Rồng trong ngôi Quốc tự Diệu Đế

Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chùa Diệu Đế đã trải qua nhiều đợt trùng tu với sự bảo trợ của vương triều nhà Nguyễn, mà gần nhất là của Thái hậu Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) vào năm 1953. Toàn bộ việc trùng tu nhằm đảm bảo gìn giữ các giá trị vốn có của ngôi quốc tự này, trong đó có tác phẩm độc đáo "Long vân khế hội".

Dù không bề thế và hoành tráng như ở lăng Khải Định nhưng bức bích họa “Long vân khế hội” trong ngôi điện Đại Giác của Quốc tự Diệu Đế (Huế) lại mang đến hình ảnh một con rồng hiền hòa, vị hộ pháp trong Phật giáo đủ sức chấn nhiếp muôn loài nhưng vẫn gần gũi, thân thiện trong mắt của người dân.

Rồng trong điện Đại Giác

Hiền hòa - đó là cảm nhận đầu tiên khi tận mắt thấy những đường nét bức bích họa “Long vân khế hội”, hay còn gọi là “Cửu long ẩn vân” với hình tượng 9 con rồng vờn trong mây, được thể hiện trên trần và 4 cột chính trong ngôi điện Đại Giác của Quốc tự Diệu Đế, ngôi già-lam có tuổi đời hơn trăm năm ở cố đô Huế.

Bài trên Báo Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật Báo Giác Ngộ

Bài trên Báo Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật Báo Giác Ngộ

Cùng một đề tài và phong cách gần gũi với tác phẩm nổi tiếng trên trần điện Khải Thành của lăng Khải Định, bức bích họa ở chùa Diệu Đế có chiều dài hơn 10m, rộng 11m. Về tổng thể, nội dung bức bích họa được phân bố với 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần chánh điện và bốn con rồng quấn quanh bốn trụ lớn. Hình tượng con rồng mang đặc trưng phong cách cuối thời nhà Nguyễn với kiểu đầu và mắt to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh, thân dài với cơ bắp linh hoạt.

Mỗi con rồng với đầy đủ thần thái, màu sắc khác nhau tạo nên hiệu ứng thị giác độc đáo. Mây trời, dáng rồng ẩn ẩn hiện hiện, đan quyện vào nhau. Mỗi khi khói hương lan tỏa, tiếng kinh tụng trầm bổng ngân nga kết hợp với không gian ngôi điện như một bản hòa sắc tự nhiên đầy kính cẩn và hoài niệm. Tất cả các yếu tố đó hội tụ với nhau, thể hiện đầy đủ uy mãnh của một vị hộ pháp quyền uy trong Phật giáo, mang một phong thái và ý nghĩa riêng, không hề thua kém hình tượng con rồng vương giả chốn cung đình.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ lối trang trí với bố cục, đường nét tạo hình thì những con rồng này lại được nhiều người đánh giá là trông “hiền lành” hơn với các lối thể hiện trong cung đình. Quyền uy có đủ nhưng lại không hung hãn, dữ tợn như hình ảnh những con rồng thường thấy trong mỹ thuật Á Đông.

Một điều khá thú vị và đặc biệt trong bức bích họa này đó là sự xuất hiện của một con rồng 4 móng so với những con rồng 5 móng còn lại. Từ xưa, hình tượng rồng 5 móng là biểu trưng cho vua, hoàng đế, rồng 4 móng thì chỉ những người đàn ông cấp cao trong hoàng tộc sử dụng,… Số lượng móng trên hình tượng rồng tùy theo cấp bậc được quy định rõ ràng trong điển chế, không thể sai phạm. Vẫn còn nhiều ẩn ý xung quanh chi tiết này mà chưa có một tư liệu nào khẳng định chắc chắn. Theo nhiều ý kiến thì chi tiết rồng 4 móng có là sự giao thoa giữa nghệ thuật cung đình và nghệ thuật dân gian, từ đó hỗn dung vào nhà chùa. Có lẽ cũng chỉ có trong chùa thì sự dung hòa đó mới được chấp nhận.

Quả thật, dù không bề thế và hoành tráng như ở lăng Khải Định nhưng bức bích họa “Long vân khế hội” trong ngôi điện Đại Giác của Quốc tự Diệu Đế lại mang đến hình ảnh một con rồng hiền hòa, vị hộ pháp trong Phật giáo đủ sức chấn nhiếp muôn loài nhưng vẫn gần gũi, thân thiện trong mắt của người dân. Chính những điều đó điều đó đã tạo nên giá trị riêng của bức “Long vân khế hội” tại Quốc tự Diệu Đế, vừa đặc sắc về tính văn hóa, nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa tâm linh trong đời sống tôn giáo này.

Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, “Tác phẩm ‘Cửu long ẩn vân’ ở Quốc tự Diệu Đế, theo lối bích họa nối kết giữa trần lẫn cột, chẳng những là một tác phẩm lớn nhất đương thời về mặt diện tích thể hiện, mà trình độ nghệ thuật cũng điêu luyện và có giá trị không hề thua kém cung đình” - (Mỹ thuật Nguyễn, NXB Tổng Hợp TP.HCM).

Bài trên Báo Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật Báo Giác Ngộ

Bài trên Báo Giác Ngộ giai phẩm Xuân Giáp Thìn 2024 - Trình bày: Phòng Mỹ thuật Báo Giác Ngộ

Đi tìm hướng bảo tồn cho bức tranh

Mặc dù được công nhận kỷ lục là “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất” vào năm 2008, tuy nhiên câu chuyện xoay quanh giá trị cũng như vấn đề bảo tồn bức bích họa “Long vân khế hội” lại gây khá nhiều quan tâm, tranh cãi.

Thực trạng hiện nay dễ nhận thấy ở ngôi điện Đại Giác là mái ngói bị hư hại, đòn tay, kèo bị mối mục, trần bị thấm khi trời mưa dài ngày. Nước mưa thấm vào làm bức bích họa mờ đi nhiều nét vẽ, một số chi tiết của bức họa đã bị loang lổ, không nhận diện được. Trần cốt bê-tông được xây dựng trước đây có hiện tượng mục rã, nhiều mảng xi-măng rơi rớt, làm mất thẩm mỹ của tổng thể bức tranh.

Thượng tọa Thích Hải Đức, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Giám tự Quốc tự Diệu Đế cho biết, kể từ khi quyết định trùng tu toàn bộ chánh điện vào năm 2018, với khát vọng muốn bảo tồn bức tranh này, nhà chùa đã giữ nguyên chứ không hạ giải như kế hoạch trùng tu ban đầu. Tuy vậy, phương án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bức bích họa này đến nay vẫn còn loay hoay và chưa thực sự sáng tỏ.

Hiện tại, toàn bộ ngôi điện Đại Giác chứa bức bích họa được nhà chùa di dời lùi về phía sau và che chắn bởi mái tole để tránh mưa gió. Một bản vẽ khác của bức tranh được tái hiện lại trong ngôi chánh điện mới. Tất cả đều đang dừng lại tại đó và chưa có phương án hữu hiệu nhất nhằm bảo vệ nguyên bản bức bích họa “Long vân khế hội” này.

Cũng theo thầy, vấn đề bảo tồn bức tranh hiện nay chưa thực sự được quan tâm đúng mức từ Giáo hội, các cấp chính quyền có liên quan.

“Chúng ta chỉ nói suông chứ thực tế vẫn chưa có nhà nghiên cứu hay các cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế, để từ đó khẳng định giá trị của bức bích họa, tính cấp thiết của nhiệm vụ bảo tồn, cũng như đưa ra phương pháp hữu hiệu nhất nhằm bảo tồn bức bích họa ‘Long vân khế hội’. Toàn bộ phương án, kinh phí thực hiện trước nay đều do nhà chùa tham khảo ý kiến các nơi, từ đó tiến hành dần dần”, Thượng tọa Giám tự chùa Diệu Đế nói thêm.

Trước đây, chùa Diệu Đế đã trải qua nhiều đợt trùng tu với sự bảo trợ của vương triều nhà Nguyễn, mà gần nhất là của Thái hậu Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại) vào năm 1953. Toàn bộ việc trùng tu đều được triều đình ủng hộ nên mọi công đoạn đều gấp rút tiến hành, từ khảo sát, lên kế hoạch, đưa ra phương án tối ưu cũng như kinh phí để tu bổ diễn ra một cách nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo gìn giữ các giá trị vốn có của ngôi quốc tự này.

Tuy nhiên, hiện tại thì nhà chùa không đủ năng lực chuyên môn trong việc đánh giá hư hại về kết cấu, phương án trùng tu tối ưu cũng như khả năng đảm bảo kinh phí cho toàn bộ việc này. Vì vậy, chưa có một phương án để vừa bảo tồn các giá trị của bức tranh nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị tổng thể của các hạng mục liên quan, việc trước mắt chỉ là khả năng làm tới đâu hay tới đó.

Thông qua vấn đề này, Thượng tọa Giám tự Quốc tự Diệu Đế cũng mong Giáo hội và các ban chuyên môn trực thuộc gắn kết, đồng hành cũng như hỗ trợ các vị trụ trì hơn nữa trong việc trùng tu các chùa liên quan đến di tích, di sản Phật giáo. Không thể giao khoán hết trách nhiệm cho vị trụ trì trong các vấn đề này, các ban chuyên môn cần nên hỗ trợ trong việc thẩm định, đánh giá cũng như gợi mở các phương án trùng tu, sửa chữa các chùa di tích, liên quan đến di sản của Phật giáo. Có như vậy thì mới tạo ra hiệu quả trong việc quản lý, bảo tồn các di tích liên quan.

Chùa Diệu Đế tọa lạc tại số 110 đường Bạch Đằng, TP.Huế, ngoài vai trò là quốc tự của triều đình nhà Nguyễn, đây còn là một trong những di tích quan trọng ở cố đô. Đây là nơi diễn ra lễ Mộc dục và là điểm xuất phát cho lộ trình lễ rước Phật vào mùa Phật đản hàng năm tại Huế. Đây còn là một trong những địa danh gắn liền với cuộc đấu tranh bảo vệ Phật giáo trong Pháp nạn 1963, phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày