Nối dài yêu thương trong những ngày giãn cách

Đại đức Thích Nguyện Truyền, đại diện tòa soạn Báo Giác Ngộ trao quà, hỗ trợ các bạn sinh viên
Đại đức Thích Nguyện Truyền, đại diện tòa soạn Báo Giác Ngộ trao quà, hỗ trợ các bạn sinh viên
0:00 / 0:00
0:00

GN - Ngoài việc chạy đua với thời gian để thực hiện tin bài, chia sẻ kịp thời đến độc giả, trong những ngày giãn cách, báo Giác Ngộ còn là nơi tiếp nhận, lắng nghe lời “kêu cứu” từ những hoàn cảnh cần sự tiếp sức và là cầu nối, chuyển trao trực tiếp những phần quà đến họ.

Từ những lời “kêu cứu”…

Đầu tháng 7-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.HCM quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM còn khoảng gần 2.000 bạn sinh viên bị kẹt lại, hoàn cảnh rất khó khăn.

Khi biết được Báo Giác Ngộ đang góp sức đồng hành, hỗ trợ các trường hợp khó khăn ảnh hưởng dịch Covid-19, anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường, Phó Bí thư Đoàn trường, Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đã “cầu may” bằng cách gửi thư, liên hệ với tòa soạn.

“Điều vui mừng là ngay khi thư gửi đi thì đã kết nối với tòa soạn và các bạn sinh viên được hỗ trợ ngay lập tức. Quý tòa soạn đã kết nối hỗ trợ mì gói, rau củ và nhiều nhu yếu phẩm khác cần thiết”, anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường cho biết.

Anh Trường cũng thông tin thêm rằng “đây là những món quà lớn, vô cùng ý nghĩa, kịp thời dành cho sinh viên nhà trường vượt qua trong thời điểm rất cần sự tiếp sức. Là điều mà Đoàn trường và các bạn sinh viên đều rất trân quý, xin được niệm ơn”.

Thời điểm những hình ảnh sinh viên khó khăn trong khu phong tỏa nhận nhu yếu phẩm “tiếp sức” bởi Báo Giác Ngộ được truyền đi, cũng là lúc tòa soạn nhận thêm lá đơn “xin được giúp đỡ” của chị Phạm Minh Quyên, địa chỉ 226/17/28 Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp đại điện cho những công nhân nghèo nơi mình sinh sống.

Nối dài yêu thương trong những ngày giãn cách ảnh 1

Chị Phạm Minh Quyên đại diện 15 công nhân được tòa soạn giúp đỡ xin niệm ơn những món quà to lớn, tiếp sức vào thời khắc vô cùng khó khăn

“Suốt mấy tuần giãn cách xã hội, khu trọ nơi con sinh sống toàn là công nhân lao động làm thuê, làm mướn. Đồng tiền kiếm được cũng chỉ đủ để trang trải qua ngày. Những ngày giãn cách xã hội đồng nghĩa với những ngày thất nghiệp, kinh tế gia đình bị ngưng trệ, thiếu trước hụt sau…”, chị Quyên giãi bày.

Ngay sau đó, được sự chỉ đạo của Ban Biên tập, Đại đức Thích Nguyện Truyền đã đại diện gửi đến 15 phần quà, đầy đủ nhu yếu phẩm đến cho xóm trọ nhà chị Minh Quyên. “Vẫn còn nhớ như in giây phút nhận được những phần quà, chị Minh Quyên rơm rớm nước mắt vì vui mừng.

Chị chắp tay trang nghiêm kính tạ hồng ân Tam bảo và niệm ân tòa soạn đã quan tâm giúp đỡ cho chị cùng những hộ trọ trong lúc hoàn cảnh vô cùng khó khăn như hiện nay”, thầy Nguyện Truyền nhớ lại.

… Nối dài những cánh tay

Biết được Báo Giác Ngộ đang tổ chức giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, thông qua các bài viết được đăng tải, nhiều vị tôn đức đã gửi gắm, nhờ trao tặng thêm quà tiếp sức cho những hoàn cảnh khó khăn. Thượng tọa Thích Duy Trấn, Trưởng ban Từ thiện xã hội thuộc Ban Trị sự GHPGVN quận 11 nhắn gửi: “Hôm nay đọc bài viết ‘Sài Gòn mùa giãn cách: Trước những phận người mong manh…’ trên Giác Ngộ online, tôi rất xúc động. Có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng chùa tôi nằm trong khu vực cách ly nên tôi lực bất tòng tâm. Cho tôi gửi 15 triệu đồng để khi phóng viên Giác Ngộ đi tác nghiệp, có hoàn cảnh nào khó khăn quá, sinh viên, người vô gia cư lấy gầm cầu làm nhà, thai phụ, công nhân thất nghiệp hữu duyên giúp giùm cho họ”.

Nối dài yêu thương trong những ngày giãn cách ảnh 2

Những phần quà luôn được người khó khăn đón nhận và trân quý

Từ đó, những phần quà gửi gắm cũng được Báo Giác Ngộ trao đi, chia sẻ cho những mảnh đời khó ngặt. Có hoàn cảnh như cụ Đặng Thị Hường, 88 tuổi, vô gia cư, ngày đi tìm ve chai kiếm sống, tối ngủ trên cái sạp bán rau cải của tiểu thương trong chợ nhỏ, quận 4, khi nhận được quà và kèm theo một trăm nghìn đồng, cụ xuýt xoa, nhìn tới nhìn lui nhiều lần để xem có thật là tờ 100 nghìn đồng không. Một chú bảo vệ trên đường đi làm về, dừng lại cho cụ ít bánh, nói rằng tờ tiền trên tay có mệnh giá đúng như vậy, cụ mừng rỡ, liên tục lặp lại lời cảm ơn.

Hay như hoàn cảnh chú Tùng khuyết tật, vội vã đẩy xe lăn từ cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 5 trở về nơi trú ngụ khi giờ “giới nghiêm” sắp đến. Khi phóng viên Giác Ngộ bắt gặp trên đường, tặng chú thùng mì và thức ăn, chú xúc động: “Xin cảm ơn nhiều thật nhiều, tôi đem về cho mẹ tôi. Từ mai tôi ở yên trong nhà trốn dịch. Sáng giờ tôi lượm chỉ được mấy cái chai nhựa, và chưa tới một ký giấy. Mấy nơi phát cơm từ thiện tôi quen đã đóng cửa hết rồi. Tôi đang lo không biết ngày mai hai mẹ con tôi ăn gì...”, chú nói trong khi nước mắt chảy dài. Khi được tặng thêm 100 nghìn đồng để “dằn túi”, chú một mực từ chối: “Còn có nhiều người khổ hơn mình mà chưa có gì”.

Nối dài yêu thương trong những ngày giãn cách ảnh 3

Chú Tùng xúc động khi nhận quà

Khi nhìn thấy phóng viên đi lấy tin, trên xe có chở gạo và quà, chư Tăng tổ đình Ấn Quang, quận 10 đã hỏi thăm và “gửi” một tấn gạo, một trăm thùng mì, kèm lời nhắn: “Ai có hoàn cảnh khó, chia sẻ cho họ người một phần giúp tổ đình, cầu chúc họ chân cứng đá mềm vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Thấy có gạo, có mì làm canh, mà không có thức ăn, nghĩ đến những hoàn cảnh khốn khó, một thầy ở tổ đình Ấn Quang gửi tặng thêm 10 triệu đồng, nhờ phóng viên mua trứng, nước tương để phần quà thêm ấm.

Những phần quà ấy khi trao đến tay công nhân thất nghiệp, các cụ già neo đơn, người bán vé số…, ai cũng mừng rỡ. Chú Hoàng, trọ ở phường 2, quận 4 khi biết quà được sẻ chia từ quý thầy, đã trải lòng: “Vì khó khăn quá, tôi xin một phần quà trợ giúp. Khi dịch bệnh qua, đi làm hồ trở lại, tôi sẽ dành dụm một khoản, mua một phần như thế này chia sẻ lại cho người khó, đang cần, để đền ơn”.

An lòng vì được tiếp sức

Trong thời gian giãn cách, các bạn Lan Anh, Hải Hà - sinh viên khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cộng tác viên của báo Giác Ngộ, đã nhắn tin nhờ hỗ trợ cho những người bạn sinh viên cần sự tiếp sức.

Ngọc Triều, sinh viên năm 3 Trường Đại học Tài chính - Marketing mắc kẹt ở TP.HCM trong những ngày áp dụng Chỉ thị 16. Thực phẩm khan hiếm, đắt đỏ, đồ ăn gia đình gửi từ quê lên không đủ cho nhiều bữa, Triều phải tiết kiệm từng khẩu phần ăn để gói ghém qua ngày. Không muốn gia đình lo lắng, Triều luôn động viên bản thân thoải mái, bình tĩnh.

Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh kéo dài, Triều vẫn “không tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo sợ”. Đến khi nhận được phần quà từ Báo Giác Ngộ chở tới, cùng lời động viên, Triều vui mừng, chia sẻ: “Em xin được cảm ơn. Em cảm thấy mình hạnh phúc quá, gia đình em biết tin này cũng sẽ đỡ lo cho em, vì em không đơn độc một mình ở thành phố này”.

Từ ngày 1-8-2021 đến 4-9-2021, theo sự gửi gắm của chư tôn đức và mạnh thường quân, Báo Giác Ngộ đã chuyển trao trực tiếp 2.395 phần quà, cho các đối tượng: người già có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư, công nhân thất nghiệp, trẻ em, sinh viên mắc kẹt tại TP.HCM.

Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Nghĩa, TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng khi biết thông tin từ người thân kẹt lại thành phố được Báo Giác Ngộ hỗ trợ, đã kết nối, gửi gắm 10 phần quà nhờ tặng đến các hộ gia đình khó khăn, có em bé nhỏ.

Điều bất ngờ hơn, khi phóng viên gửi những hình ảnh trao tặng quà cho các bé đến cô Nghĩa, hai đứa con của cô - An và Khang xin đập ống heo đã tiết kiệm 3 năm liền để tặng quà, mua sữa cho các bạn. 1,5 triệu đồng, đó là số tiền để ống heo của hai chị em. Tiền tiết kiệm này, An và Khang không dám mua quà ăn vặt, áo quần mới. “Con và em hy vọng sẽ giúp các bạn có sữa, có cơm. Con mong Sài Gòn sẽ mau ‘hết bệnh’, để cha mẹ của các bạn có thể đi làm, có tiền để lo bữa no và học hành cho các bạn”, đó là những tâm tình non nớt từ An và Khang.

Lá thư gói trọn lời cảm ơn chân thành

Lời nói đầu tiên con xin gửi lời cảm ơn đến Báo Giác Ngộ cùng với các mạnh thường quân đã hỗ trợ chúng con trong mùa dịch này. Trong thời điểm khó khăn như hiện tại, việc bản thân bị mắc kẹt tại Sài Gòn chưa thể về quê được đã là một lo lắng lớn. Sài Gòn giãn cách, việc không thể ra ngoài để mua đồ ăn. Nhưng nhờ tấm lòng hảo tâm san sẻ yêu thương từ Báo Giác Ngộ đã giúp đỡ con một phần quà ấm áp trong lúc dịch bệnh khó khăn này.

Con nhận được quà vào một buổi chiều giữa tháng 8-2021. Ban đầu có một cuộc điện thoại điện tới nói rằng “chị bên Báo Giác Ngộ, khoảng 10 phút nữa chị tới chỗ em giao quà”. Nghe xong, con như đứa con nít biết tin mẹ đi chợ về, thể nào cũng cho mình thứ gì đó mà ngóng mà trông.

Khi chị tới, chị giới thiệu tên Như Danh, chị mặc chiếc áo thun in dòng chữ Báo Giác Ngộ ở sau lưng. Đặc biệt hơn là chị còn hỏi thăm tụi em nữa: “Mấy đứa trọ ở đây hả?”, “dịch vầy có khó khăn lắm không”... Thật ra con cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân khác, nhưng thường họ chỉ đến phát quà rồi đi, chứ hỏi thăm như vầy thì lần đầu. Cảm giác như một người chị trong nhà quan tâm đứa em nhỏ, đơn giản mà ấm lòng.

Trao quà xong xuôi chị có xin một tấm ảnh của chúng con, và còn dặn dò đủ thứ, giữ gìn sức khỏe xong mới về. Cầm trọn vẹn phần quà trong tay, chúng con vừa vui, vừa thấy ấm áp vô cùng. Tình thương giữa người với người không khoảng cách, dịch bệnh nhưng chị vẫn tới tận nhà trao quà, chia sẻ bữa cơm với những đứa em từ tỉnh lên Sài Gòn học tập.

Tấm lòng của tòa soạn báo, cũng như của các phóng viên báo là vô cùng lớn. Phần quà chúng con đón nhận là rất lớn lao, giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự yêu thương này đã tiếp sức cho chúng con thêm một phần động lực, sức mạnh để vượt những ngày khó khăn.

Chúc Báo Giác Ngộ sẽ san sẻ được nhiều hơn những tình cảm này đến với những hoàn cảnh đang khó khăn, các bạn sinh viên bị kẹt lại Sài Gòn. Chúc Báo Giác Ngộ sẽ ngày càng phát triển hơn, kết nối và lan tỏa nhiều tình yêu thương.

Phạm Bá Ánh Kim, sinh viên khoa Công nghệ thông tin,

Trường Đại học Tài chính - Makerting

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự sách tấn chư Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10, TP.HCM)

"Tăng Ni cần tu hành chân chánh để đánh tan những dư luận, nhiễu loạn không đúng về Phật giáo"

GNO - Đó là lời sách tấn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự trong buổi thăm Tăng Ni tham dự Tuần huân tu, Khóa bồi dưỡng trụ trì 2024, do Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự, sáng nay 8-12.

Thông tin hàng ngày