Nở rộ cơm chay

Lên chùa để ăn cơm chay đúng nghĩa đang được nhiều người hưởng ứng
Lên chùa để ăn cơm chay đúng nghĩa đang được nhiều người hưởng ứng
Trong cuộc sống vội vàng, gấp gáp, tràn ngập đồ ăn nhanh, nhiều người tìm cho mình góc khuất tĩnh lặng, thưởng thức bữa cơm chay nhà Phật. Nay không phải đến chùa xin cơm chay mà các quán ăn chay mọc lên nhiều đáp ứng mọi nhu cầu của thực khách.

Có nhiều người cho rằng, các thức ăn chay chứa nhiều tinh bột khiến người ta tăng cân. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng cho biết: Không phải tất cả các món ăn chay đều làm từ tinh bột. Nhiều món được làm bằng các loại rau củ quả có khả năng phòng chống ung thư, có lợi cho sức khoẻ. Bác sĩ Hưng khẳng định: "Người ăn chay tỉ lệ ung thư giảm 25-50% so với người ăn mặn và tỷ lệ tăng huyết áp cũng giảm với con số tương đương. Riêng với phụ nữ, ăn chay giảm nguy cơ mắc ung thư vú 3,8 lần so với người ăn ít hơn 1 lần thịt trong tuần".

Ăn chay... “nửa mùa"

Bữa ăn không thịt cá với nhiều người là không đủ dưỡng chất. Chính vì thế, một đồng nghiệp nam khi được chúng tôi mời cùng đi thưởng thức cơm chay đã nguây nguẩy từ chối: "Bữa ăn của anh không thể thiếu... thịt". Chúng tôi, toàn nữ thực như... hổ tìm đến hàng cơm chay. Chưa bao giờ ăn chay nên cũng khó gọi món.

Chủ quán cơm chay Thiên Phúc giới thiệu với chúng tôi các món ăn. Ở đây đủ cả cá kho tộ, thịt gà luộc, thịt gà quay, nem, giò, ốc om chuối đậu, súp gà, súp hải sản... Chúng tôi gọi món ăn, cảm nhận sự thanh tịnh của các loại rau củ quả. Tuy nhiên, món ăn chay ở đây không giống món thuần chay trên chùa cho những tín đồ chay thuần tuý. Món ăn chay bình dân này được gia giảm hương vị gần giống các món thức ăn đời thường. Chính vì thế, người ăn chay "giả cầy" như chúng tôi thấy dễ ăn, và ăn ngon miệng.

Vào quán chay, ấn tượng với tôi không phải với món ăn mà cách bài trí, quảng bá tác dụng của cơm chay. Trên tường là hình ảnh của các nhà chính trị gia nổi tiếng, như Tổng thống Mỹ Obama, Ngoại trưởng Mỹ, Thủ tướng Nhật với nụ cười rạng rỡ, hàng chữ in đậm uốn lượn, ăn cơm chay mang lại niềm vui và sức khoẻ.

Trên địa bàn Hà Nội, nhiều quán cơm chay đã được mọc lên đáp ứng nhu cầu của những người muốn giảm khẩu phần ăn để giữ gìn vóc dáng và những người ăn kiêng. Quán chay bình dân giá mỗi suất ăn từ 20-30 ngàn đồng cũng khá nhiều như cửa hàng Nàng Tấm (Trần Hưng Đạo) cơm chay kiểu cỗ với đầy đủ món; cơm chay Adiđà; cơm chay Âu Lạc... Đáp ứng phong phú các thực khách khác nhau, có những nhà hàng cơm chay sang trọng, với các món ăn của Ấn Độ như: Khazaana (Tông Đản), Nhà hàng Tamarind (Mã Mây), Nhà hàng Dakshin (Hàng Trống). Ở những nhà hàng cơm Ấn Độ, món ăn khác hẳn món chay Việt Nam chủ yếu là khách hàng nước ngoài. Một suất ăn ở đây trung bình 60-70 nghìn đồng/người.

Sau nhiều ngày, cứ hy vọng ăn chay để giảm béo và để "cứu cả thế giới"/như các hàng cơm chay quảng cáo, tôi cũng thưởng thức được nhiều món chay. Từ chuyện ăn để biết, để so sánh giữa các hàng cơm chay khác nhau, không biết từ lúc nào tôi sinh ra thích thú món ăn chay.

Phòng bệnh và dưỡng tâm

Nhìn nhận vấn đề sức khoẻ của cơm chay, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho rằng: "Ăn chay đáp ứng tất cả nhu cầu về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và người lớn. Người ăn chay thường xuyên không bị nguy cơ mắc một số bệnh so với người ăn thịt. Cái lợi rõ nhất của ăn chay là con người không có tỷ lệ béo phì, bệnh mạch vành, huyết áp cao, rối loạn ruột, ung thư, sỏi mật thấp". Và nhiều người vẫn cho rằng, ăn chay ngon và đúng nghĩa phải lên chùa.

Tôi theo Lê Minh Thái (Thanh Xuân) thường đến Tổ đình Phúc Khánh ăn chay. Nhóm của Thái có 4 người bạn thân nhau cùng học ở Trường ĐH Giao thông Vận tải. Họ là những người trẻ tuổi, đến cửa chùa ăn chay mong thấy được sự tĩnh tâm. Thực sự, khi có không ít bạn trẻ ham hưởng thụ, thích chơi ngông thì nhóm của Thái lại khác hẳn. Cuối tuần Thái thường đến chùa ăn chay. Trước khi thụ lộc, các đệ tử nhà chùa thường có phần tụng kinh. Ngồi vào bàn ăn, tất cả không được nói chuyện (tịnh khẩu), khác hẳn với sự xô bồ thường ngày của các bữa ăn.

Theo Thái, nhờ có những bữa ăn chay đã tạo ra sự điều độ trong ăn uống mà cậu đã giảm cân nhiều. Trước đây Thái nặng gần 80kg với chiều cao 1,76m nhưng giờ đây bằng tập luyện và ăn chay Thái giảm được 12kg. Ngoài ăn chay, Thái còn ngồi thiền. Chẳng biết, có phải giác ngộ thật hay không nhưng Thái khẳng định khi thiền cậu đã "cảm thấy ánh sáng của Thái dương". Không biết thực hư như thế nào, nhưng với người trẻ mà cảm tâm Phật, có ý thức với môi trường sống cũng khiến tôi cảm mến lắm.

Còn Mai Lan, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì cho rằng, ăn chay khiến cô khoẻ hơn, những triệu chứng đau dạ dày giảm đi rõ rệt. Trong bữa cơm chay, tôi được biết ông Trần Kim Hưng (Nguyễn Lương Bằng - Đống Đa) đã có kết luận ung thư dạ dày. Ông đã làm phẫu thuật, cắt 2/3 dạ dày, sức khoẻ đã yếu nhiều. Từ ngày lên chùa và ăn cơm chay thường xuyên thì sức khoẻ của ông được cải thiện hơn nhiều. Trong bữa ăn thường ngày của ông Hưng không còn khái niệm thịt, cá.

Sự lan truyền của ăn chay ngày nay khá mạnh mẽ trong giới trẻ. Ni cô Diệu Tâm (chùa Kim Liên) cho biết, có nhiều người nhất là các bạn trẻ đã đến ăn chay tại chùa. Đây là điều vui, bởi lẽ từ việc ăn chay, nghe kinh nhà Phật con người sẽ giác ngộ được tâm Phật và sống thiện hơn. Với những người ăn chay 100% thì các quán, nhà hàng cơm chay sẽ là cầu nối đầu tiên để người ăn chay tìm đến thụ lộc cửa Phật. Giá trị đích thực của ăn chay chính là "Dưỡng chất -Dưỡng tâm" cho mỗi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày