Sư thầy hai bằng thạc sĩ, lấy bằng tiến sĩ tuổi ngoài 60

Hình ảnh vị sư luôn đi kèm các quyển sách hoặc chiếc laptop dường như trở nên quen thuộc với phật tử chùa Chantarangsay - Ảnh: HỮU HẠNH
Hình ảnh vị sư luôn đi kèm các quyển sách hoặc chiếc laptop dường như trở nên quen thuộc với phật tử chùa Chantarangsay - Ảnh: HỮU HẠNH
0:00 / 0:00
0:00
Con đường tu học không điểm dừng, đó là điều nhiều người thấy được từ hòa thượng Danh Lung - trụ trì chùa Chantarangsay, người vừa nhận bằng tiến sĩ dân tộc học ở độ tuổi ngoài 60.

Với 5 năm nghiên cứu, trong đó hơn 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19, không ai nghĩ rằng vị hòa thượng cao tuổi vẫn âm thầm hoàn thành luận án tiến sĩ khó nhằn.

Gian truân trên con đường tu học

Đến chùa Chantarangsay vào giờ trưa, phòng tiếp khách cũng chính là phòng tu học của sư thầy Danh Lung.

Ngoài một tủ sách to chất đầy các loại sách nghiên cứu về văn hóa, đập vào mắt tôi là dòng chữ thư pháp treo tường "Ai làm chủ giáo dục, có thể thay đổi thế giới". Có lẽ trong tâm thức của sư thầy, học vấn là con đường diệu kỳ của đời người và là con đường không điểm dừng.

Là người con quê hương An Biên (Kiên Giang), sư Danh Lung bắt đầu con đường tu tập lúc 8 tuổi. Sinh ra vào giai đoạn đất nước còn chiến tranh, việc học của sư luôn bị gián đoạn. Mãi đến lúc đất nước thống nhất, con đường tu học của sư mới được tiếp tục.

Dù phải học bổ túc phổ thông vì quá tuổi quy định nhưng sư thầy đã thi đỗ vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Nhưng nhiều biến cố và đẩy đưa, sư không thể theo học để cuối cùng tốt nghiệp cử nhân kiến trúc ở một trường khác.

Sau khi hoàn thành hai bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh và thạc sĩ quản lý giáo dục, sư Danh Lung quyết tâm theo học tiến sĩ dân tộc học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Ảnh tác giả

Việt Nam có sự cộng cư giữa các dân tộc, nếu đồng bào Khmer không có gì để giữ gìn, để phát huy thì văn hóa sẽ mai một đi. Tôi thực hiện đề tài này với mong muốn các con em đồng bào Khmer có tư liệu để hiểu sâu hơn về văn hóa dân tộc và giữ gìn, phát huy.

Hòa thượng Danh Lung

Trải qua 5 năm để hoàn thành chương trình tiến sĩ cũng là quãng thời gian đầy gian truân vất vả khi cả nước đối mặt với đại dịch Covid-19. Tôi hỏi sư rằng điều gì khiến người quyết tâm theo đuổi đến cùng luận án này, bởi để hoàn thành luận án "Diễn trình và giá trị của nghi lễ vòng đời trong cộng đồng của người Khmer ở Nam Bộ" phải dành ít nhất hơn 1 năm để đi thực tế ở các tỉnh Nam Bộ.

Trong khi đó, đại dịch dường như "giam" chân tất cả mọi người và e dè trong việc tiếp xúc. Ấy vậy mà sư thầy chỉ mỉm cười và nói "con đường tu học là con đường không điểm dừng".

Không chỉ là trụ trì của chùa, sư Danh Lung còn giữ vai trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam kiêm viện trưởng Phân viện Phật giáo Nam tông Khmer.

Khi được hỏi về việc cân bằng công tác của giáo hội lẫn việc học, sư tâm tình rằng đó là vấn đề rất áp lực, nhưng bản thân vẫn cố gắng sắp xếp. Hình ảnh vị sư luôn mang theo chiếc laptop bên mình để khi vừa nghỉ tay sau công việc của giáo hội là lật đật gõ luận án dường như đã in sâu vào trí nhớ của nhiều đồng môn lẫn phật tử.

Đóng góp mới về nghiên cứu văn hóa người Khmer

Ở khoảng sân chùa dưới bóng mát cây sala, bà Lý Thị Lý (phật tử Khmer hơn 70 tuổi) hằng ngày đều đến ngồi nơi đây sau khi viếng Phật.

Khi nhắc về hòa thượng Danh Lung, bà cho biết hầu như phật tử thân thuộc của chùa đều biết đến sư thầy vì sự gần gũi, đặc biệt là tấm lòng đối với đồng bào người Khmer. "Như trường học thì tấm gương sáng dẫn đầu phải là hiệu trưởng, thì ở chùa sư Danh Lung cũng thế. Vị trụ trì không chỉ tu tập phẩm đạo mà còn là tấm gương tu học cho các phật tử" - bà Lý nói.

Chia sẻ với chúng tôi về lý do chọn đề tài luận án này, sư Danh Lung nhắc nhớ lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - "Một dân tộc mà không có văn hóa thì mất dân tộc". Với sư thầy, tuổi tác không là thứ giới hạn bộ não và việc học tập. Sự học không bó buộc trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả một người nhặt rác cũng có những điều hay ho để học tập.

"Đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều khó khăn nhưng không vì khó khăn mà từ bỏ con đường học tập. Mình nghèo tất nhiên có rất nhiều lý do và tri thức của mình kém cỏi, hạn chế cũng là một trong những lý do giới hạn mình thoát nghèo" - sư thầy nói.

Là người trực tiếp hướng dẫn luận án của nghiên cứu sinh Danh Lung, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - cho biết hòa thượng là vị sư người Khmer đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tại trường.

Do đề tài có phạm vi nghiên cứu rất lớn nên nhiều thầy cô ban đầu có trăn trở về việc hoàn thành, đặc biệt là khi gặp phải đợt dịch Covid-19. Đề tài nghiên cứu là thành quả của rất nhiều cố gắng, là những đóng góp mới về nghiên cứu văn hóa người Khmer ở Nam Bộ nói chung và nghiên cứu về nghi lễ vòng đời của cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ nói riêng.

Tấm gương trong đạo, trong đời

Đại diện MTTQVN TP.HCM cho biết với vai trò là ủy viên MTTQVN ở TP.HCM, hòa thượng Danh Lung đã có nhiều tư vấn, đóng góp kiến nghị cho mặt trận. Ở địa phương, sư thầy còn tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động xã hội, tiêu biểu như việc hỗ trợ học bổng cho sinh viên Campuchia học tập ở TP.HCM.

"Phật giáo vốn dĩ rất trọng việc học tập. Và hòa thượng Danh Lung là một trong những tấm gương học tập trong đạo, trong đời. Những công trình học tập, nghiên cứu của thầy góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer cũng đồng thời xây dựng nền văn hóa tiên tiến của Việt Nam" - vị này chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày