Nhân chuyện Bồ-tát “mang khẩu trang”: Phật giáo là tôn giáo hay không phải là tôn giáo?

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với niềm tin tôn giáo của mình, tôi lấy làm khó chấp nhận khi tượng Phật, các vị Bồ-tát, Thánh Tăng bị đem làm hình ảnh trang trí, quảng cáo, phương tiện để tuyên truyền cho một phong trào, hoạt động hay sự kiện nào đó.

Nói thẳng ra, tôi cho đó là việc làm xúc phạm niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của mình.

Trong một số câu chuyện, tôi có chia sẻ cảm nghĩ này, nhận được sự đồng tình cũng nhiều, nhưng bị cho là… lạc hậu cũng có. Thậm chí có người đi chùa, nghe giảng pháp, trong nhà thờ Phật nhưng lại cho rằng việc sử dụng hình ảnh Phật, Bồ-tát để giới thiệu sản phẩm, quảng bá cho một phong trào, hiện tượng, lối sống nào đó cũng là bình thường, bởi họ nói “Phật từ bi mà, miễn lợi ích cho chúng sinh là được”!

Là tôn giáo

Việc trước nay trên thế giới có một số vụ đấu tranh bất bạo động, có cả bạo động, liên quan tới hình ảnh của một vị giáo chủ, hay vị thánh của tôn giáo nào đó bị biếm họa, hoặc dùng trong các biếm họa không phải là chưa từng xảy ra. Gần đây thôi, tôi nhớ ở ta có một làn sóng phản ứng với một tờ báo dùng hình tượng Phật, hình ảnh mang dáng dấp vị sư, danh từ “thiền sư” đưa vào chuyện châm biếm, chuyện gây cười bị các cấp Giáo hội của Phật giáo, dư luận mạng xã hội lên án gay gắt.

Với một tín ngưỡng, tôn giáo, hình tượng giáo chủ, các vị thánh là tối thiêng liêng vì đó là nơi con người gửi gắm ước nguyện, mong được giải tỏa tất cả những gì mà trong giới hạn họ không thể vượt qua, vươn tới được.

Tôi đọc lịch sử Phật giáo Việt Nam (và không chỉ riêng Việt Nam thôi) đều thấy có đề cập tới tính tôn giáo của Phật giáo với đầy đủ hệ thống tín lý, biểu tượng, cơ sở, lễ nghi, phương pháp thực hành… Hiển nhiên là mang đặc thù Phật giáo trong triết lý duyên sinh, thể hiện hài hòa tinh thần khế lý, khế cơ.

Cũng nhờ vậy mà Phật giáo bám rễ vào sâu trong văn hóa, trở thành một với văn hóa dân tộc mà tôi thấy nhiều người hãnh diện dẫn chứng khi nói tới chỗ đứng, sự đóng góp của Phật giáo với mấy chữ mang tính xác định “đồng hành cùng dân tộc”.

Trong niềm tin tôn giáo của tôi, Đức Phật, Bồ-tát Quan Âm hay nói chung là các vị Bồ-tát, cả ngài Tiêu Diện hay Hộ Pháp…, là đối tượng thiêng liêng để gửi gắm, giãi bày những điều sâu kín nhất mà đôi khi, tôi không thể nói cùng ai khác, dẫu là người thân thiết nhất vì ngại hoặc vì không có niềm tin tuyệt đối ở họ.

Các ngài là nơi tôi tuyệt đối tin tưởng, không một mảy may hoài nghi. Khi cầu nguyện, đứng trước các ngài, bao phiền muộn được an ủi và tôi cảm nhận được sự chở che, đoái thương và vỗ về trong tâm từ bi rộng lớn.

Phật của tôi như thế, Bồ-tát Quan Âm của tôi như thế, nên khi có bất cứ hành vi nào sử dụng hình ảnh các ngài để làm tuyên truyền, như kiểu người ta leo lên gắn tấm vải làm khẩu trang che miệng và mũi tượng ngài lại, hay những việc tương tự, dùng hình ảnh của ngài bỏ nơi quầy rượu…, thật khó để chấp nhận và cho rằng đó là điều thể hiện rằng Phật, Bồ-tát… tùy thuận chúng sinh.

Người Nhật nổi tiếng với nhiều sản phẩm có chất lượng, chinh phục thế giới, không có nghĩa là người Nhật làm gì cũng đúng, phù hợp, nhất là khi đặt trong hệ quy chiếu với văn hóa nước khác. Không phải chỉ có việc trèo lên mang khẩu trang cho tượng Bồ-tát, mà cả việc ở Nhật, các vị sư “hành đạo” trong các quán bar, biểu diễn thời trang được lan truyền trên các kênh thông tin, mạng xã hội,… so với thể trạng văn hóa các quốc gia khác lại là điều khó có thể tiếp thu hoặc chấp nhận, đặc biệt là đối với tập quán tư duy của người Việt về Phật giáo.

Không là tôn giáo

Hiện tôi thấy trên một số diễn đàn, có cả những vị thầy, trong các thuyết giảng của mình, không biết vì lý do gì, lại cho rằng Phật giáo chỉ là triết lý, là lối sống, và đơn thuần có thế thôi (trong khi chính họ lại cử hành các nghi lễ cầu nguyện, chú nguyện). Thậm chí, có người phủ nhận các lớp tư tưởng trong hệ thống tín ngưỡng, trở thành niềm tin ăn sâu vào tâm thức của số đông - kết quả của một quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài suốt mấy ngàn năm từ khi Phật giáo du nhập Việt Nam cho tới nay.

Tính hiện sinh của Phật giáo mà một số người nhấn giọng tuyên truyền, trong có cả các vị sư, không phải mới mẻ, mà có trước năm 1975 tại miền Nam nước ta. Khởi nguyên và những ảnh hưởng của hiện tượng này, vô tình gặp một phần ở Phật giáo chứ không phải là tất cả, nhưng đã được một số cá nhân thổi phồng, là vấn đề thú vị mà có lẽ tôi sẽ đề cập vào một dịp khác. Nếu hiểu tính thiết thực hiện tại của Phật giáo qua khía cạnh hiện sinh thì đó là sự nông nổi, tự phủ nhận vị trí của Phật giáo ngay trong lòng dân tộc.

Nếu cho rằng Phật, Bồ-tát chỉ là biểu tượng do con người tạo ra, như có ý kiến cho rằng các vị Đại Bồ-tát như Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền… là sản phẩm của trí tưởng tượng Trung Hoa; tượng Phật, Bồ-tát là sản phẩm sáng tạo của con người, thì quả là không còn gì để nói. Với suy nghĩ ấy, cách nhìn ấy, thì mới có những hiện tượng dùng hiệu Phật để đặt cho quán bar, lấy tên Phật để đặt cho món ăn đem lại sự hưng phấn cho đàn ông (Phật nhảy tường), đặt tên một loại thức uống có cồn (Happy Buddha beer), dùng đầu Phật chồng lên nhau để làm trang trí cổng chào… đã và đang diễn ra, không chỉ ở phương Tây mà cả ở đất nước Việt Nam.

Khi phủ định hoàn toàn rằng đạo Phật không là tôn giáo, cho rằng hệ thống nghi lễ, thực hành tôn giáo trong đạo Phật là mê tín, người ta có quyền sử dụng hình tượng Phật, Bồ-tát làm bất cứ điều gì nhân danh lợi lạc cho số đông, vì sự tốt đẹp mang tính xu thời.

Vài lời cá nhân

Với tất cả hiện tượng xảy ra liên quan tới đời sống, trong đó có niềm tin tôn giáo của mình, tôi đều nảy ra những suy nghĩ, và trong suy nghĩ ấy, tôi thường đặt ra bối cảnh không phải nghĩ hộ cho người khác, mà là cho chính tôi.

Cho đến nay, tôi luôn nghĩ mình may mắn có được niềm tin tôn giáo là đạo Phật.

Trong niềm tin ấy tôi cảm nhận mình không rơi vào những cực đoan, nhảy bổ lên khi có ai đó có hành động không phù hợp với Đức Phật của tôi, Phật Bà Quan Âm của tôi để rồi có những phản ứng ngoài sự kiểm soát, nhân danh này nọ.

Với niềm tin ấy, tôi thấy mình có được sự tự tin để không phải sống gấp, tận dụng mọi thứ trên đời vì biết rằng cuộc sống sẽ còn rất dài, không phải cuộc đời chỉ có “60 năm”, chết không phải là chấm hết sự sống.

Hễ là con người, ai cũng có niềm tin của mình tùy theo nền tảng nhận thức có được. Những suy nghĩ trên của tôi cũng vậy, chỉ là suy nghĩ nhân một sự việc trong mùa dịch, một ngôi chùa Nhật mang khẩu trang cho các tượng Phật, Bồ-tát trong ngôi chùa ấy. Cũng như một số hình ảnh mang khẩu trang cho Phật rồi lấy làm hình đại diện trên mạng xã hội vì cho rằng điều đó nhắc nhở mọi người mang khẩu trang để phòng chống dịch bệnh.

Nếu cho các tượng chú tiểu mang khẩu trang thì tôi thấy dễ thương, còn gán khẩu trang lên tượng Phật, thì thật khó chấp nhận. Hoặc giả sử để làm gương, có thể dùng hình ảnh những vị Tăng có ảnh hưởng, được nhiều người kính mến mang khẩu trang nhằm tuyên truyền thông điệp 5K thì dễ chấp nhận.

Cái gì cũng có giới hạn của nó. Ranh giới giữa các giá trị, đôi lúc là rất mong manh.

Thử nghĩ nếu trong một gia đình nào đó, để làm gương cho các con cháu, người trong nhà bèn lấy khẩu trang gá lên ảnh thờ của ông bà, cha mẹ đã quá cố, thì việc làm đó là thông điệp nhắc nhở con cháu giữ… 5K hay chính là với tay kéo giá trị tâm linh của mình xuống thấp?

“Việc áp đặt, suy tưởng tư duy thế gian lên hình tượng thiêng liêng, đại diện cho tôn giáo, xem đó như là thông điệp tuyên truyền cho việc phòng dịch là không phù hợp, làm mất đi sự tôn nghiêm của tôn giáo nói riêng và giá trị văn hóa tâm linh nói chung. Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, thực hiện công tác tuyên truyền những giải pháp về phòng, chống dịch bệnh là thiện ý, nhưng hạ thấp hình ảnh các đấng tôn thờ thiêng liêng xuống vị trí con người, trang bị lên tôn tượng chiếc khẩu trang để gọi là… tránh dịch, chống dịch là điều không nên”.

TT.Thích Trí Chơn (Phó ban Văn hóa T.Ư, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM)

“Tùy tiện trong việc thể hiện các biểu tượng, thánh tượng thiêng liêng, chỉ để đáp ứng thị hiếu, sử dụng làm phương tiện tuyên tuyền, thì vô hình trung, chính chúng ta đang tự đánh mất giá trị của chính mình - vai trò kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, di sản quý giá đã trở thành chuẩn mực mà các thế hệ tiền nhân đã dày công tạo dựng, bảo tồn bao đời. Và như thế, nguy cơ hủy hoại văn hóa không phải đến từ bên ngoài mà chính bởi sự thiếu nhận thức đầy đủ và cần có”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày