Nhiều ý kiến về loạt bài "Phía sau những ngôi chùa ấy..." của báo Sài Gòn Giải Phóng

Nhiều ý kiến về loạt bài "Phía sau những ngôi chùa ấy..." của báo Sài Gòn Giải Phóng
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ ngày 29-6 đến 1-7, báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng Online liên tục đăng loạt 3 bài với tiêu đề “Phía sau những ngôi chùa ấy…” trong chuyên mục Phóng sự - Hồ sơ. Nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc với cách gom chuyện cũ làm nên… phóng sự mới.

Loạt bài này trước đó đã được đăng ở chuyên mục Phóng sự - Ghi chép trên nhật báo Sài Gòn Giải Phóng số ra các ngày 29, 30-6 và 1-7-2021.

Những ngày qua, Báo Giác Ngộ nhận được ý kiến phản ánh từ nhiều nơi, chư tôn đức trong Giáo hội cũng như Tăng Ni ở các tỉnh thành, đăng tải trên các diễn đàn hoặc gửi trực tiếp về tòa soạn.

Phản ứng từ những nhân vật đã được dẫn lời trong các bài báo

Liên quan tới các phát ngôn được “Nhóm phóng viên” ghi nhận trong bài 3: “Trục lợi dưới mái chùa” của loạt bài nói trên, Thượng tọa Thích Thiện Quý, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, vị vừa đắc cử đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đã có văn bản phản ánh.

Theo đó, Thượng tọa cho biết trước đây có ông H.N. ghé văn phòng làm việc của Ban Thư ký Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trò chuyện với quý Thầy đang có mặt trong phòng. Trong lúc trò chuyện, ông có hỏi Thượng tọa về các quy định để xây dựng một ngôi chùa mới. Mọi trao đổi diễn ra trong bối cảnh tiếp chuyện, trao đổi thông tin thông thường, ông H.N. cũng không đặt vấn đề phỏng vấn liên quan tới quy định của Giáo hội về việc xây dựng chùa mới.

Thượng tọa Thích Thiện Quý đã trả lời ông H.N. trên cơ sở điều 20, chương V - Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN hiện hành và câu chuyện chỉ chừng đó. Tuy nhiên, bài báo lại nêu ý Thượng tọa khẳng định về thực trạng các ngôi chùa đã được bài báo dẫn chứng có tính cách lợi dụng tôn giáo, tâm linh, hoạt động kinh doanh, v.v… Thượng tọa cho rằng việc trích dẫn như vậy “là sai sự thật”.

“Việc làm này vô hình chung dẫn đến sự chia rẽ tính đoàn kết trong khối đại đoàn kết của tôn giáo và dân tộc, làm ảnh hưởng đến hệ thống tổ chức - quản lý của các cấp Giáo hội, gây ngộ nhận trong cộng đồng Tăng Ni, Phật tử, tín đồ, thiện hữu tri thức, những người yêu mến đạo Phật, v.v… Trong khi, hiện tại cả nước, toàn Đảng, toàn dân, các hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và tôn giáo, dân tộc đang chung tay, đoàn kết, ra sức phòng, chống và đẩy lùi dịch Covid-19”, Thượng tọa Thích Thiện Quý cho biết.

Được biết, Thượng tọa Thích Thiện Quý cũng đã có văn bản phản ánh gửi đến Ban Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng kèm theo kiến nghị về việc tự ý đăng tải ý kiến của người khác mà không được chấp thuận, đồng thời thêm thắt những nội dung mà Thượng tọa không phát ngôn, gây nên những ngộ nhận đáng tiếc.

Với các phát biểu được đưa vào trong bài gắn với Thượng tọa Minh Bình, Thư ký Ban Trị sự Phật giáo huyện Bình Chánh cũng như Ni sư Thích nữ Chúc Hải (trong bài để là Trúc Hải), Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh, các vị này có văn bản, phản ánh cho biết những nội dung của họ được dẫn gián tiếp và trực tiếp trong các bài của Báo Sài Gòn Giải Phóng là không đúng.

Làm mới chuyện cũ, nhận định tùy tiện

Có thể thấy, những câu chuyện “điều tra” trong loạt bài này hết sức cảm tính qua việc trò chuyện với một bà V. - người trông coi chùa, điện thoại cho một “thầy trụ trì”…, hoặc chuyện liên quan tới “thầy Phúc” đã từng được Giáo hội và các cơ quan chức năng huyện Củ Chi xác nhận là không chỉ làm giả giấy tờ chứng nhận tu sĩ mà còn làm giả cả huân chương Lao động của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và một số giấy tờ khác.

Điều đáng nói là vấn đề này đã được các báo chí đăng tải từ tháng 3-2021, Nguyễn Minh Phúc, người được các YouTuber triệt để khai thác với biệt danh “thầy chùa ăn thịt chó”, cũng được phía các cấp có thẩm quyền của Giáo hội khẳng định một cách rõ là làm giả giấy tờ chứng nhận tư cách tu sĩ Phật giáo (Giấy chứng nhận Tăng Ni, Chứng điệp thọ giới, Giấy bổ nhiệm trụ trì...).

Hay chuyện của một người được đề cập là “đại đức Thích Giác Th.” ở Bình Chánh, đã được xử lý, vị này đã qua đời cách đây nhiều năm, cũng được dẫn lại, “làm mới” trong “phóng sự” này.

Đó là chưa kể tới nhà ở của một nhân vật được cho là có hành vi gây rối trật tự xã hội đã bị chính quyền địa phương yêu cầu gỡ danh xưng cơ sở tôn giáo khá lâu ở huyện Củ Chi cũng được “Nhóm phóng viên” dẫn, làm mới trong phóng sự của mình.

Tiêu đề loạt bài là “Phía sau những ngôi chùa ấy…” nhưng lại dẫn giải tới cả thực trạng những người có tấm giấy “nghiên cứu tiềm năng con người”, “mở phủ đệ, điểm coi bói”, quy nạp vào một tổng thể đang đề cập là… chùa, việc làm này của nhóm tác giả trong loạt phóng sự trên báo Sài Gòn Giải Phóng thật là khó hiểu, nếu không muốn nói là có sự đánh tráo khái niệm ở đây.

Bên cạnh đó, ở bài 3, “Nhóm phóng viên” đã hết sức hồ đồ, thiếu khách quan khi nhận định: “Chúng ta đã quen mắt với cảnh người dân đến dâng sao giải hạn ở nhiều ngôi chùa từ Bắc chí Nam”. Đó là chưa nói đến việc không hiểu do sự thiếu hiểu biết hay cố tình lập lờ, một số thông tin trong bài viết phản ánh những hiện tượng mang tính tồn đọng của lịch sử, đang là vấn đề hết sức nhạy cảm như các cơ sở tín ngưỡng có yếu tố gia tộc, vấn đề mà GHPGVN nhiều năm qua nỗ lực tìm giải pháp phù hợp thấu tình đạt lý trong khuôn khổ của pháp luật hiện hành và đặc điểm tôn giáo tiếp biến văn hóa địa phương, trong bối cảnh ở vùng đất mới phương Nam mà lịch sử để lại.

Ai cũng biết việc công nhận một ngôi chùa, được dựng “bảng hiệu” là chùa (nói chung là tự viện, bao gồm: tu viện, niệm Phật đường, tịnh xá, tịnh thất, thiền viện…) tại nước ta phải qua nhiều thủ tục và phải có ý kiến đồng thuận của các cơ quan chức năng địa phương, chính quyền cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố ra quyết định hợp thức hóa. Do đó, thiết nghĩ, khi làm phóng sự như thế này, không lẽ nhóm phóng viên lại không thể phân định đâu là chùa, đâu là đình miếu, phủ đệ, để rồi gom tất cả vào câu chuyện “phía sau những ngôi chùa ấy”, rồi kết luận “trục lợi dưới mái chùa”? Điều này làm sao có thể nói là không hàm chứa ác ý, gây tổn thương cho Phật giáo?

Được biết, ngày 1-7, Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM đã có văn bản phản ánh gửi đến Ban Biên tập Sài Gòn Giải Phóng về loạt bài nói trên.

Loạt bài với tiêu đề “Phía sau những ngôi chùa ấy…” được báo Sài Gòn Giải Phóng đăng liên tục 3 kỳ, gồm Bài 1: “Chùa to, cảnh lớn - Vì ai?”; Bài 2: “Có phải là chùa?” và Bài 3: “Trục lợi dưới mái chùa” đã tạo nên làn sóng phản ứng trong Tăng Ni, cả với những vị Tăng, Ni được dẫn lời trong đó. Có người đặt ra thắc mắc rằng tại sao những năm gần đây, Phật giáo lại liên tục trở thành đề tài khai thác cho dư luận. Và tại sao câu chuyện lại diễn ra trên cả Báo Sài Gòn Giải Phóng trong những ngày này, mà tư liệu không có gì mới, chỉ là dẫn lại nhiều chuyện cũ, sự việc đã được xử lý, lại đăng tải trong thời điểm dịch giã thế này?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày