Có phải tất cả chúng ta đều mang tâm thức "ngạ quỷ" ?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1227 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1227 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sự thiếu thốn và khao khát liên tục đã khiến cho tâm thức ngạ quỷ hiện hữu trong chúng ta mà chúng ta lại không hề hay biết. Nếu không được nhận diện và chữa lành, thì những cảm giác này sẽ ám ảnh và khiến chúng ta không thể phát triển tâm được.

Bài viết này sẽ nói rõ về tâm thức ngạ quỷ của những người phương Tây ngày nay và sự kết hợp giữa thiền định truyền thống và tâm lý trị liệu hiện đại nhằm chữa lành những sự trống rỗng từ quá khứ của mỗi người.

Từ năm 1984 đến năm 2015, “Inquiring Mind” là một tờ tạp chí xuất bản một năm hai lần dành riêng cho mục đích truyền bá Phật pháp sang phương Tây. Kho lưu trữ của tờ tạp chí này bao gồm tất cả các bài phỏng vấn, tản văn, thơ ca, nghệ thuật và nhiều thứ khác trong suốt 31 năm tìm hiểu về Tâm do Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Sati tổ chức.

Trong những cuộc gặp gỡ giao thoa văn hóa đầu tiên giữa các bậc thầy phương Đông và các nhà trị liệu tâm lý phương Tây, Đức Dalai Lama đã muốn tìm hiểu về sự phổ biến của cảm giác “có lòng tự trọng thấp” mà ngài liên tục nghe nói về phương Tây. Ngài đã đi quanh phòng và đặt câu hỏi: “Bạn có cảm giác này không? Bạn có gặp phải vấn đề này không?”. Khi tất cả những người phương Tây được hỏi gật đầu đồng ý, ngài chỉ lắc đầu không tin. Trong vũ trụ học Tây Tạng, những cảm giác như vậy thuộc về cõi ngạ quỷ, chứ không phải cõi người.

Cảm giác về bản thân mà hầu hết người phương Tây trải qua khi họ bắt đầu thiền định không giống với cảm giác của những người phương Đông. Việc quá chú trọng vào tính cá nhân, quyền tự chủ, gia đình tan vỡ, sự bức bách giữa các nhóm người, không thể nuôi dạy con cái đủ tốt, hay nỗ lực không ngừng để đạt được thành tích trong xã hội khiến một người thường xuyên cảm thấy bị cô lập, xa lánh, trống rỗng và khao khát một sự kết nối và công nhận nào đó.

Trong nền văn hóa của chúng ta, cảm giác tách biệt này xuất hiện từ rất sớm. Theo Freud, thực hành thiền sẽ khuấy động những cảm giác này, giống như phương pháp thôi miên, tâm trí chúng ta sẽ hiện lên những suy nghĩ ngẫu nhiên và những nhà trị liệu sẽ chú ý những gì hiện diện “trên bề mặt tâm trí của bệnh nhân”.

Các thiền sinh phương Tây bắt đầu thực hành thiền chỉ để nhanh chóng nhận ra và phát hiện những tàn dư của những cảm giác trống rỗng này, và cho dù có thực hành sâu hơn nữa, chúng cũng sẽ không hề biến mất. Đối với những người Tây phương, cảm giác thiền định ở họ là một niềm khát khao bắt nguồn từ niềm tin vững chắc rằng bản thân còn thiếu sót điều gì đó chứ không được toàn vẹn. Cảm giác không xứng đáng này thường phải được trị liệu tâm lý đặc biệt, và nếu những cảm giác này không được hành giả chấp nhận và chữa lành thì chúng sẽ làm hỏng các trải nghiệm thiền sau này.

Vì vậy, đối với những người Tây phương, cần có sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp thiền định truyền thống và tâm lý trị liệu hiện đại, phù hợp với những tâm thức “ngạ quỷ” cũng như cõi người trong bánh xe luân hồi. Tâm thức ngạ quỷ hay cõi ngạ quỷ có lẽ là một ẩn dụ được vẽ sống động nhất trong những bức tranh luân hồi của Phật giáo. Những chúng sinh giống như ma, với chân tay teo tóp, bụng lớn, cổ nhỏ như cây kim và đang tìm kiếm sự thỏa mãn cho những nhu cầu chưa được đáp ứng.

Ngoài ra, những chúng sinh này, mặc dù rất đói và khát nhưng không thể ăn uống, hoặc nếu có thì thức ăn khi nuốt vào thì chỉ có thể gây ra sự đau đớn và thống khổ khủng khiếp.

Cảm giác không xứng đáng của phương Tây bắt nguồn từ hình tượng “ngạ quỷ” này. Bị ghẻ lạnh khi còn nhỏ, nhiều người trong chúng ta không thể tìm thấy hoặc duy trì sự liên kết khi trưởng thành; thay vào đó, họ trở nên bận tâm với những nỗi thất vọng chưa được chữa lành trong quá khứ.

Giống như sự đói khát của ngạ quỷ không thể lấp đầy bằng những nguồn thức ăn hay nước uống bình thường được; cũng vậy, các học viên phương Tây cũng bị đau khổ bởi những cảm giác như vậy, và họ phải biến sự trống rỗng đó thành đối tượng thiền định của mình. Chỉ khi đó, sự chán ghét bản thân và cảm giác thiếu thốn mới có thể chuyển hóa thành trí tuệ để phát triển bản thân họ.

Khi một người nhận ra rằng những khát khao trong quá khứ không bao giờ có thể đáp ứng được thì họ sẽ không thể vượt qua những trở ngại từ sâu trong quá khứ được và vì vậy, họ sẽ cảm thấy giận dữ và phẫn nộ. Kiểu nhận thức này đã trở thành những trải nghiệm phổ biến và đặc trưng của những người phương Tây trong tâm lý trị liệu. Sự phẫn nộ cũng chính là dấu hiệu cuả lòng tự ái: kỳ vọng và khăng khăng rằng cảm giác trống rỗng của bản thân bằng cách nào đó phải được loại bỏ hoàn toàn.

Trong các phương pháp trị liệu, chúng ta thường cho rằng chỉ cần điều chỉnh những cảm giác phẫn nộ này thì chúng ta sẽ vượt thoát khỏi chúng, nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra. Sự phẫn nộ không dễ gì đưa đến giải pháp cho một vấn đề. Giải pháp duy nhất có thể nghĩ đến là nối lại sợi dây liên kết vốn đã bị đứt gãy từ lâu.

Thực hành thiền định thực sự mang lại một phương tiện để tạm thời làm dịu đi sự trống rỗng này, điều mà các nhà trị liệu tâm lý phương Tây không thể thực hiện được. Thông qua việc phát triển các trạng thái tập trung và chú tâm liên tục, ranh giới của bản ngã sẽ tan biến và cảm giác vui vẻ sẽ chiếm ưu thế. Những trạng thái như vậy, trong vũ trụ quan Phật giáo, đại diện cho hỷ lạc và sự phát triển bản thân ở mức cao nhất.

Phật giáo cũng đã đưa ra một phương tiện thiện xảo để xoa dịu cảm giác phẫn nộ, bằng cách chuyển đổi quan điểm từ việc một người cảm thấy bị xúc phạm sang câu hỏi ai cảm thấy bị xúc phạm. Ngoài việc xoa dịu cảm giác trống rỗng của một người bằng sự hoan hỷ, thì sự thay đổi này còn có thể xác nhận về tính tương đối của những cảm xúc liên quan đến lòng tự ái.

Theo truyền thống Tây Tạng, học giả Phật giáo Robert Thurman cho biết thời điểm tốt nhất để quan sát rõ ràng bản thân là khi chúng ta đang ở trạng thái thường được gọi là sự vô tội bị làm tổn thương, khi chúng ta bị xúc phạm và nghĩ: “Sao cô ấy có thể làm điều này với mình? Tôi không đáng bị đối xử như vậy”. Thurman nói rằng chính trong trạng thái này mà những thứ bên trong của bản thân được khám phá một cách rõ ràng nhất; và từ một vấn đề không thể hiểu được, cho đến khi bản ngã được chúng ta nhận diện sâu sắc.

Trạng thái vô tội bị làm tổn thương này tương đương với sự phẫn nộ của Phật giáo; tuy nhiên trong Phật giáo, nó trở thành một cơ hội to lớn cho hành giả chứ không phải là điều gì đó để cam chịu. Từ quan điểm Phật giáo, chúng ta cứ giữ cảm giác phẫn nộ trong sự cân bằng của nhận thức thiền định thay vì phản ứng một cách thái quá, đây chính là lối vào con đường tuệ giác. Tất cả các thực hành thiền định sơ khởi đều hướng đến mục đích này. Vì con đường khám phá bản thân, quan trọng hơn cả là tìm hiểu bản chất của cái “tôi” bị tổn thương này. Nếu không được nhận thức một cách rõ ràng, nó không thể trở thành đối tượng của thiền định. Đây là ranh giới quan trọng giữa ngã và vô ngã. Trong thiền định, điều này có thể được gọi là “cánh cửa không”, cánh cửa dẫn đến con đường tuệ giác.

Đức Phật đã dạy một phương pháp tỉnh giác đối với những suy nghĩ và cảm xúc trong sự cân bằng của thiền định để chúng có thể được nhìn thấy trong ánh sáng chánh niệm rõ ràng. Thông qua phương pháp này, những nhận dạng và phản ứng thông thường đã bám chặt vào cảm xúc như rong rêu bám vào đá và sẽ bị loại bỏ. Sự hiểu biết này làm tiền đề cho trí tuệ về tánh không xuất hiện và có ý nghĩa to lớn đối với lĩnh vực tâm lý trị liệu, giúp giảm bớt những đau khổ thông thường. Khi cái tôi được nghiên cứu kỹ lưỡng, có vẻ như sự hiện diện của nó ngày càng trở nên mờ nhạt hơn. Ngay cả tính hai mặt của cái tôi và cái vô ngã cũng có thể lộ ra tính không thật của chúng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày