Một công trình nghiên cứu văn bản học Phật giáo đặc biệt của Giáo sư Jan Nattier

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1259 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1259 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Phật giáo từ Ấn Độ du nhập và bám rễ vào Trung Quốc vào khoảng thế kỷ thứ I. Từ giữa thế kỷ thứ II cho đến nửa sau thế kỷ thứ III, nhiều kinh văn bắt đầu được dịch sang Hán văn nhằm đáp ứng cho nhu cầu truyền bá giáo pháp.

Những bản dịch kinh văn chữ Hán sơ kỳ “mở ra một cánh cửa vào di sản Phật giáo của cả Ấn Độ và Trung Quốc tại một thời đại then chốt trong lịch sử của nó”. Kho tàng này cũng tạo ra nguồn tài liệu phong phú cho các học giả Phật học lẫn các ngành Ấn Độ học và Hán học.

Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大蔵経), còn gọi tắt là Đại Chánh tạng, hiện tại, được xem là tổng tập kinh điển Phật giáo tương đối hoàn chỉnh, là nguồn văn liệu được sử dụng rộng rãi trong hoạt động nghiên cứu Phật giáo, kể cả tại phân khoa Phật học thuộc các trường đại học ở Âu Mỹ. Tuy nhiên, một tập đại thành đồ sộ như Đại Chánh tạng cũng tồn tại nhiều sai sót. Sự sai sót đó phần nào dẫn đến một số trở ngại mà người làm nghiên cứu gặp phải khi tiếp cận kinh văn dưới góc độ nghiên cứu văn bản học.

Xuất phát từ mục tiêu ban đầu là tạo ra một dạng tài liệu hỗ trợ cho việc học tập của nghiên cứu sinh sau đại học tại Viện đại học Indiana, với những cơ duyên khác nhau, trong số đó có sự hỗ trợ từ Viện Nghiên cứu quốc tế Phật học cao cấp thuộc Viện Đại học Soka, cuốn sách Những bản dịch Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc - Hướng dẫn nghiên cứu kinh văn thời Đông Hán và Tam Quốc của Giáo sư Jan Nattier đã được xuất bản.

Dựa trên việc khảo sát, đối sánh về mặt văn bản, phong cách phiên dịch, cách sử dụng ngôn ngữ của các dịch giả Phật giáo dưới thời Đông Hán và Tam Quốc, cuốn sách đưa đến hướng xác định cụ thể về việc một bản dịch được tạo ra bởi dịch giả nào cũng như nêu ra những xáo trộn trong việc sắp đặt kéo dài qua nhiều thế kỷ. Từ đó, dẫn đến những gán ghép dịch giả một cách mơ hồ cho nhiều bản dịch kinh điển Hán văn sơ kỳ. Tất nhiên, việc xáo trộn này không xuất hiện từ Đại Chánh tạng mà đó là hệ quả của một quá trình lịch sử.

Bìa quyển sách Những bản dịch Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc - Hướng dẫn nghiên cứu kinh văn thời Đông Hán và Tam Quốc của Giáo sư Jan Nattier, Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu Học viện Phật giáo VN tại Huế ấn hành.

Bìa quyển sách Những bản dịch Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc - Hướng dẫn nghiên cứu kinh văn thời Đông Hán và Tam Quốc của Giáo sư Jan Nattier, Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu Học viện Phật giáo VN tại Huế ấn hành.

Từ thế kỷ thứ III đã có những “nỗ lực kết nối các kinh sách đúng tiêu chuẩn với tên họ tương đương của các dịch giả riêng biệt” của Đạo An với Tổng lý chúng kinh mục lục. Kể từ sau đó, theo thời gian, một số công trình khác nối tiếp ra đời với mục tiêu tổng hợp, sắp xếp kinh lục, tiểu sử cao tăng như: Xuất tam tạng ký tập của ngài Tăng Hựu, Cao tăng truyện của ngài Huệ Kiểu, Chúng kinh mục lục của ngài Pháp Kinh với sự cẩn trọng trong việc sắp xếp mục lục các bản dịch kinh văn, tên tuổi dịch giả, xác định những bản dịch thất danh, dẫn giải nguồn tài liệu tham khảo để lập thành tác phẩm.

Tuy nhiên, kể từ sau Lịch đại Tam bảo kỷ của Phí Trường Phòng (ra đời vào năm 597), một loạt xáo trộn trong việc quy kết dịch giả cho các bản dịch kinh văn đã xảy ra. Sự xáo trộn này được Đại Đường nội điển lục (biên soạn năm 664) của ngài Đạo Tuyên chấp nhận phần nhiều đã “dẫn tới những thay đổi đáng kể trong bức tranh lịch sử phiên dịch Hán tạng sơ kỳ”. Một loạt các nhà biên mục Phật giáo về sau dần tiếp nhận những sai sót và xáo trộn từ Đại Đường nội điển lục, khiến các quy kết này nghiễm nhiên tồn tại trong hàng loạt các thư mục về sau này, và được các ấn bản Đại tạng sao y, trong đó có Đại Chánh tạng.

Dựa trên việc khảo sát, đối chiếu cực kỳ công phu và nghiêm túc các bản dịch trong Đại Chánh tạng, trong cuốn sách Những bản dịch Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc, Jan Nattier tiến hành so sánh phong cách phiên dịch, cách sử dụng phiên âm đặc trưng một số thuật ngữ từ cổ ngữ Ấn Độ sang Hán văn được các dịch giả sử dụng, quy chiếu về mặt niên đại, từ đó, chỉ ra những bất cập trong nhiều bản dịch gắn với tên tuổi các dịch giả. Với cuốn sách của mình, Jan Nattier cũng đồng thời phác họa lại tình hình dịch thuật kinh điển Phật giáo thời sơ kỳ với những vấn đề liên quan đầy thú vị.

Với những giá trị đặc biệt nói trên, có thể thấy, Những bản dịch Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc củaJan Nattier là tài liệu tham khảo cần thiết và uy tín đối với những ai có sự quan tâm, nghiên cứu văn bản học Phật giáo cũng như lịch sử phiên dịch kinh điển Phật giáo Đại thừa. Việc chuyển ngữ cuốn sách cũng góp thêm giá trị vào hệ thống tài liệu cho mảng học tập, nghiên cứu Phật học ở Việt Nam hiện nay.

“Rõ ràng các bản dịch Phật giáo Trung Hoa sơ kỳ đã tạo thành một nguồn tài nguyên phong phú cho các học giả trong một số lĩnh vực, không chỉ với các ngành nghiên cứu Phật giáo mà cả Ấn Độ học (đặc biệt là nghiên cứu về các ngôn ngữ Prakrit) và Hán học (gồm nghiên cứu về âm vị học, văn phạm, và phương ngữ). Nhưng để sử dụng thích đáng nguồn văn liệu quý giá này thì ta cần phải có khả năng xác định các nguồn văn liệu đó, tối thiểu theo cách thức tổng quát, trong không gian và thời gian.

Và thế là ta đối diện với vấn đề đóng vai trò như chất xúc tác ban đầu cho nghiên cứu này: đó là một tỷ lệ đáng kể kinh điển được gán cho các dịch giả ở thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (và trong các phiên bản phổ biến khác của Đại tạng) là không chính xác. Ta có thể nêu rõ vấn đề ở những giới hạn hoàn toàn có thể: trong trường hợp bất cứ văn bản nào nêu ra được cho là xuất bản dưới thời nhà Hán hoặc Tam Quốc, thì xác xuất sai hơn 50%.

Làm sao những sai lầm như thế lại được đưa vào Đại tạng thì ta sẽ bàn sau, nhưng điều cần thiết để nhận ra được như thế ngay bây giờ là ta không thể đơn giản chấp nhận những quy kết truyền thống về dịch giả theo giá trị bề ngoài. Mà ngược lại, nhiệm vụ trước tiên khi thao tác bất cứ một văn bản nào được quy cho giai đoạn này là đánh giá về độ tin cậy mà sự quy kết dành cho nó.

Vì vậy, mục tiêu chính của nghiên cứu này sẽ là khảo sát các vấn đề về phương pháp liên quan đến việc đánh giá những sự quy kết dịch giả theo truyền thống và, bằng cách áp dụng những phương pháp đó, xác định một số lượng các văn bản tương đối ít ỏi nhưng có thể quy cho giai đoạn này một cách chắc chắn. Mục tiêu thứ hai, và liên quan mật thiết [với mục tiêu trước], đó là cung cấp sẵn sàng những phát hiện được nêu ra trong các nghiên cứu mới đây của các chuyên gia làm việc với văn bản Phật giáo được phiên dịch trong thế kỷ thứ II và thứ III dl. Dùng những nghiên cứu đó làm khởi điểm, tác phẩm này có chủ ý sẽ như một quyển hướng dẫn tóm tắt về những văn bản đó, mà trong tình trạng hiểu biết hiện tại của chúng tôi, có thể chấp nhận chúng như là những sản phẩm được tạo ra trong giai đoạn hình thành này.”

Trích Những bản dịch Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc - Hướng dẫn nghiên cứu kinh văn thời Đông Hán và Tam Quốc, Jan Nattier, Trần Văn Duy dịch, Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu Học viện Phật giáo VN tại Huế ấn hành.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày