Nalanda: Truyền thống và hiện đại

Toàn cảnh Nalanda
Toàn cảnh Nalanda
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nguồn gốc của Nalanda phần lớn không được nhiều người biết đến, mặc dù vị trí và tên gọi của địa danh này đã từng xuất hiện trong một vài bài thuyết giảng của Đức Phật lịch sử.

Trong một tập sách có nội dung về việc đánh giá vẻ đẹp kiến trúc của các di tích mang tên Pleasure of Ruins (Rose Macaulay), tác giả đã chia sẻ rằng “Những ngôi đền cổ kính của Ấn Độ cần có một tập sách dành riêng cho chúng, bởi chúng nổi lên dày đặc ở quốc gia này như các ngôi sao trong dải Ngân hà. Trên khắp tiểu lục địa có truyền thống thờ phượng đa thần này, những ngôi chùa và các tu viện đổ nát vẫn còn tồn tại”.

Trong số đó, ngôi sao sáng nhất có lẽ là tàn tích của Nalanda Mahavihara. Người ta có thể không nghĩ đến chùa Đen ở Konarak, hay vẻ đẹp kiên cố của ngôi đền được tạc bằng một tảng đá duy nhất Kailashanata ở Ellora, nhưng chắc hẳn họ không thể không ấn tượng bởi những nền móng chắc chắn bằng gạch nung, được sắp một cách ngay ngắn và thẳng tắp của Nalanda trên vùng đồng bằng Bihar, phần còn sót lại của một trung tâm giáo dục vĩ đại và lâu đời nhất thế giới lúc bấy giờ và là một ngôi trường từng có đến mười nghìn sinh viên và hai nghìn giáo sư giảng dạy.

Nguồn gốc của Nalanda phần lớn không được nhiều người biết đến, mặc dù vị trí và tên gọi của địa danh này đã từng xuất hiện trong một vài bài thuyết giảng của Đức Phật lịch sử. Cách Nalanda khoảng 12km là thị trấn Rajgir, từng được gọi với tên Rājagaha, thủ phủ của nước Magadha cổ đại, đồng thời là khu vực lưu trú của Đức Phật trong nhiều năm. Núi Linh Thứu tại Rajgir là nơi Đức Phật đã thuyết một số bài kinh quan trọng, trong đó có cả Pháp hoaTâm kinh, những bản kinh văn quan trọng của Phật giáo Đại thừa.

Cũng chính tại Nalanda, một trong những đệ tử lớn của Đức Phật - Śāriputra đã viên tịch và được tôn thờ bởi người dân và những thế hệ sau này. Trong khu phức hợp của Trường Đại học Nalanda, một công trình kiến trúc được gọi là “Đài tưởng niệm vĩ đại” (Great Monument) dành để tưởng nhớ ngài Śāriputra. Đây là một bảo tháp bằng gạch với những họa tiết trang trí bằng vữa, các bậc thang dẫn lên một ngôi đền thờ trung tâm với bốn bảo tháp ở bốn góc đền.

Trên trang web giới thiệu về ngôi đền, người ta có thể tìm thấy hình ảnh của một số tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp được trang trí trong các hốc của những tòa tháp. Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra những di vật được thờ trong bảo tháp với những dòng chữ cho biết chủ nhân của chúng chính là ngài Śāriputra, vị Tướng quân Chánh pháp với tôn hiệu Trí tuệ đệ nhất trong hàng chúng Tăng thuở đó.

Mặc dù Nalanda Mahavihara có thể đã tồn tại trước đó, nhưng có thể khẳng định rằng nó đã xuất hiện từ màn sương mù lịch sử vào cuối thế kỷ thứ V. Nhiều con dấu khác nhau của các vị vua của triều đại Gupta đã được phát hiện tại địa điểm này, trong đó con dấu sớm nhất được cho là của vua Buddhagupta (trị vì khoảng 476–495 CN).

Những con dấu như vậy có thể đã từng được gắn vào các huy chương ghi lại các khoản tài trợ dành cho tu viện Nalanda, cũng như cho chúng ta thấy được thời điểm mà tu viện nhận được sự bảo trợ của hoàng gia. Đế chế Gupta tồn tại từ thế kỷ IV-VI CN, và khi bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ, sự cai trị bao trùm cả tiểu lục địa Ấn Độ. Vì vậy, đôi khi đây còn được xem là thời đại hoàng kim của Ấn Độ; nghệ thuật, kiến trúc, văn học và khoa học đều phát triển rực rỡ dưới triều đại của các vị vua Gupta.

Bảo tháp ngài Śāriputra

Bảo tháp ngài Śāriputra

Cuộc sống thường nhật tại Nalanda Mahavihara

Phần lớn thông tin của chúng ta về Nalanda xuất phát từ những ghi chép của các thế hệ sau này, đặc biệt là các nhà hành hương Trung Hoa, trong đó nổi tiếng nhất là ngài Huyền Trang (602-664). Lần theo những bút tích của ngài, ngày nay, chúng ta biết được Nalanda bao gồm một chuỗi các học viện, tu viện được xây dựng gần nhau, cùng với nhiều ngôi chùa và bảo tháp nằm trong một khuôn viên bao phủ bởi nhiều tán cây xanh mát và ao sen trải dài. Các sinh viên phải vượt qua kỳ thi đầu vào dưới hình thức tranh luận với một trong những học giả uyên bác của Nalanda và chỉ những người vượt qua “những người gác cổng” như thế mới đủ điều kiện tham gia học tập tại đây.

Sự nổi tiếng của Nalanda đã thu hút các sinh viên từ khắp châu Á, bao gồm cả những quốc gia xa xôi như Tây Tạng và Nhật Bản. Trong mỗi khu riêng biệt, sinh viên sống trong các phòng xung quanh một giảng đường trung tâm. Ngoài ra, còn có cả nhà ăn, kho chứa, giếng nước và nhà vệ sinh trong khuôn viên của tu viện.

Các Tăng sĩ của Nalanda mỗi ngày dành phần lớn thời gian để thực hiện các nghi thức tôn giáo, học tập cũng như tranh luận về những kiến thức được lãnh thọ. Nalanda rất nổi tiếng về khía cạnh nghiên cứu lý luận và vì vậy, những cuộc tranh luận trong tu viện đã trở thành một phần quan trọng trong phương pháp giáo dục cho sinh viên tại ngôi trường vĩ đại này.

Những ai đã sống ở đó?

Tuy nhiên, lý do khiến Nalanda nổi tiếng cho đến ngày nay không phải vì kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật hay thậm chí là thư viện với những bản thảo quý hiếm, mà là do sự kế thừa và phát triển những tinh hoa Phật giáo của các luận sư, học giả đã nghiên cứu và giảng dạy ở đó.

Trong các nguồn tài liệu của Tây Tạng và Trung Quốc, chúng ta có thể nhìn thấy nhiều ngôi sao sáng chói của nền Phật học Ấn Độ gắn liền với Nalanda. Nagarjuna (thế kỷ I-II) được xem là người sáng lập phái Trung Quán cũng đã từng trú ngụ tại đây. Ngoài ra, nhà sử học Tây Tạng Taranatha ghi lại rằng Asanga đã sống ở Nalanda trong suốt 12 năm cuối cùng của cuộc đời. Khi xem xét lại dòng truyền thừa của các học giả gắn liền với Nalanda thì rõ ràng, trung tâm tu viện này đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của dòng chảy trí tuệ chính của Phật giáo Đại thừa.

Thời kỳ cuối cùng

Cũng giống như sự hình thành trước đó, sự kết thúc của Nalanda vẫn còn ẩn khuất sau bức màn thời gian. Chúng ta biết rằng Nalanda đã ngừng hoạt động vào đầu thế kỷ XIII và tàn tích của nó đã xuất hiện trên đất Ấn Độ khoảng 700 năm sau đó, khi Cơ quan Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ bắt đầu khai quật địa điểm này vào đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác dẫn đến sự sụp đổ của Nalanda vẫn còn chưa rõ ràng và có thể tồn tại rất nhiều yếu tố gây ra vấn đề này.

Nalanda chính thức bị hủy diệt vào năm 1193, khi những người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của Bakhtiyar Khilji đánh phá nơi này. Họ đã đốt phá trường học, chùa viện, tượng Phật và giết các Tăng sĩ ở đây. Sự kiện này cũng được xem là điểm mốc đánh dấu sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ, mặc dù Phật giáo đã thực sự suy yếu trước đó một vài thế kỷ, điều này có thể thấy được trong ký sự của ngài Huyền Trang.

Sau đó, một người hành hương Tây Tạng đến thăm Nalanda vào khoảng năm 1235, cho biết nơi đây chỉ còn là một nơi hoang vắng. Mặc dù một số khu vực vẫn không bị hư hại, nhưng không còn ai coi quản chúng. Chỉ còn lại một học giả duy nhất hơn chín mươi tuổi được chăm sóc bởi một vị đệ tử. Đây là nguồn Tây Tạng cuối cùng cho chúng ta biết về Nalanda, trước khi bức màn lãng quên khép lại và kết thúc một trong những nơi học tập vĩ đại nhất của Ấn Độ lúc bấy giờ.

Truyền thống Nalanda hiện đại

Trong truyền thống vẽ tranh cuộn (thangka) của Phật giáo Tây Tạng, chúng ta có thể tìm thấy một bộ hình mô tả các bậc thầy Đại thừa quan trọng nhất của Ấn Độ: Trung Quán tông gồm Nagarjuna và Aryadeva; Asanga và Vasubandhu đại diện cho Yogacara; Dignaga và Dharmakirti thuộc trường phái logic-nhận thức luận; cũng như Gunaprabha và Shakyaprabha cho truyền thống Luật tạng.

Trong những năm gần đây, Đức Dalai Lama đã thêm vào một số nhân vật, tất cả bao gồm mười bảy học giả Ấn Độ, thêm chín người nữa cũng thuộc Trung Quán tông, bao gồm: Buddhapalita, Bhavaviveka, Chandrakirti, Shantideva, Shantarakshita và Kamalashila; hai vị có kiến giải đặc biệt về các giáo lý Bát-nhã Ba-la-mật-đa (prajnaparamita) là Vimuktisena và Haribhadra; cũng như Atisha là người có công trong việc truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang Tây Tạng. Ngoài ra, Đức Dalai Lama còn thiết kế một bức thangka thể hiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được bao quanh bởi mười bảy “học giả Nalanda” này.

Tập hợp của 17 vị luận sư như vậy rõ ràng là một sự sắp xếp hiện đại mà chúng ta không thể tìm thấy được trong bất kỳ tài liệu cổ nào. Điều này khiến cho chúng ta suy nghĩ về một lý do đặc biệt đằng sau đó. Cũng giống như Janus, truyền thống Nalanda dường như đang phải đối mặt với hai hướng cùng một lúc: quá khứ và tương lai.

Nếu nhìn vào quá khứ, truyền thống này sẽ trả lời cho vấn đề về ý nghĩa thực sự của “Phật giáo Tây Tạng”. Phật giáo Tây Tạng không phải là một sự đổi mới do người dân ở đây nghĩ ra, mà đó là sự truyền bá của Phật giáo kinh viện Ấn Độ đến xứ sở Tuyết. Sự truyền bá như vậy đã thể hiện được tất cả các khía cạnh (A-tỳ-đạt-ma, Đại thừa và Kim cương thừa) trong các tác phẩm của 17 vị luận sư. Hơn thế nữa, vượt qua sự phân chia trường phái và các dòng truyền thừa của Phật giáo Tây Tạng, truyền thống Nalanda còn cung cấp cho chúng ta những hiểu biết thống nhất về giáo lý của Đức Phật khi Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở Tây Tạng.

Khi hướng đến tương lai, Đức Dalai Lama đã nhấn mạnh rằng mỗi học giả Nalanda là hiện thân của một phẩm chất cụ thể trong giáo lý Phật giáo: một cách tiếp cận vấn đề không dựa trên đức tin mà chú trọng vào việc tự thân tìm hiểu, nghiên cứu, phân tích dựa trên tính logic, lập luận hợp lý và tranh luận cùng nhau. Đó cũng chính là tinh thần nghiên cứu khoa học mà chúng ta có thể nhìn thấy tại các trung tâm giáo dục ở phương Tây ngày nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày