Nghĩ về bản thân để thương đời nhiều hơn

Anh Nguyễn Trung Hậu
Anh Nguyễn Trung Hậu
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đó là quan điểm sống của anh Nguyễn Trung Hậu (sinh năm 1985, quê Củ Chi, TP.HCM), chủ doanh nghiệp Ngồi Cafe. Dù sắp bước sang tuổi 37, anh vẫn mang vóc dáng của một đứa trẻ lên 5.

Tuy nhiên, ẩn sau vóc dáng nhỏ nhắn, khiêm tốn ấy là tình yêu thương rộng lớn của một người giàu nghị lực, khát khao sống cho mình và cho mọi người.

Gắn bó với xe lăn từ tuổi lên 5

Trải qua cơn sốt bại liệt vào năm 5 tuổi, anh Nguyễn Trung Hậu đã phải khép lại việc bước vào lớp 1 một cách bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa. Mất khả năng vận động của gần như toàn bộ cơ thể, Nguyễn Trung Hậu mất gần 2 năm để phục hồi chức năng cơ bản nhờ sự giúp đỡ của mẹ và bà.

Đặc biệt, bà nội chính là người trực tiếp ẵm bồng, xoa bóp, vệ sinh cá nhân và chăm sóc từng chút một cho anh. Cuối cùng, sau tất cả những nỗ lực, anh cũng được đến trường vào năm 7 tuổi. Thế nhưng, thử thách này khép lại, một thử thách khác lại xảy đến. Dường như, việc học chữ của một đứa trẻ khuyết tật thời đó là điều khó có thể hình dung.

Những ngày đầu đến lớp, anh kể rằng không những phải chịu đựng sự kỳ thị của bạn bè xung quanh mà còn gặp phải vô số rào cản bởi khiếm khuyết trên cơ thể của mình. Dù vậy, sự ủng hộ của người bà và khao khát được đi học đã giúp anh vượt qua tất cả.

“Bà nội của mình cõng đi học suốt quãng đường đất gồ ghề dài 6km. Đến sau này, khi đã có bạn bè, mình được bạn đưa đón đến trường trên chiếc xe đẩy nhỏ. Có hôm, con đường gập ghềnh khiến chiếc xe đẩy ngã nhào nhưng vẫn không ngăn cản hành trình tìm đến con chữ của mình”, anh bộc bạch.

Ham học và có mục tiêu học rõ ràng, anh tự hào khoe rằng mình học khá lắm, đặc biệt là môn Văn. Nhờ đó mà anh cộng tác viết bài cho một số tờ báo, kiếm tiền từ nhuận bút viết bài. Những kết quả nho nhỏ ấy đã nuôi dưỡng cho anh theo đuổi đam mê học tập cho đến khi hoàn thành cấp trung học phổ thông.

Đổi nỗi đau lấy sự kiên cường

Nhiều năm phấn đấu học tập, ôm giấc mơ được chạm đến nhiều tầng tri thức mới, anh nằm trong danh sách trao tặng học bổng của Trường Đại học Văn Lang. Thế nhưng, sau quyết định bất ngờ của gia đình, anh gần như vuột mất giấc mơ vươn mình ra thế giới bên ngoài.

Sau 7 ngày đưa Hậu đến trường, dù biết con mình ham thích việc học nhưng mẹ anh cũng phải ngậm ngùi thành thật: “Gia đình thật sự không còn đủ khả năng làm điều đó nữa. Với trách nhiệm của người cha, người mẹ, má xin lỗi con. Lúc này, nhà mình cần cái ăn nhiều hơn con chữ”. Vừa phải nuôi anh cả, Hậu và thêm hai người em ăn học, kinh tế gia đình chỉ dựa vào mỗi gánh bún riêu nhỏ khiến mẹ anh không thể vừa quán xuyến gia đình, vừa đưa đón anh đến trường.

Không chấp nhận dừng lại ở đó, anh nung nấu quyết tâm tự mày mò học hỏi để tự tạo ra cho mình một tương lai tươi sáng hơn. Anh đã tự học, thành thạo cách sửa máy vi tính và sống tự lập ở tuổi 20 với nghề sửa vi tính dạo. Không còn quan tâm, lo lắng về những khiếm khuyết bề ngoài, anh khẳng định: “Khuyết tật là khiếm khuyết của cơ thể chứ không phải khiếm khuyết về năng lực, tư duy, và khả năng của mỗi người là nằm ở tư duy”.

Chưa bằng lòng với cuộc sống quanh quẩn với những chiếc máy vi tính, Hậu ứng tuyển vào vị trí thành viên của dự án gây quỹ cho người khuyết tật thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển phi chính phủ để thử sức ở những vai trò mới. May mắn trúng tuyển, anh được đào tạo về đa dạng lĩnh vực từ kiến thức văn hóa như tâm lý học chuyên về người khuyết tật, luật pháp về nhân quyền của người khuyết tật, các kỹ năng như giao tiếp, quản lý dự án, cho đến các môn nghệ thuật như thanh nhạc, đạo diễn sân khấu.

3 năm học hỏi và làm việc trong một môi trường năng động, anh cũng trở nên hoạt bát, sôi nổi hơn. Quan trọng hơn hết, anh Hậu đã khám phá được nhiều khía cạnh và tiềm năng ở bản thân.

Hướng đến sự nâng đỡ người yếu thế, sẻ chia cộng đồng

Với mong muốn tìm kiếm cho bản thân một trải nghiệm mới, và có thể giúp nhiều người hơn, anh chuyển hướng sang làm việc tại một công ty sản xuất cà-phê sạch ở Đà Lạt.

Khác với Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, khi làm việc ở một môi trường không dành riêng cho người khuyết tật, Nguyễn Trung Hậu đã cố lường trước hết mọi khó khăn, nhưng thực tế vẫn khắc nghiệt hơn nhiều so với dự tính. Chưa qua đào tạo chuyên môn, năng lực của anh bị không ít đồng nghiệp nghi ngờ. Không còn nhận được những sự ưu tiên, trợ giúp, Hậu phải gắng sức để sinh hoạt và làm việc như một người bình thường. Suốt quãng đường đầy thử thách đó, chỉ có chiếc xe lăn như bạn đồng hành duy nhất của anh.

Anh Nguyễn Trung Hậu hướng dẫn nhân viên của mình pha chế cà-phê

Anh Nguyễn Trung Hậu hướng dẫn nhân viên của mình pha chế cà-phê

Sau rất nhiều nỗ lực, qua 3 năm, anh trở về Củ Chi và tạo dựng nên thương hiệu “Ngồi Cafe” cho quê hương mình. Từ những ngày được em trai đẩy xe lăn đến nơi làm, anh giờ đây đã có thể thuê cho mình một người trợ lý. Từ một nhân viên ham học hỏi, anh giờ đây đã trở thành một người sếp luôn tận tình chỉ dạy những người nhân viên đặc biệt - đó là những bạn sinh viên, người trẻ mưu sinh để kiếm tiền nuôi con chữ ở giảng đường. Từ một cậu bé phải đứng sau rất nhiều rào cản đến từ khiếm khuyết về ngoại hình, từ định kiến của những người xung quanh, anh đã vươn lên để không những hòa nhập tốt với xã hội mà còn phát triển và đạt được thành tựu cho riêng mình.

Với nỗi lòng luôn đau đáu về trách nhiệm cộng đồng của bản thân, anh đang trong quá trình xây dựng một dự án đào tạo người điếc trở thành những barista (nhân viên pha cà-phê) chuyên nghiệp, để thông qua hương vị, nét vẽ trên những ly cà-phê latte, họ được nói lên chính mình, tìm thấy niềm vui của cuộc sống và quan trọng hơn là tự kiếm được thu nhập nuôi bản thân. Hậu tâm sự: “Ở hiện tại, mình chỉ có mong ước là đem cà phê xuất khẩu sang Đức, đồng thời tạo ra nhiều dự án ý nghĩa hơn, nâng đỡ cho những người không may mắn trong cuộc sống.

Những cơn đau dai dẳng do di chứng từ bệnh bại liệt vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của anh Hậu. Thế nhưng, nỗ lực không ngừng vươn lên, đem lại nhiều giá trị cho xã hội, đặc biệt là cho cộng đồng người khuyết tật vẫn chưa bao giờ vụt tắt trong anh. Đặc biệt là khi dịch bệnh Covid-19 đến quá khốc liệt, quá nhiều mất mát, đau thương, anh bộc bạch: “Mình muốn cho đi nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn, bản thân mình đã và đang may mắn hơn nhiều người. Chia sẻ cũng là cách mình góp phần xoa dịu, chữa lành, góp những vệt nắng sưởi ấm lòng nhau”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày