Ngày còn bé, vào mùa hè, mẹ thường dắt tôi đến chùa lễ Phật và thăm các Sư, ở đó có dì tôi - chị ruột của mẹ. Tôi nhớ, có lần mẹ kể, khi còn trẻ, mẹ cũng muốn đi tu như dì nhưng ông bà ngoại muốn mẹ lập gia đình. Để báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, mẹ tôi thực hiện theo tâm nguyện của ông bà và rồi ước nguyện lúc trẻ của mẹ vẫn còn dang dở.
Ở độ tuổi hồn nhiên khi ấy, tôi vẫn chưa biết đi tu là gì, chỉ thấy Sư bà và các Sư cô trong chùa đều mặc áo lam, đắp y vàng và không còn mái tóc đen dài giống tôi với mẹ. Ký ức đó không khác một chuyến đi chơi vào kỳ nghỉ như bao đứa trẻ đồng trang lứa, nhưng trong tâm thức của tôi đã bắt đầu xuất hiện hình bóng người tu thật hiền hòa, nhẹ nhàng, thanh thoát.
Vào một chiều trời mưa tầm tã, đi học về trên con đường bùn lầy trơn trợt, dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi vẫn không tránh khỏi bị trượt té giữa đường. Cánh tay nhỏ nhắn rướm máu và chiếc áo trắng bị rách một đường dài. Một phần sợ mẹ la, phần là vì mấy ngày đó, nhà tôi thu hoạch lúa, ba mẹ đi ruộng cả ngày tới tối mới về nên tôi không dám nói.
Khi mẹ phát hiện ra áo tôi rách, dù bận rộn, dù mệt mỏi nhưng mẹ vẫn âm thầm chông ngọn đèn nhỏ vá áo cho tôi. Hình ảnh người mẹ cặm cụi vá áo cho con lúc trời gần giữa đêm làm tôi không kiềm được nước mắt. Tôi chạy lại ôm chầm lấy mẹ và nói lời xin lỗi. Mẹ tôi chẳng những không trách mắng mà còn âu yếm vuốt đầu tôi.
Từ nhỏ, tôi đã gần gũi và thân thiết với mẹ nên tình cảm dành cho mẹ cũng nhiều hơn. Mẹ lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, mua từng chiếc áo quần, giày dép. Mẹ luôn chuẩn bị mọi thứ tốt đẹp nhất cho anh em tôi được cắp sách đến trường một cách vô lo vô nghĩ.
Vào những năm học cấp hai, một lần đi học về, tôi vô tình thấy mẹ vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa cầm quyển sách nhỏ đọc thì thầm. Lúc ấy gia đình khó khăn, vì mong muốn anh em tôi được học hành đàng hoàng, đến nơi đến chốn, mẹ đã phát nguyện ăn chay trường và học thuộc kinh Phổ Môn.
Cả nhà chỉ có một mình mẹ ăn chay nên bữa ăn của mẹ rất đơn giản, đạm bạc, chỉ là rau, dưa chấm với chao hay nước tương nhưng chưa khi nào tôi nghe mẹ than vãn một lời. Đến năm tôi học 12, vì áp lực bài vở cuối cấp, rồi thi vào đại học và cũng một phần thấy mẹ ăn chay có một mình quá thanh đạm nên tôi đã phát nguyện ăn chay.
Từ khi có tôi cùng ăn, mẹ tôi nấu bữa chay trọn vẹn hơn để tôi có đầy đủ dinh dưỡng, sức khỏe học hành, thi cử. Tấm lòng thương con vô bờ bến của mẹ thật không gì có thể đo lường được. Mẹ luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho các con, không bao giờ nghĩ đến bản thân mình.
Dù mẹ phải nấu ăn mặn cho cả nhà, anh em tôi đều biết mẹ không bao giờ mua cá hay thịt sống. Một lần đi chợ với mẹ, tôi vô cùng ngạc nhiên khi mẹ lại quầy bán cá còn vung vẩy trong thau, tôi hỏi: “Sao hôm nay mẹ lại mua cá sống?” Mẹ tôi đáp nhẹ nhàng rằng: “Mẹ thấy mấy con cá này còn khỏe mạnh nên mua về thả chứ không phải để ăn. Con cá cũng có mạng sống, ta nên thả chúng được tự do.”
Không nhớ bắt đầu từ khi nào, tôi đã nghe tiếng mẹ tụng kinh mỗi buổi sáng. Mẹ tôi thức dậy rất sớm, thường khoảng bốn giờ, hôm nào nhiều việc hay mệt mỏi sẽ trễ hơn một chút nhưng cũng tầm bốn giờ rưỡi. Mẹ hình thành thói quen dậy sớm để lạy Phật và tụng kinh, sau đó mới bắt đầu làm việc nhà. Điều tôi ngạc nhiên hơn cả là khi thấy mẹ tôi trì Lăng Nghiêm, tụng kinh Di Đà, kinh Phổ Môn không nhìn vào bản giấy nào. Tôi thật sự nể phục mẹ. Một người nội trợ khi ấy đã gần 50 tuổi, hàng ngày lo làm vườn, việc nhà, con cái, vậy mà mẹ tôi có thể thuộc được một bài chú dài, khó đọc, khó nhớ: “Nam mô tát đát tha tô già đa da a ra ha đế…”.
Có thể nói, tâm thức trẻ thơ hồn nhiên của tôi được mẹ chăm bón, tưới tẩm bằng những lời kinh, tiếng kệ và những điều thiện lành, đấy cũng là nền tảng cho sự xuất gia của tôi sau này.
Mẹ - bến đỗ bình yên |
Khi rời nhà lên Sài Gòn học, sống xa nhà, xa mẹ, tôi phải tự lập mọi thứ. Bấy giờ, tôi mới cảm nhận được ở gần mẹ hạnh phúc, sung sướng biết nhường nào.
Mẹ tôi, một người phụ nữ chịu thương, chịu khó từ việc ngoài vườn, ngoài ruộng, đến những bữa ăn ngon, quần áo ấm cho cả gia đình. Đôi tay mẹ giờ đã gân guốc và đầy vết chai sạn nhưng vẫn tiếp tục phụ giúp các con, lo cho các cháu để các con có thể yên tâm đi làm.
Lúc con cái lầm lỗi, sa ngã, mẹ vẫn luôn động viên, an ủi, âm thầm tìm phương cách giúp đỡ chứ không bỏ mặt. Tôi vẫn nhớ mãi lời mẹ nói: “Con mẹ sanh ra, dù có lầm đường lạc lối như thế nào, cũng vẫn là con của mẹ, dù thế gian này ai ai cũng quay lưng với con, mẹ cũng luôn hướng về con.”
Khi nghe bài hát Ước mơ của mẹ, tôi tự trách bản thân vì chưa từng quan tâm hay hỏi han về mong ước của mẹ. Tôi chợt nhớ đến ý định đi tu khi mẹ còn trẻ. Ai cũng có ước mơ của riêng mình nhưng vì trách nhiệm làm mẹ thiêng liêng nên ước mơ ấy rơi vào quên lãng. Nhưng có lẽ bây giờ, ước mơ của mẹ đã dành hết cho chúng tôi. Chỉ cần nhìn thấy các con, các cháu khôn lớn, trưởng thành, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc là mẹ đã thấy an lòng.
Với vai trò người vợ, người mẹ tảo tần sớm hôm, nhưng hạt giống bồ-đề trong mẹ không hề phai nhạt. Mẹ là một Phật tử thuần thành, luôn có niềm tin vững vàng vào Tam bảo. Mỗi ngày dù bận rộn đến đâu mẹ vẫn không quên thời khóa của mình. Nếu không có thời gian ngồi yên trước bàn Phật, mẹ vẫn có thể niệm Phật, trì chú hay nghe pháp trong lúc đang làm việc.
Mãi sau này, khi tôi xuất gia, việc đầu tiên là phải học thuộc lòng hai thời công phu, tôi mới cảm nhận được sự quen thuộc trong lời kinh chú vì đã từng nghe tiếng mẹ trì tụng mỗi sáng. Sự tinh tấn của mẹ như một động lực thôi thúc tôi cố gắng nỗ lực nhiều hơn trong tu tập và tôi cảm thấy thật hổ thẹn mỗi khi giải đãi các thời khóa ở chùa.
Hình ảnh thân thương, quen thuộc của mẹ luôn hiện diện trong tâm trí tôi. Người luôn đồng hành cùng tôi trong suốt cuộc hành trình trưởng thành, với những vui buồn, khó khăn và đặc biệt hơn hết, mẹ là người đã ủng hộ cho quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Nhìn gương mặt mẹ với nụ cười hoan hỷ, nhưng sâu trong tâm khảm, tôi vẫn biết mẹ buồn vì không còn được gần gũi đứa con gái duy nhất của mình nữa.
Giờ đây, dù bận rộn với thời khóa tu tập và việc học, tôi vẫn không quên gọi điện thoại để chia sẻ với mẹ những bài kinh ý nghĩa, hay bất kỳ điều gì tâm đắc tôi được học từ những bậc giáo thọ. Và mẹ tôi cũng vậy, nghe được một bài pháp thoại hay, mẹ đều kể cho tôi. Dù không kề cận sớm hôm để chăm sóc, báo hiếu mẹ lúc tuổi về già, nhưng tôi luôn hướng tâm về mẹ, luôn dành thời gian chia sẻ, tưới tẩm, nuôi dưỡng những hạt giống bình an về tinh thần để mỗi ngày mẹ tôi cảm thấy an lạc, hạnh phúc.
Vài dòng ngắn ngủi sao có thể nói hết sự vĩ đại và tấm lòng thương con vô bờ bến của mẹ. Và tôi biết, không chỉ mẹ tôi, ngoài kia cũng có vô số những người mẹ đã và đang hy sinh tuổi trẻ, sức khỏe, sự tự do của bản thân cho những đứa con thân yêu của mình. Tôi lựa chọn xuất gia khi đã chính chắn về nhận thức và hoàn toàn tự nguyện theo lý tưởng riêng của mình nhưng không thể thiếu đó là sự ủng hộ tinh thần của mẹ. Thật hạnh phúc khi giờ đây tôi vẫn còn bến đỗ bình yên của đời mình, đó là mẹ. Tôi sẽ viết tiếp ước mơ của mẹ, đồng hành cùng mẹ như một người bạn đạo, một thiện tri thức, cùng tinh tấn, nhắc nhở nhau trên con đường tu học giải thoát.