng, chung sống cùng các loài hữu tình. Thầy vui và nó cũng vui. Gặp nhau trong tương giao hòa điệu, rồi mỗi bên lại trở về thế giới của mình với tâm bất sinh. Ở đây không có sự suy tính hay e ngại nào. Con nên nhớ rằng, hễ tịnh là thiện, động là ác. Khi con người giao tiếp với nhau trong đối đãi, toan tính. Như thế họ sẽ không còn giữ được sự an tịnh nữa, đó cũng chính là điểm làm cho phiền não dấy khởi.

Sống một mình như sống giữa đại chúng

Sau khi thiền hành hơn một tiếng, Tôn sư trở về bên sân cạnh trai đường nơi có một chiếc ghế tre đong đưa. Ngài đã ngồi đó nghỉ chân và dạy bảo chúng tôi những kinh nghiệm tu tập, hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, vạn loại hữu tình. Ngài vẫn ngồi trang nghiêm như lúc đang thuyết pháp. Thấy Tôn sư ngồi đã lâu, chúng tôi vội lấy chiếc ghế mây và thưa rằng, Thầy gác chân lên đây cho đỡ mỏi. Tôn sư bảo, không cần đâu! Thầy đã quen sống một mình như sống giữa đại chúng. Quả thật như thế! Đấy là phong thái tự nhiên của ngài. Lúc đi đứng, lúc nằm ngồi, ngài luôn gìn giữ oai nghi tế hạnh, ngay cả khi sống một mình.

Mỗi ngày trong mùa an cư, dù thọ trai cùng đại chúng hay một mình, ngài đều trang nghiêm cử bát cúng dường trước khi thọ thực. Mặc dù ở ngôi vị thiền gia Pháp chủ, ngài vẫn luôn tự tại trong thể cách bình dị, giản đơn. Sáng hôm ấy, sau khi đại chúng kết thúc thời kinh, các đạo tràng Phật tử từ miền Bắc vào đảnh lễ, vấn an, ngài chỉ ngồi trên chiếc ghế nhựa đơn sơ không có lưng dựa. Ngài ngồi đó lắng nghe lời tác bạch và chậm rãi ban huấn thị cho hàng đệ tử. Bốn chúng quỳ chiêm ngưỡng ngài và không ít người xúc động đến rơi nước mắt khi được diện kiến Tôn sư. Dưới ánh nắng nhẹ của buổi sáng tinh mơ, sự xuất hiện của ngài dù chỉ trong giây lát, nhưng với đạo phong thiền hòa bi mẫn, ngài đã mang đến bầu không khí thiêng liêng bao trùm cả ngôi đại tự rộng lớn một cách vô hình.

Hơi thở của tư duy thiền định

Được sưởi ấm trong lòng từ vô hạn của Tôn sư, trong những phút giây tĩnh lặng giữa cái mênh mông của vườn thiền mùa hạ, chúng tôi bất giác đã bộc bạch lên ngài: “Bạch Thầy, tịnh tu tam nghiệp là yếu tính của việc an cư, nhưng đối với riêng Thầy, điều quan tâm nhất lúc này là cái gì?”.

Tôn sư dạy rằng: “Việc trước tiên là Thầy đem những điều tâm đắc ở trong kinh để đưa vào thiền quán. Nhờ đó mà hành giả mới có thể liễu ngộ được yếu nghĩa thâm sâu của kinh. Trên con đường tu tập và thi thiết Phật sự, lúc nào Thầy cũng quán nhân duyên và tùy thuận nhân duyên. Phải tự kiểm tra xem giữa bao nhiêu công việc bận rộn, tâm của mình có bị buồn giận sợ lo hay không? Mình có bị dính mắc vào các mối quan hệ ràng buộc của công việc hay không? Quán chiếu như thế sẽ giúp cho hành giả thấy rõ cái tính chất lâm thời của công việc hàng ngày và lý tưởng xuất thế của mình.

Thứ đến, điều thầy quan tâm là dù trú trong thân sinh tử nhưng làm thế nào để vượt lên trên thế giới phiền não trần lao của sinh tử, từ đó phát tâm Bồ-đề trở lại hóa độ chúng sinh. Kinh Pháp hoa, Đức Phật dạy hàng Thanh văn không nên mải miết đắm chìm trong thế giới tịch diệt của hư vô không tận, mà phải phát nguyện độ tha, cùng với muôn loài chúng sinh hướng đến Vô thượng Bồ-đề. Đó chính là hình ảnh “vị A-la-hán đi vào làng”. Đó cũng là hình ảnh “như ong lấy mật hoa mà không làm hại hương sắc của hoa”. Tu tập và làm Phật sự với tinh thần như thế mới có thể đem đến hạnh phúc an lạc cho tự thân và tha nhân…

Lắng nghe với tâm bất động

Mặc dù trong mùa an cư, Tôn sư hạn chế tối đa mọi sự tiếp xúc. Tuy nhiên, chỉ còn vài tuần nữa là Đại hội Phật giáo của thành phố lần thứ X. Với vai trò là người lãnh đạo, vì vậy, hàng ngày ngài phải tiếp nhận và lắng nghe nhiều ý kiến, báo cáo cũng như giải quyết các Phật sự quan trọng của thành phố, bên cạnh các công việc của Học viện Phật giáo, tòa soạn báo, và công tác xây dựng các ngôi tổ đình, đại tự… Với những công việc chồng chất như thế nhất là khi ở tuổi đã gần chín mươi, hẳn nhiên với một người bình thường khó có thể sống an nhàn thảnh thơi được.

Chúng tôi mạo muội hỏi Tôn sư: “Bạch Thầy, khi gánh vác Phật sự đa đoan, nhất là khi đối diện trước nhiều ý kiến khác nhau, Thầy phải giải quyết vấn đề như thế nào?”. Tôn sư chậm rãi trả lời: “Các vị đến đây thỉnh vấn, trình bày công việc hay báo cáo công tác Phật sự, dĩ nhiên có những ý kiến khác nhau. Trước nhiều quan điểm “phải thế này” hay “phải thế kia”… Thầy vẫn lắng nghe với tâm bất động - giải thoát. Nhờ nỗ lực thiền quán mà thấy được các nhân duyên trước sau của mỗi vấn đề. Nếu chỉ bám chặt lấy cái nhìn của mình mà không quán nhân duyên thực tế sẽ không thấy được sự thật bất định vốn luôn trôi chảy giữa dòng đời.

Tuy vậy, chân lý chỉ có một mà thôi! Được hay mất, thành hay bại đều là pháp duyên sinh, vô thường. Thầy luôn nghĩ đến việc tạo cơ duyên để mọi người có thể phát huy thiện căn, công đức. Nhưng cơ hội và thách thức lúc nào cũng đi đôi với nhau. Giải quyết công việc trên nền tảng của thiền định có thể tránh được những điều đáng tiếc và có thể làm cho tâm mình an nhiên bất động…”.

… Dù có bận rộn như thế nào đi nữa, một ngày hạ an cư của Hòa thượng Tôn sư vẫn là như thế. Một ngày và mọi ngày vẫn luôn là như thế. Từ việc nhỏ đến việc lớn đều được ngài thực hiện trong một thể cách trọn vẹn với đầy đủ nhất tâm, chánh niệm, tỉnh giác. Đi đứng nằm ngồi viên mãn các oai nghi. Và vượt lên trên tất cả, ngài luôn giữ tâm thanh tịnh cùng với lý tưởng xuất trần như làn hương sen vô nhiễm. Xin được kết thúc một thoáng hồi tưởng này bằng lời thơ của thi sĩ Trụ Vũ đã dâng tặng Hòa thượng Tôn sư cách đây hơn nửa thế kỷ.

Vào tâm Hoan hỷ địa

Thể hiện nụ cười thơ

Trí Quảng thiền sư độ

Ba ngàn giọt lệ khô.

Pháp tử Thích Lệ Đức

Tu viện Cát Trắng - Tu viện Thượng Hạnh (Hoa Kỳ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày