Mùa xuân, tản mản về hạnh phúc

Ảnh: Bảo Toàn
Ảnh: Bảo Toàn
0:00 / 0:00
0:00
NSGN - Mỗi độ xuân về, chúng ta thường nghe mọi người chúc nhau là xuân như ý, thành công, tiền bạc dồi dào, nhưng cái cuối cùng họ muốn chúc nhau là hạnh phúc, vì phải chăng những thành đạt vật chất cuối cùng cũng quy về hạnh phúc?

Có ai chúc nhau “thịnh vượng” mà lại chẳng “an khang” đâu, nhất là sau một năm đầy biến cố như 2020 mà chúng ta vừa đi qua, bất an và đầy phiền muộn. Một năm mà cả thế giới loay hoay, trăn trở, chiến đấu vất vả với đại dịch Covid-19. Khi viết bài này thì số người chết đã hơn 1,7 triệu và số ca nhiễm hơn 80 triệu. Nguy hiểm hơn là vào những ngày cuối năm khi nhân loại chưa kịp vui mừng với sự có mặt của vài loại vaccine do cả Nga và Mỹ sản xuất mang theo hy vọng cứu rỗi nhân loại, thì lại nghe những thông tin về biến thể mới của virus xuất hiện ở Anh quốc và châu Phi (?). Nhiều nước dịch cũng bùng phát mạnh trở lại. Nền kinh tế thế giới đã lao dốc, chìm trong suy thoái. Từ điển Colline đã gọi “lockdown” (phong tỏa) là từ khóa của năm 2020. Đó là nguyên nhân của hàng trăm triệu người thất nghiệp. Người ta tính có đến hơn 135 triệu người cần cứu đói trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, theo thống kê, hơn 30 triệu người mất hay không có việc làm. Chưa kể, chúng ta đang sống những ngày cuối mùa đông với những bất trắc của thời tiết, có cả thiên tai và nhân tai, với bao con người ở miền Trung vừa trải qua những cơn lũ quét, đã có người chết, đã tổn hại biết bao hoa màu và cây trái. Nhưng chúng ta cũng còn may mắn vì dù sao cũng đã khống chế về cơ bản được sự bùng phát của đại dịch trong cộng đồng bằng nỗ lực chung và riêng của từng cá nhân và cả xã hội, thêm biện pháp mạnh từ phía chính quyền. Đặc biệt, trong cơn khốn khó ấy, chúng ta thấy lóe lên những điểm sáng, từ những cây ATM gạo ở TP.Hồ Chí Minh và một vài tỉnh lân cận, đến ATM khẩu trang… Rồi từng đoàn người kéo nhau ra miền Trung cứu trợ bão lũ. Hình ảnh những Tăng Ni hay cô ca sĩ, cậu sinh viên vượt dòng nước xoáy đem quà cứu trợ đến tận tay những người dân vùng rốn lũ, làm nhiều người cảm động. Dù cực khổ nhưng họ rất vui, nụ cười nở trên môi với ánh mắt chất chứa nhiều thương cảm. Tất cả nói lên rằng hạnh phúc đến không chỉ từ nhưng thu hoạch về tiền tài vật chất cá nhân mà còn ở sự biết cho đi, sự cống hiến cho cộng đồng.

Hạnh phúc đến từ đâu?

Trong một bài viết gần đây trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, tác giả Lê Hữu Huy nhận định: “Hạnh phúc mà chúng ta cảm nhận được sau một sự kiện hoặc hoạt động cụ thể sẽ giảm đi sau mỗi lần trải nghiệm, một hiện tượng mà thuật ngữ tâm lý gọi là ‘sự thích nghi mang tính khoái lạc’ (hedonic adaptation). Thế nhưng cảm nhận hạnh phúc sẽ không giảm hoặc giảm chậm hơn nếu chúng ta cho người khác một cái gì đó. Đây là kết luận từ công trình nghiên cứu của Ed O’Brien, phó giáo sư về khoa học hành vi tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago và Samantha Kassirer, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Trường Quản lý Kellog thuộc Đại học Northwestern (Mỹ).

Trong một đợt khảo sát, hai tác giả phát cho những người tham gia là sinh viên mỗi ngày 5 đô-la trong năm ngày và yêu cầu họ tiêu tiền cho bản thân hay cho người khác, chẳng hạn hàng ngày để tiền trong lọ tiền tip tại cùng một quán cà phê hoặc đóng góp trực tiếp cho cùng một tổ chức từ thiện. Những người tham gia sẽ phản ánh trải nghiệm chi tiêu và mức độ hạnh phúc nói chung của mình vào cuối ngày.

Dữ liệu từ tổng số 96 sinh viên cho thấy mô thức những người tiêu tiền cho bản thân cho biết mức độ hạnh phúc giảm đều trong năm ngày nhưng hạnh phúc không hề giảm hay giảm chậm hơn với những ai đã trao tiền cho người khác. Niềm vui từ việc cho đi trong lần thứ năm liên tiếp cũng mạnh mẽ như lúc bắt đầu”. (Lê Hữu Huy, Hạnh phúc từ sự cho đi và những mô thức của lòng nhân, TBKTSG số 51 ngày 17-12-2020).

Tác giả kể rằng sau đó hai nhà nghiên cứu tiến hành đợt khảo sát thứ hai theo hình thức trực tuyến với 502 người cũng với phương thức cho tiền và để họ sử dụng theo ý mình lựa chọn. Một lần nữa mức độ hạnh phúc của những người đã cho đi số tiền của mình không giảm hay giảm chậm hơn nhiều so với những người giữ lại tiền. Hai tác giả kết luận rằng cho đi trở thành một sự kiện duy nhất để tạo ra hạnh phúc. “Ngoài ra việc cho đi cũng giúp ta duy trì uy tín xã hội, củng cố cảm giác liên kết và sở hữu”.

Từ đó, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa của những hoạt động từ thiện. Từ thiện là sự tự nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn. Trong tiếng Anh, từ “charity” có nguồn gốc từ tiếng La-tinh “carus”, có nghĩa là người khác; sau đó là “caritas”, một từ thường được dùng trong Tân ước với ý nghĩa “tình yêu của Chúa Kitô với đồng loại”. Theo thời gian, nó mang ý nghĩa “sự hào phóng và hay giúp đỡ” (theo Merriam Webster), hoặc là tổ chức từ thiện. Từ "caritas" còn thường được dịch là “lòng bác ái”.

Trở lại với Phật giáo, bố thí (dana) là bất kỳ hành động nào từ bỏ quyền sở hữu với những gì được coi là của mình. Nhà Phật chia làm ba hình thức: tài thí, pháp thí và cao nhất là vô úy thí.

Có ba trạng thái tâm khi bố thí. Một là bố thí để nhận lại một cái gì khác. Hai là bố thí để được khen ngợi, công nhận đức hạnh. Đây là trạng thái tâm ban đầu khi bố thí của đại đa số chúng ta. Vì thông thường, sự cho đi luôn cần sự nhận lại theo mọi cách. Nhận từ vật chất hay tinh thần, từ những suy nghĩ vi tế từ trong tâm. Sự bố thí nào cũng đáng ca ngợi vì bản chất đẹp là sự bố thí và cho đi cái của mình đang có. Ba là bố thí ba-la-mật. Bố thí ba-la-mật là sự bố thí cùng tột mà người thực hành phải thật sự đạt được “tánh không” mới có thể thực hành được một cách đúng nghĩa và trọn vẹn công đức lành của việc thực tập bố thí ba-la-mật.

Từ thiện, bố thí là pháp tu nhằm nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi, nền tảng căn bản của Bồ-tát đạo. Hành giả tu học Phật hướng đến giác ngộ, giải thoát, thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề phải trải qua quá trình hành Bồ-tát đạo trong đó có việc cứu độ chúng sinh. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy: “Có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ ‘ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau’, chỉ bố thí với ý nghĩ ‘lành thay sự bố thí’”.

Kinh Hoa nghiêm nói: “Bồ-tát là nhà đại thí chủ, có bao nhiêu của cải bình đẳng thí cho chúng sinh mà không hối tiếc, chẳng mong quả báo, chẳng cầu danh vọng, chẳng cầu sinh về chỗ tốt hơn, chẳng cầu lợi dưỡng. Bồ-tát chỉ muốn cứu độ tất cả chúng sinh, muốn mang lại lợi ích cho chúng sinh, muốn học theo bổn hạnh của các Đức Phật, muốn thọ trì bổn hạnh của các Đức Phật và muốn khiến tất cả chúng sinh lìa tất cả khổ, được vui rốt ráo”.

Từ đó cho thấy, pháp bố thí mang lại cả phước báo hữu lậu và vô lậu. Nếu bố thí với tâm chấp thủ thì được phước báo hữu lậu. Nếu bố thí với tâm vô cầu, vô trụ chấp thì được phước báo vô lậu.

Những câu chuyện về tiền thân Đức Phật được ghi lại trong kinh Bổn sinh (Jātaka) cho biết, trong vô lượng kiếp khi còn hành Bồ-tát đạo, Đức Phật đã dấn thân phụng sự đạo pháp và chúng sinh, từng bố thí tài sản, sự nghiệp, vợ con, thậm chí cả thân mạng để làm lợi ích cho chúng sinh. Đức Phật dạy trong kinh Niết-bàn như sau: “Đại từ đại bi gọi là Phật tánh. Từ tức Như Lai, Như Lai tức từ. Tâm từ bi là tâm Phật, vậy muốn trở thành Phật không thể không có tâm từ bi.” (Chương V, phẩm Sumanā).

Xuân Di Lặc - Xuân hạnh phúc trong Tứ vô lượng tâm

Đức Phật Thích Ca dạy rằng tiếp theo thời Tượng pháp là thời Mạt pháp, thời giáo pháp suy đồi và mai một. Khi đó một Đức Phật khác sẽ ra đời để khai mở cho nhân loại một kỷ nguyên Chánh pháp mới: đó là Đức Phật Di Lặc. Thiền sư Nhất Hạnh gọi Ngài là “một nhà văn hóa có đầy đủ chánh biến trí, có đủ đại hùng, đại bi, đại nguyện, như thế, con người cấp thiết của thế kỷ chúng ta.” (Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối, 1964). Di Lặc, tiếng Phạn là Maitreya, dịch là Từ Thị (người có lòng từ). Theo Đại Nhật kinh sớ, quyển 1, chữ Từ là lòng từ, là chi đầu tiên trong Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả). Lòng từ này có trong chủng tánh của Như Lai, bao gồm cả: Chúng sanh duyên từ, Pháp giới duyên từ và Vô duyên từ. Từ trong nghĩa Từ Thị là Vô duyên từ. Tức lòng từ không đợi có một ngoại duyên nào tác động làm cho lòng từ phát khởi. Mà tâm từ đó đã có sẵn một cách tự nhiên, rộng rãi, bao dung, bình đẳng, vô phân biệt.

Từ là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người khác. Yêu thương không phải là hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Bi là khả năng giúp người ta bớt khổ và không làm cho người khác khổ vì cái khổ của mình. Hỷ là vui với cái vui của người khác. Thói thường người đời vì ích kỷ và tư lợi, vì ganh tị, vì tham, sân, si mà trong lòng không có được đức hỷ, không thể chia niềm hỷ lạc với kẻ khác khi thấy họ vui do một thành công nào của họ. Xả là không phân biệt, kỳ thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người khác là của mình, khổ đau của họ là của mình. Xả là trạng thái của tâm, khiến cho giữa ta và toàn thể chúng sinh và vạn vật không còn sự riêng biệt chia cách vạn vật, chúng sinh cùng với ta là đồng nhất thể. Ngoại cảnh, vũ trụ cùng vô lượng chúng sinh đã trở thành ta và ta đã trở thành chúng sinh và vũ trụ.

Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn

Hết tâm hồn và hết cả da xương

Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại

Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.

(Bùi Giáng)

Ta đã đồng thể hóa với toàn thể chúng sinh và vạn vật bằng cách xóa bỏ sự đối chiếu, sai biệt giữa ta và ngoại cảnh, xóa bỏ bởi vì đã diệt ngã. Diệt ngã là không còn lựa chọn, đối chiếu, thọ nạp, luyến ái, bám giữ, tàng trữ; không còn lấy cái ta làm tiêu chuẩn, làm chỗ chứa đựng. Người có được tâm xả đã trở thành như một tấm gương trong. Tình yêu dành cho tha nhân phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỷ, xả. Tình yêu chân thật phải làm cho người khác vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Từng cá nhân, gia đình và cả cộng đồng cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công. Từ tình yêu "nhỏ" như Xuân Diệu viết:

Xuân của đất trời nay mới đến

Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi

Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.

(Xuân Diệu, Nguyên đán)

Tình yêu đã đánh thức tâm hồn nhà thơ để vui với từng cánh hoa nở. Ta chợt nhớ tới một nhà thơ khác cũng cảm ơn hoa khi anh trở về sau những ngày “học tập”, cảm thấy đất trời như muốn cảm thông với mình:

Ta về cúi mái đầu sương điểm

Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

Cảm ơn hoa đã vì ta nở

Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

(Tô Thùy Yên, Ta về)

Vì anh cũng thấy vui khi sẽ dự

…Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

Chén rượu hồng đây xin rưới xuống

Giải oan cho cuộc bể dâu này.

(ibid)

Anh đã “xả” nỗi oán thù trong lòng và hòa nhập cộng đồng trong tâm thức “đồng nhất thể”

Kinh điển ghi Di Lặc là vị Phật của hạnh hỷ xả. Hỷ xả là chất gắn kết mọi người trong tình thương yêu, mang lại an lạc, hạnh phúc cho cộng đồng. Bản chất tâm thức của mọi loài chúng sinh là chấp thủ. Do vậy, khổ đau là điều không tránh khỏi.

Chỉ khi nào trong chúng ta luôn có sự hiện hữu của tâm hỷ xả, biết buông bỏ những cố chấp hẹp hòi, vị kỷ, xóa bớt những hận thù oan trái thì lúc ấy chúng ta mới cảm nhận được niềm an lạc thật sự. Chừng đó mới có thể xây dựng được một cộng đồng trong tinh thần hỷ xả và từ bi.

Hãy hướng về mùa xuân Di Lặc với cảm nhận về hạnh phúc trong Tứ vô lượng tâm.

Nguyên Cẩn/Nguyệt san Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày