"Nâng cao nghiệp vụ pháp chế nhằm giúp việc cho Giáo hội xử lý những vấn đề tồn đọng và phát sinh"

Lễ trao quyết định nhân sự Ban Pháp chế T.Ư nhiệm kỳ 2022-2027 - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Lễ trao quyết định nhân sự Ban Pháp chế T.Ư nhiệm kỳ 2022-2027 - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ban Pháp chế T.Ư tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành cho thành viên trong cả nước tại TP.HCM và tỉnh Thanh Hóa. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập GHPGVN cũng như Ban Pháp chế T.Ư có khóa bồi dưỡng cho lĩnh vực này.

Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế T.Ư trước thềm sự kiện trên.

Nhận định tầm quan trọng của ngành pháp chế đối với GHPGVN, Hòa thượng cho biết:

- Từ năm 1981, khi GHPGVN thành lập, thời kỳ đầu chỉ có cán bộ phụ trách pháp chế, sau đó thành lập Tổ Pháp chế thuộc 2 Văn phòng TƯGH. Đặc biệt trong giai đoạn phát triển, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ VII (nhiệm kỳ 2012-2017), Giáo hội tu chỉnh Hiến chương lần thứ 5 thành lập thêm Ban Thông tin-Truyền thông, Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế T.Ư.

Như vậy, từ năm 2012 đến nay (2023), có thể nói rằng Giáo hội đã thấy được tầm phát triển chiến lược của Giáo hội cần thành lập thêm 3 ban này, trong đó đặc biệt có Ban Pháp chế để nắm bắt tất cả những quy định của pháp luật, Hiến chương, giới luật nhằm tham mưu cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, cấp tỉnh sẽ tham mưu cho Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, để giải quyết những vấn đề phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ.

Và cũng khẳng định rằng trong thời gian qua, Ban Pháp chế của Giáo hội cũng đã đóng góp rất nhiều trong những sự vụ liên quan về pháp chế tạo nên sự đoàn kết ổn định cho Phật giáo.

Hòa thượng Thích Huệ Thông - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Thích Huệ Thông - Ảnh: Bảo Toàn

* Ở khóa bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế lần đầu tiên này, mục đích và sự kỳ vọng mà Ban Tổ chức đã đặt ra là gì, thưa Hòa thượng?

- Hòa thượng Thích Huệ Thông: Được sự chấp thuận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo TP.HCM và tỉnh Thanh Hóa cho phép Ban Pháp chế T.Ư tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên về lĩnh vực pháp chế, chúng tôi tổ chức hai khu vực, phía Nam là tại TP.HCM (từ ngày 2 đến 4-11-2023), phía Bắc tại Thanh Hóa (từ ngày 9 đến 11-2023).

Khóa bồi dưỡng này chúng tôi tập trung vào chuyên môn nhiều hơn là giảng mang tính đề cương chung chung. Ban Tổ chức cung thỉnh chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, Văn phòng TƯGH triển khai sâu về nội dung Hiến chương sửa đổi lần 7, Quy chế hoạt động Ban Tăng sự, Pháp chế T.Ư và những vấn đề liên quan với 2 Văn phòng TƯGH trong quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, mời những nhà nghiên cứu, chuyên viên cao cấp của Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQVN triển khai chuyên đề về pháp luật, về tín ngưỡng tôn giáo, pháp luật về đất đai và xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và vai trò của ngành pháp chế...

Tôi mong muốn rằng sau khóa bồi dưỡng này, cán bộ Ban Pháp chế các cấp ít nhất nắm được phần căn bản nghiệp vụ của pháp chế là gì, nhằm tham mưu giúp việc cho Giáo hội đúng với chức năng, vị trí và vai trò của mình.

Sau khóa bồi dưỡng này, và cũng theo chương trình hoạt động của Ban Pháp chế nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi sẽ xin chủ trương Giáo hội, tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho Phân ban Phụ trách Giới luật, Phân ban Phụ trách Pháp luật, Phân ban Hỗ trợ tư vấn pháp lý, đặc biệt tổ chức hội nghị giao ban từng cụm, từng khu vực, lắng nghe hết những khó khăn ở địa phương. Để Ban có những tổng hợp và đưa ra phương hướng xử lý những vấn đề tồn đọng mà trong suốt thời gian dài chúng ta chưa làm được để trình lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.

* Trong tổng kết ở nhiệm kỳ trước, được biết có tới hơn 700 đơn thư khiếu kiện, khiếu nại liên quan tới Tăng Ni và giáo sản, cơ sở tự viện… Kế thừa nhiệm kỳ trước, Hòa thượng có nhận định nội dung nào trong các khiếu kiện, khiếu nại mà Ban Pháp chế tiếp nhận được là phức tạp, cần quan tâm nhất?

- Thật ra, không có gì trong Giáo hội là phức tạp vì mọi vấn đề chúng ta giải quyết đều có sự kết hợp với Giáo hội các cấp, với ngành chức năng, như về tranh chấp đất đai của chùa, vấn đề xây dựng, về vấn đề vi phạm giới luật, pháp luật và các vấn đề thưa kiện, tranh chấp khác thì chúng ta trao đổi, làm việc với các ngành có liên quan, để cùng nhau thống nhất quan điểm giải quyết theo quy định của Hiến chương, giới luật và pháp luật.

Ngoài ra cũng có những đơn gửi không liên quan nhưng Ban vẫn tiếp thu, và có văn bản phản hồi hoặc chuyển đến các cấp Giáo hội để nghiên cứu giải quyết.

* Hòa thượng có thể chia sẻ về ý nghĩa và tính pháp lý của các quy định/chứng nhận đối với Tăng Ni theo các văn kiện quan trọng như Hiến chương, Quy chế Ban Tăng sự T.Ư… trong liên hệ khi tham dự các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật hiện hành?

- Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật Nhà nước.

Những văn bản của Giáo hội, kể cả Hiến chương cũng bị chi phối theo những quy định pháp luật của Nhà nước. Nhưng vẫn có ý nghĩa cơ sở pháp lý khi tham gia các hoạt động tố tụng. Chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới, các quyết định của Giáo hội, các giấy tờ khác liên quan đến Tăng Ni vẫn có giá trị cơ sở pháp lý. Tuy nhiên khi tham gia các hoạt động tố tụng thì đương nhiên sẽ lấy những văn bản có tính pháp lý cao hơn để giải quyết vấn đề.

* Hòa thượng nhận định gì về nhân sự và chất lượng nhân sự của ngành pháp chế các cấp thuộc GHPGVN hiện nay?

- Nhân sự Ban Pháp chế T.Ư hiện nay cơ cấu nhân sự gồm Trưởng ban Pháp chế tỉnh thành, ngoài ra còn có các vị đại diện các hệ phái Phật giáo, Tăng Ni, Phật tử có tâm huyết, năng lực, trình độ chuyên môn, am hiểu các lĩnh vực liên quan đến pháp chế.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Ban Pháp chế T.Ư thành lập 4 phân ban để hỗ trợ cho ban Pháp chế T.Ư gồm: Phân ban phụ trách về giới luật; Phân ban phụ trách về pháp luật; Phân ban phụ trách hỗ trợ, tư vấn pháp lý; Phân ban phụ trách tổ chức sự kiện, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.

Nhiệm kỳ này chúng tôi cũng cố gắng làm sao để lĩnh vực pháp chế được ổn định và mang tính chuyên môn hơn.

* Lâu nay, dường như Tăng Ni tại các tự viện đang đơn độc trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp lý, pháp luật nhà nước. Tại Quy chế hoạt động của Ban Pháp chế T.Ư nhiệm kỳ IX (2022-2027), được Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký quyết định ngày 14-3-2023 ở Điều 9, Chương III, nói về chức năng, nhiệm vụ của Ban có nêu: “Phối hợp với các ban, viện, các cấp Giáo hội thực hiện hỗ trợ tư vấn pháp lý cho tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử; Tham gia ý kiến về mặt pháp lý với cơ quan quản lý nhà nước và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Giáo hội, tự viện, Tăng Ni, tín đồ Phật tử theo quy định của pháp luật…” - Hòa thượng có thể chia sẻ cụ thể những hỗ trợ này là như thế nào? Nếu hữu sự thì liên lạc với ai và ở đâu?

- Một cá nhân hay tập thể, hoặc ngôi chùa có vấn đề cần hỗ trợ về pháp lý và liên hệ trực tiếp thì Ban sẽ trình lãnh đạo Hội đồng Trị sự, trao đổi làm việc với Ban Trị sự các cấp để thâm nhập nắm bắt tình hình, xác minh thông tin vị đó phản ánh và tư vấn. Sẽ có những luật sư chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu hồ sơ để giúp đỡ Tăng Ni nếu liên quan đến pháp lý. Những việc hỗ trợ này Ban Pháp chế đã làm có hiệu quả được vài trường hợp.

Nếu Tăng Ni, Phật tử cần hỗ trợ tư vấn pháp lý thì phải trực tiếp đến Văn phòng Ban Pháp chế trình bày vấn đề sẽ có nhân viên tiếp nhận. Sau đó chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này thuộc lĩnh vực nào, nếu thuộc trách nhiệm các phân ban thì sẽ giao trách nhiệm. Nếu cần tư vấn pháp lý về luật pháp nhà nước thì có luật sư chuyên môn tư vấn.

Cảm ơn Hòa thượng đã có những chia sẻ với báo Giác Ngộ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày