Nghĩ về mẹ cha, trời trong xanh sắc nắng…

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1222 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1222 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Cuộc thi viết với chủ đề “Bến đỗ bình yên” do Câu lạc bộ Phóng viên - Cộng tác viên Báo Giác Ngộ tổ chức đã khép lại với những thành tựu nhất định. Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện riêng, một tâm tình riêng, nhưng đọng lại hơn hết vẫn là những kỷ niệm, tình yêu thương và cả sự hối tiếc mà mỗi người con muốn thông qua cuộc thi để trải lòng mình với đấng sinh thành…

Tại lễ trao giải cuộc thi diễn ra vào chiều Chủ nhật 1-10 tại hội trường trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ, chị Bùi Thị Kim Loan, tác giả của tác phẩm Những vầng mây ấm đoạt giải Nhì, đã không kìm được nước mắt khi nhớ về người mẹ quá cố của mình.

Tác giả Bùi Thị Kim Loan

Tác giả Bùi Thị Kim Loan

Chị nghẹn ngào chia sẻ: “Mẹ tôi qua đời đột ngột sau một cơn bạo bệnh. Cho đến bây giờ, dù đã mười mấy năm trôi qua, nhưng tôi vẫn ray rứt vì ngày ấy, tôi chưa làm được gì để báo hiếu cho mẹ. Tôi viết bài này với ước mong những ai diễm phúc còn có mẹ cha bên cạnh mình, hãy quan tâm, chăm sóc chu đáo, chứ đừng để rơi vào hoàn cảnh như tôi, mẹ mất rồi, mới hối hận vì đã không biết nâng niu, trân quý những tháng ngày còn mẹ ở cạnh bên”.

“… Mẹ bây giờ đã biến thành mây, mây trắng thong dong đến miền cực lạc. Mỗi mùa Vu lan, con đều thắp đèn, cầu siêu cho mẹ, cầu an cho ba. Ngày xưa chúng con còn nhỏ chưa lo lắng cho mẹ được nhiều, bây giờ chắc mẹ cũng vui nếu thấy chúng con lo cho ba và lo cho cuộc sống của mình được tốt, để ba khỏi bận tâm, để mẹ an lòng nhắm mắt. Điều con vẫn hối tiếc nhất chính là con vẫn chưa bao giờ nói lời yêu thương mẹ. Nếu có thể được con xin nhắn với mây trời rằng con yêu mẹ, mẹ là ánh sáng vĩnh hằng, là những vầng mây ấm che chở đời con”

(Trích tác phẩm Những vầng mây ấm)

Nhận giải Khuyến khích của cuộc thi với tác phẩm Ước mơ của mẹ, Sư cô Thích nữ Diệu Trí chia sẻ: “Khi đọc thông báo trên Giác Ngộ online về cuộc thi, tôi chợt giật mình nhận ra, từ đó đến nay, tôi chưa một lần bày tỏ tình yêu thương đối với mẹ của mình.

Tác giả Diệu Trí
Tác giả Diệu Trí

Cảm xúc ùa về, tôi đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên dành cho mẹ. Tôi hy vọng rằng, chúng ta - mỗi người con đều hãy yêu thương và nói lời yêu thương với cha mẹ khi còn có thể”.

“… Tôi chợt nhớ đến ý định đi tu khi mẹ còn trẻ. Ai cũng có ước mơ của riêng mình nhưng vì trách nhiệm làm mẹ thiêng liêng nên ước mơ ấy rơi vào quên lãng. Nhưng có lẽ bây giờ, ước mơ của mẹ đã dành hết cho chúng tôi. Chỉ cần nhìn thấy các con, các cháu khôn lớn, trưởng thành, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là mẹ đã thấy an lòng.

… Tôi lựa chọn xuất gia khi đã chín chắn về nhận thức và hoàn toàn tự nguyện theo lý tưởng riêng của mình nhưng không thể thiếu đó là sự ủng hộ tinh thần của mẹ. Thật hạnh phúc khi giờ đây tôi vẫn còn bến đỗ bình yên của đời mình, đó là mẹ. Tôi sẽ viết tiếp ước mơ của mẹ, đồng hành cùng mẹ như một người bạn đạo, một thiện tri thức, cùng tinh tấn, nhắc nhở nhau trên con đường tu học giải thoát”.

(Trích tác phẩm Ước mơ của mẹ)

Nhà ở tận Đắk Lắk, lại đi nhận giải… nhầm ngày, nên tác giả Nguyễn Hiên, giải Ba cuộc thi với tác phẩm Con đã từng rất… ghét cha được Thầy Thích Quảng Hậu, Chủ nhiệm CLB trao giải trước.

Tác giả Nguyễn Hiên
Tác giả Nguyễn Hiên

Nguyễn Hiên cho biết, lần đầu tiên tham dự cuộc thi và thật hạnh phúc khi hay tin mình đoạt giải. Thông qua bài viết của mình, Nguyễn Hiên chỉ muốn chia sẻ rằng, mỗi người cha, người mẹ đều luôn có cách yêu thương con cái khác nhau, có thể là ngọt ngào, dịu dàng, cũng có thể là lạnh lùng, nghiêm khắc như cha của tác giả. Nhưng dù cách thể hiện thế nào thì nơi cha mẹ vẫn luôn là sự hy sinh vô bờ bến dành cho “núm ruột” của mình.

Tác giả Lê Thị Thu Thanh

Tác giả Lê Thị Thu Thanh

Tuy không có mặt tại lễ trao giải, nhưng với tác phẩm Mẹ chồng tôi - tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi, tác giả Lê Thị Thu Thanh (ảnh) đã gửi đến bạn đọc một quan điểm khác về “mẹ chồng - nàng dâu” từ câu chuyện thực tế của mình.

“… Tôi, một người sống trong thời hiện đại nhiều quan điểm sống khác với người thế hệ trước. Mẹ không những không chê trách, không áp đặt mà còn cảm thông. Mẹ rất tâm lý, bất cứ khi nào có vấn đề gì hai mẹ con cũng mở lòng tâm sự với nhau, bày vẽ con dâu kinh nghiệm đối nội đối ngoại, việc làng, việc họ. Mẹ đã cho tôi một cái nhìn khác về hai tiếng mẹ chồng. Sống với mẹ chồng lâu, tôi lại càng cảm thấy mình cần phải học hỏi nhiều hơn nữa. Mai này cuộc sống có ra sao, tình người thay đổi thế nào nhưng hiện tại tôi rất may mắn vì được làm dâu của mẹ. Tôi cảm ơn và yêu mẹ nhiều lắm! ‘Mẹ tuy không đẻ không nuôi/Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong’”.

(Trích tác phẩm Mẹ chồng tôi)

Tác giả Diệu Huệ
Tác giả Diệu Huệ

Tác phẩm Nguyện làm đôi chân cho ba của tác giả Diệu Huệ được giải Độc giả yêu thích là một câu chuyện cảm động về người cha không may bị tai nạn phải ngồi xe lăn.

Nhưng từ biến cố đó đã giúp cho tác giả nhận ra được rằng ba của mình tuy trầm tính, có vẻ khô khan, ít nói nhưng thẳm sâu bên trong lại là một người có trái tim ấm áp và nhân hậu.Cũng may là không quá muộn màng, để tác giả còn có cơ hội báo hiếu cho ba:

“Ba ơi! Từ nay đoạn đường ba đi luôn có mẹ và chị em con làm đôi chân cho ba, cùng ba vượt qua những khó khăn phía trước, như hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời”.

(Trích tác phẩm Nguyện làm đôi chân cho ba)

Tác giả Quảng Thịnh
Tác giả Quảng Thịnh

Trong Tứ trọng ân mà những người con Phật luôn ghi nhớ, bên cạnh ân cha mẹ, còn có ân thầy tổ. Thầy ơi, con đã trở về! - tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi của tác giả Quảng Thịnh viết về những kỷ niệm thuở còn hành điệu bên ân sư và những cảm xúc khi trở về chốn tổ vắng bóng thầy:

“… Mùa Vu lan năm nay, 2567, trở về lại chốn xưa, con không còn gặp thầy để kể thầy nghe những khó khăn và thành tựu trong nếp sống làm người đưa đò, nhưng tin chắc, từ trước đến nay và mãi mãi về sau, thầy luôn còn đó cho chúng con nương tựa trong nếp sống tu tập giữa cõi hồng trần này”

(Trích tác phẩm Thầy ơi, con đã trở về!)

Viết về mẹ, về cha, có lẽ cảm xúc vẫn luôn đong đầy và ngôn từ sẽ không bao giờ cạn, bởi dù trong bình yên hay giông bão, Người vẫn luôn là điểm tựa bình an mà mỗi khi nghĩ đến, nhớ về ta sẽ luôn cảm thấy đó là cả một bầu trời trong xanh sắc nắng, đầy ấm áp và yêu thương. Cho nên, vẫn còn nữa những tâm tình sẻ chia trong hơn 100 tác phẩm được gửi về cho Ban Tổ chức mà trong khuôn khổ một bài viết không thể nào kể hết ra đây.

Xin được mượn lời của Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ phát biểu trong buổi lễ trao giải để kết lại bài viết này và cuộc thi này: “Tôi hết sức tán thán Câu lạc bộ Phóng viên - Cộng tác viên Báo Giác Ngộ của báo đã tổ chức thành công cuộc thi viết 'Bến đỗ bình yên' nhân mùa Vu lan - Báo hiếu năm nay, Phật lịch 2567. Tôi vô cùng bất ngờ khi cuộc thi chỉ diễn ra trong vòng một tháng nhưng đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo bạn đọc. Điều này quả thật nằm ngoài suy nghĩ của tôi. Với số lượng bài viết như thế đã phần nào khẳng định được giá trị của tình yêu thương, giá trị của tinh thần hiếu đạo vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống và trong tận đáy lòng của mỗi chúng ta.

Tôi chúc mừng các tác giả đã đoạt giải và tri ân tất cả các bạn đọc đã gửi bài về tham dự cuộc thi. Qua đây, tôi mong rằng, chúng ta sẽ có cơ hội nhìn lại để biết quan tâm, bày tỏ tình cảm đối với cha mẹ của mình bằng những lời nói, cử chỉ, hành động... cụ thể. Và hy vọng thông điệp của cuộc thi sẽ tiếp tục được lan tỏa để nhắc nhở rằng gia đình - nơi có mẹ, có cha luôn là ‘bến đỗ bình yên’ của mỗi người con, của mỗi đời người”.

Thượng tọa Thích Chúc Phú
Thượng tọa
Thích Chúc Phú

* Thượng tọa Thích Chúc Phú, Phó Thư ký tòa soạn đặc trách nguyệt san Giác Ngộ, Giám khảo cuộc thi “Bến đỗ bình yên”: “Qua những bài đạt vào vòng chung khảo, chúng tôi nhận thấy, đó đều là những cảm xúc thật, những câu chuyện có thật, rất đẹp, lung linh, chạm vào những góc khuất của trái tim của người đọc. Trong cuộc sống tất bật hiện nay, những khoảnh khắc lắng đọng, an yên từ những bài viết này cần được trân trọng, giữ gìn và vun đắp.

Có thể các thể tài chưa được phong phú và các thủ pháp nghệ thuật trong mỗi bài viết chưa được xử lý nhuần nhị, tinh tường nhưng trong tất cả, là sự trân trọng, quý mến các tác giả đã gởi bài tham gia, dù đoạt giải hay chưa đoạt giải, nhưng ít nhất cũng gửi gắm được phần nào tâm tư, suy nghĩ về ‘bến đỗ bình yên’ của chính mình”.

Thượng tọa Thích Quảng Kiến
Thượng tọa
Thích Quảng Kiến

* Thượng tọa Thích Quảng Kiến, nguyên Phó Thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ, Giám khảo cuộc thi “Bến đỗ bình yên”:

“Mong rằng ở những cuộc thi kế tiếp, Báo Giác Ngộ cũng sẽ nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của bạn đọc; và cũng mong rằng sẽ nhận được những bài viết mang tính sáng tạo hơn, đột phá hơn, để có thể lưu lại những dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc”.

Đại đức Thích Quảng Hậu

Đại đức

Thích Quảng Hậu

* Đại đức Thích Quảng Hậu, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng viên - Cộng tác viên Báo Giác Ngộ, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi: “Lần đầu tiên, Câu lạc bộ tổ chức cuộc thi viết và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của chư Tăng Ni và đông đảo bạn đọc gần, xa. Đây là một tín hiệu tốt cho sự khởi đầu.

Thay mặt Ban Tổ chức xin tri ân Ban Biên tập Báo Giác Ngộ, quý vị trong Ban Giám khảo cuộc thi đã khích lệ và nhiệt tâm hỗ trợ cho cuộc thi. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài tham dự. Câu lạc bộ mong sẽ nhận được sự gắn kết của các tác giả để những giá trị nhân văn được lan tỏa mãi, từ những người cùng chí nguyện phụng sự cho cuộc sống tươi mới và tốt đẹp hơn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày