Người tu Phật có được bốc thuốc chữa bệnh?

Người tu Phật có được bốc thuốc chữa bệnh?
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Trong kinh Tạp A-hàm, Tôn giả Xá-lợi-phất đã khái quát việc ‘kiếm ăn đúng pháp’ của hàng Thích tử là: Không cúi mặt xuống, không ngửa mặt lên, không xoay mặt bốn phương, không xoay mặt bốn góc. Đặc biệt, trong đó có lời dạy: Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn. Xin hỏi quý Báo, nếu vậy thì người tu Phật không nên hành nghề y bốc thuốc chữa bệnh?

(HỒNG SƠN, nhson2001...@gmail.com)

Bạn Hồng Sơn thân mến!

Quan điểm về ‘kiếm ăn đúng pháp’ của Đức Phật nói trong kinh Tạp A-hàm dành cho hàng xuất gia Thích tử là phải khất thực hàng ngày để tự nuôi sống. Nghĩa là, ngoài khất thực ra, hàng xuất gia Thích tử không được làm bất cứ điều gì khác để ‘kiếm ăn’. Và dĩ nhiên, vào thời Đức Phật, ‘Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào làm thuốc trị các thứ bệnh, kiếm ăn một cách tà mạng, những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy xoay mặt bốn góc mà ăn’.

Hiện nay, truyền thống Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy) về đại thể vẫn vâng giữ quan điểm ‘kiếm ăn đúng pháp’ của Đức Phật bằng cách khất thực mỗi ngày. Một số thiền viện, tu viện lớn, chư Tăng đông đảo, dù không vào thôn xóm phố phường khất thực nhưng vẫn duy trì pháp thức trì bình khất thực tại trai đường (do thiền viện tự nấu hoặc do thí chủ mang đến).

Riêng Phật giáo Bắc tông ứng dụng tinh thần tùy duyên phương tiện để lợi ích chúng sinh nên tu học và hoạt động Phật sự có phần uyển chuyển, linh động hơn. Việc các vị Tăng hành nghề y, bốc thuốc chữa bệnh là một trong vô vàn phương tiện độ sinh nhưng tuyệt nhiên đó không phải là phương tiện kiếm sống. Cần lưu ý là về hình thức công việc có thể giống nhau nhưng dụng tâm khác nhau thành ra có giá trị khác biệt nhau.

Do đó chư Tăng Phật giáo Bắc tông hiện nay, một số vị có thể làm một số công việc chuyên môn khác nhau vì phương tiện độ sinh nhưng căn bản vẫn sống nhờ thí chủ phát tâm tịnh thí cúng dường. Nếu ai nghĩ rằng ‘hành nghề y, bốc thuốc chữa bệnh’ là phương tiện độ sinh thì việc ấy mang ý nghĩa Phật sự, ngược lại với dụng tâm kiếm sống thì rơi vào tà mạng, phi pháp.

Chúc tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Tĩnh Triệt trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Thiên Đức đến Ni sư Thích nữ Như Thuận

Đồng Tháp: Bổ nhiệm Ni sư Thích nữ Như Thuận làm trụ trì chùa Thiên Đức

GNO - Chiều 16-5, được sự cho phép của các cấp lãnh đạo Giáo hội, sự đồng thuận của các cấp chính quyền, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN H.Hồng Ngự trang nghiêm tổ chức Lễ công bố, trao quyết định bổ nhiệm Ni sư Thích nữ Như Thuận đảm nhiệm trụ trì chùa Thiên Đức (xã Thường Lạc, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp).

Thông tin hàng ngày