Nhà nước trực tiếp quản lý tiền công đức: Việc chưa từng có

Việc dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức làm tổn thương niềm tin tôn giáo và ý nghĩa cúng dường Tam bảo của tín đồ đạo Phật - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Việc dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức làm tổn thương niềm tin tôn giáo và ý nghĩa cúng dường Tam bảo của tín đồ đạo Phật - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GN - “Trong lịch sử pháp luật và lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ xuất hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tài sản của Phật giáo”.

Vấn đề Nhà nước quản lý việc thu chi tiền công đức được đặt ra trong dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (gọi tắt là dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức), sau khi Giáo hội nhiều tỉnh thành có văn bản góp ý, phản đối, Trung ương GHPGVN cũng đã có văn bản góp ý, chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời kiến nghị thẳng thắn lên Ban Dân vận Trung ương Đảng, Ủy ban Trung ương MTTQVN và các bộ ngành liên quan.

Xâm phạm quyền sở hữu riêng của GHPGVN, tổn thương niềm tin tôn giáo của tín đồ, Phật tử

Công văn của Trung ương GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự ký ngày 17-6 vừa qua nhận định, dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức của Bộ Tài chính có nhiều hạn chế, bất cập cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi, thậm chí phải hủy bỏ.

Theo đó, trước hết, dự thảo thông tư này không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật.

Cụ thể, thuật ngữ “tiền công đức” được sử dụng ở dự thảo thông tư chưa được định nghĩa, giải thích nội hàm qua bất kỳ một văn bản nào trước đó. Trong khi đó với truyền thống văn hóa dân tộc, lịch sử và thực tiễn, thuật ngữ “tiền công đức” chỉ được sử dụng trong Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng, mà không được sử dụng trong tất cả các tôn giáo tại Việt Nam.

Đó không phải là thuật ngữ chung có thể áp dụng cho tất cả các tôn giáo tại Việt Nam, vì vậy không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Từ việc mập mờ trên, dự thảo thông tư này không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật, đồng thời xâm phạm quyền sở hữu riêng của GHPGVN cũng như những nhà tu hành là thành viên của Giáo hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Với sự mập mờ trong quy định như thế, dự thảo thông tư này, khi có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên Nhà nước sẽ trực tiếp quản lý và định đoạt tiền công đức – vốn hợp lại từ nhiều nguồn, trong đó có sự phát tâm cúng dường của tín đồ, đối với cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích.

Công văn của Giáo hội cho rằng với truyền thống lịch sử văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, và vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử đồng hành cùng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, GHPGVN khuyến nghị Nhà nước không nên thế tục hóa tính thiêng của “tiền công đức”. Việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng “tiền công đức” sẽ làm tục hóa (secularization, sécularisation), giải thiêng (desacralization, désacralisation) “tiền công đức” cúng dường Tam bảo, làm tổn thương đến giáo lý, lễ nghi, niềm tin tôn giáo của tín đồ Phật tử, không tôn trọng ý chí của người thực hiện hành vi công đức, cúng dường.

“Trong lịch sử pháp luật và lịch sử Phật giáo Việt Nam, chưa bao giờ xuất hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt việc sử dụng tài sản của Phật giáo”, công văn nhận định.

Cần hủy bỏ nội dung quản lý thu chi “tiền công đức”, hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa

GHPGVN đã kiến nghị Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư quản lý thu chi tiền công đức theo hướng: hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi “tiền công đức” hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa “tiền công đức” và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức” được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành.

Trường hợp dự thảo thông tư tiếp tục quy định mập mờ về quản lý thu chi “tiền công đức” thì GHPGVN sẽ xem xét thay thế thuật ngữ “tiền công đức” bằng thuật ngữ “tiền cúng dường Tam bảo” trong các văn bản và hoạt động tôn giáo của Giáo hội để tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành là thành viên Giáo hội, đồng thời thông báo rộng rãi cho tín đồ Phật tử về thay đổi này để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi cúng dường Tam bảo và tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.

GHPGVN cũng đề nghị Bộ Tài chính phải lấy ý kiến tất cả các tổ chức tôn giáo là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của thông tư theo quy định của pháp luật hiện hành.

Sự nhầm lẫn nghiêm trọng về quy phạm định nghĩa “tiền công đức”

Trả lời phỏng vấn, luật sư Lập (luật sư, trọng tài viên Nguyễn Tiến Lập) trong bài “Dự thảo Thông tư về tiền công đức: Sự quản lý về tài chính một cách có nguyên tắc không nên quy kết là can thiệp, chi phối” đăng ngày 21-6-2021 trên Một thế giới online (trang của Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam - BTV) công nhận “tiền công đức cho di tích, hoạt động lễ hội” được đề cập trong dự thảo thông tư có bản chất là các khoản tài trợ tự nguyện cho di tích văn hóa và hoạt động lễ hội theo Luật Di sản văn hóa và các nghị định hướng dẫn thi hành có liên quan như Nghị định 98/2010 và Nghị định 110/2018.

Nhưng khi trình bày quan điểm pháp lý của mình về khái niệm “tiền công đức” tại dự thảo thông tư này, ông Lập lại không đưa ra được cơ sở pháp lý cụ thể hay phân tích thấu đáo nào để tách bạch giữa: “tiền công đức” là một loại tiền dâng cúng mang tính chất tâm linh với “tiền công đức” đang bị dự thảo thông tư đánh tráo khái niệm với khoản tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Trong khi đó, theo nguyên tắc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo có “quy phạm định nghĩa” để giải thích, làm rõ các thuật ngữ quan trọng được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, luật sư Lập còn cho rằng hiện đang có cả cơ sở tôn giáo gắn với di tích và cơ sở tôn giáo không gắn với di tích thì các cơ sở tôn giáo gắn với di tích đương nhiên thuộc đối tượng điều chỉnh của thông tư này. Đây là một quan điểm pháp lý hết sức sai lầm, bởi các lý do sau:

Trước hết, dự thảo thông tư này thiếu hoàn toàn điều khoản định nghĩa để phân biệt “tiền công đức” với các loại tiền, vật tài trợ khác, cũng như không phân tách đối tượng áp dụng là cơ sở tín ngưỡng gắn với di tích hay không gắn với di tích. Cách quy định mập mờ như vậy sẽ dễ dàng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và cách áp dụng luật khác nhau.

Thứ hai, kể cả trường hợp Ban soạn thảo đưa đối tượng áp dụng của thông tư này gồm các cơ sở tôn giáo gắn với di tích như quan điểm của ông Lập, thì Ban soạn thảo cũng phải đưa ra các nhóm quy định đảm bảo nguyên tắc, điều kiện, phương thức phân tách được: a) khoản tiền, tài sản được tặng cho nào thuộc về tâm linh với b) khoản tiền, tài sản được tặng cho nào thuộc về mục đích đóng góp cho di tích, hoạt động lễ hội. Theo đó, pháp luật phải tôn trọng ý chí hợp pháp và niềm tin, sự thực hành theo đức tin của người dâng cúng, cho tặng.

Thứ ba, nếu dự thảo thông tư hướng đến quản lý chung về các khoản thu của cơ sở tôn giáo gắn với di tích thì phải quy định chung cho tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng chứ không thể chỉ dùng một thuật ngữ mang tính cá biệt, ám chỉ hoặc tạo sự liên tưởng đến Phật giáo.

Về nội dung này, số đông dư luận quan tâm đang đồng quan điểm với GHPGVN và đồng quan điểm với nhiều chuyên gia pháp lý, học giả khác về việc Bộ Tài chính bắt buộc phải xem xét lại để đưa vào văn bản này một quy phạm định nghĩa về “tiền công đức”, để tránh sự mập mờ trong cách hiểu, dẫn đến sự áp dụng sai khi thông tư được ban hành chính thức.

Một trong các phân tích rõ nét và sâu sắc về nội dung này là của Thạc sĩ Nguyễn Thị Long, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội, đăng trên tạp chí Khoa Học Kiểm Sát số chuyên đề 01 (47) năm 2021. Thạc sĩ Long đã phân tích rất chi tiết về việc cần làm rõ nội hàm thuật ngữ “tiền công đức” tại dự thảo thông tư, do văn bản này chưa có quy định định danh “tiền công đức” là gì; “tiền công đức” khác gì với tiền giọt dầu hay các tên gọi khác và khuyến nghị Ban soạn thảo cần bổ sung điều luật giải thích thuật ngữ để có cách hiểu và áp dụng thống nhất.

Khi đưa khái niệm “tiền công đức” vào thông tư, Bộ Tài chính bắt buộc phải tổ chức lấy ý kiến của đối tượng có liên quan trực tiếp là GHPGVN và tổ chức tôn giáo khác theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ các phân tích trên, tác giả cho rằng GHPGVN, các chuyên gia pháp lý, học giả quan tâm và dư luận xã hội đang hiểu rất rõ và không hề nhầm lẫn về vấn đề này như luật sư Lập nêu trong bài trả lời phỏng vấn của mình. Ngược lại, tác giả lại cho rằng có vẻ như chính vị luật sư, trọng tài viên này chưa có đủ sự nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và cẩn trọng về tổng thể và chi tiết hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý di tích văn hóa và hoạt động lễ hội và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như hệ thống các văn bản quản lý tài chính nội bộ của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tại Việt Nam và trên thế giới.

Trình Minh Anh, Chuyên gia pháp lý

(trích: “Sai lầm nghiêm trọng trong ý kiến pháp lý của luật sư, trọng tài viên Nguyễn Tiến Lập về dự thảo quản lý tiền công đức”)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Nguyễn Thị Như Ý, học viên trẻ tuổi nhất tốt nghiệp khoa Phật học từ xa (khóa VI) - Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM

Chuyện học Phật đặc biệt của một cô gái trẻ

GNO - Ngày 29-12, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM tổ chức lễ tốt nghiệp năm 2023 cho học viên các hệ đào tạo. Nguyễn Thị Như Ý, sinh năm 2001 là học viên trẻ tuổi nhất tốt nghiệp khoa Phật học từ xa (khóa VI).
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày