Quán sát ác tri thức như mặt trăng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đoạn kinh này Phật dạy quán sát ác tri thức như mặt trăng. Trăng đây là trăng già, mỗi ngày một khuyết dần, ánh sáng lu mờ cho đến khi tắt ngúm tối đen như mực.

"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Phạm chí Sanh Văn, sau giữa trưa thong dong tản bộ đi đến chỗ Phật, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên, bạch rằng:

- Này Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, mong Ngài nghe cho, tôi mới dám trình bày.

Thế Tôn nói: Ông muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi. Phạm chí Sanh Văn bèn hỏi:

- Cù-đàm, nên quán sát ác tri thức như thế nào?

Thế Tôn đáp:

- Hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng.

Phạm chí Sanh Văn lại hỏi:

- Thế nào là quán sát ác tri thức như mặt trăng?

Thế Tôn đáp:

- Như mặt trăng dần đến biến mất, càng ngày càng giảm, vành trăng cũng giảm, ánh sáng cũng giảm, hình sắc cũng giảm, càng lúc càng khuyết dần. Này Phạm chí, rồi đến một lúc mặt trăng biến mất hẳn, không còn thấy nữa.

Này Phạm chí, người ác tri thức đối với Chánh pháp luật của Như Lai cũng có được tín tâm, nhưng người ấy được tín tâm rồi, về sau lại không hiếu thuận, cũng không cung kính, hành vi trái ngược, không vững chánh trí, không hướng đến pháp và tùy pháp; người ấy bèn mất tín tâm, mất trì giới, bác văn, thí, xả, và trí tuệ cũng mất luôn. Này Phạm chí, cho đến lúc thiện pháp nơi ác tri thức ấy hoàn toàn tiêu diệt, cũng như mặt trăng mất hút.

Này Phạm chí, như vậy hãy quán sát ác tri thức như mặt trăng.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Phạm chí, kinh Hà khổ, số 148 [trích])

Đoạn kinh này Phật dạy quán sát ác tri thức như mặt trăng. Trăng đây là trăng già, mỗi ngày một khuyết dần, ánh sáng lu mờ cho đến khi tắt ngúm tối đen như mực. Cũng vậy, biểu hiện của ác tri thức là lúc đầu có tín tâm với Tam bảo nhưng “về sau lại không hiếu thuận, cũng không cung kính, hành vi trái ngược, không vững chánh trí, không hướng đến pháp và tùy pháp; người ấy bèn mất tín tâm, mất trì giới, bác văn, thí, xả, và trí tuệ cũng mất luôn”.

Dấu hiệu đầu tiên của ác tri thức là không hiếu thuận. Hiếu kính với cha mẹ, tổ thầy; hòa thuận với huynh đệ, anh chị em là nền tảng đạo đức làm người. Dù người này hiện đang có những thành công nhưng khi đã không hiếu thuận thì bị tổn giảm phước báo, sớm muộn gì cũng thất bại.

Biểu hiện tiếp theo của ác tri thức là ngạo mạn, không cung kính những bậc đáng kính. Kính trọng người già, người tu hành, người có đạo đức, người giàu lòng vị tha, người có công với quê hương xứ sở. Sự bất kính với những người đáng kính phản ánh tâm tha hóa và cao ngạo, từ đó trượt dài trên con đường ác.

Đặc biệt là không vững chánh trí, không hướng đến pháp và tùy pháp. Những đức tin với tuệ giác như tin nhân quả nghiệp báo, tin vào sự chuyển nghiệp, tin đạo lý duyên sinh vô ngã, tin vào khả năng giác ngộ của ác tri thức dần dần bị lung lay. Vì vậy sự tu hành của họ trở nên thoái thất, “người ấy bèn mất tín tâm, mất trì giới, bác văn, thí, xả, và trí tuệ cũng mất luôn”.

Ác tri thức là “hạng người từ ánh sáng đi vào bóng tối”. Tự thân họ theo thời gian đã đánh mất các thiện pháp. Bản thân không được lợi ích mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh. Họ chính là gương tối, nhìn vào u ám, như trăng hạ tuần hắt hiu tàn tạ. Muốn hướng thượng chúng ta cũng cần quán sát để biết rõ ác tri thức mà không thân cận, không đi theo vết xe đổ của những người này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Khái quát về Mandala

Khái quát về Mandala

GNO - Mandala là tiếng Phạn, Hán ngữ phiên âm là Mạn đồ la, Mạn đà la, Mạn tra la và Hán ngữ dịch nghĩa là Đàn, Đàn tràng, Đạo tràng, Luân viên cụ túc, Tụ tập v.v…

Thông tin hàng ngày