Phát triển Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại Công viên Quốc gia Kirirom - Campuchia

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1238 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1238 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bộ Môi trường Campuchia đang triển khai xây dựng một địa điểm thực hành thiền Phật giáo tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Campuchia, nằm trong Công viên Quốc gia Kirirom, tỉnh Kampong Speu. Mục tiêu là khuyến khích các Phật tử địa phương cũng như du khách đến đây để thực hành thiền định, tìm hiểu giáo lý nhà Phật.

Ngày 6-1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Môi trường Eang Sophalleth đã đến thăm địa điểm này và cho biết rằng trung tâm được thiết kế nhằm mục đích tạo ra một nơi để thanh lọc tâm trí, tận hưởng sự bình an và hạnh phúc.

Ông chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực để kiến tạo một không gian đặc biệt quy mô dành cho việc thiền định của các Phật tử, trong đó bao gồm các nội thất kiểu Khmer nổi bật hơn so với những công trình trước đây. Ngoài ra, nơi này cũng được định sẵn để trở thành một di sản cho các thế hệ tương lai của Campuchia. Đối với giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi sẽ xây dựng từ năm đến mười lều”.

Bộ Môi trường ở tỉnh Kampong Speu đã tích cực trồng hàng chục nghìn loài thực vật trong khuôn viên của trung tâm để thể hiện mối liên hệ mật thiết của văn hóa Phật giáo và khu rừng tự nhiên. Theo Sophalleth, sự kết hợp của việc giáo dục tư tưởng Phật giáo và nhấn mạnh tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên rất phù hợp với chiến lược Thông tư về Môi trường năm 2023-2028. Chiến lược này cố gắng vận dụng mọi khả năng của ngành môi trường để mang lại lợi ích thiết thực cho Campuchia và người dân nước này.

Trải rộng trên 126 hecta đất, trung tâm văn hóa Phật giáo chưa hoàn thành nhưng đã bắt đầu hoạt động vào năm 2005 dưới sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Hun Sen. Mục đích chính của cơ sở này là thúc đẩy sự phát triển Phật giáo, duy trì các giá trị xã hội và phát triển nền văn hóa quốc gia.

Ngoài ra, trong khuôn viên còn có ngôi chùa Pathom Chedi với chiều dài 108m, chiều rộng 37m và được cho là nơi lưu giữ nhiều bản kinh văn khác nhau. Các tác phẩm điêu khắc bằng đá trong khu phức hợp của trung tâm phản ánh các cột mốc quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, chẳng hạn như sự đản sinh và giác ngộ của Ngài. 84.000 tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của Đức Phật cũng đã được chạm khắc từ đá tự nhiên và an vị ở trung tâm.

“Ở nhiều quốc gia khác, các trung tâm Phật giáo đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Riêng cơ sở này, tôi xem đây là một kho báu của Campuchia với sự ủng hộ từ nhiều cá nhân khác nhau”, Hòa thượng Nhek Buntha, người sáng lập trung tâm cho biết.

Chhort Bunthang, một nhà nghiên cứu tại Học viện Hoàng gia Campuchia, cũng đánh giá cao dự án này. Bunthang nói rằng: “Trong xã hội hiện đại, con người phải đối mặt với vô số thách thức về tinh thần. Không gian thiền tập này đóng vai trò như một phương thuốc, thanh lọc tâm trí và giải quyết những vấn đề về sức khỏe tinh thần cho người dân Campuchia và những du khách nước ngoài có cơ hội đến đây”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày