Tâm thành hướng về Phật đản

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mùa Phật đản lại về trong lúc dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng, nhưng với tất cả lòng tôn kính, người Phật tử trẻ vẫn có cách “mừng sinh nhật” Đức Phật theo cách riêng.

Lễ đài nhỏ lòng thành lớn

“Do dịch bệnh không thể tập trung đông người, mình thiết trí lễ đài tại gia để mừng ngày sinh nhật Đức Phật. Được nhìn ngắm lễ đài Phật đản, mình vui, cả gia đình cũng vui và thấy bình an lắm”, đó là chia sẻ đầy tự hào của chị Phan Thị Ngọc Ánh (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) về việc thiết trí lễ đài tại tư gia của chị.

Theo lời chị Ánh, đây là năm thứ hai gia đình chị thiết trí lễ đài mừng Phật đản: lần đầu tiên là vào năm ngoái, khi dịch Covid-19 mới bùng phát và rồi Phật đản năm nay, gia đình chị cũng tiếp tục thực hiện công việc đó. Chị Ánh cho biết mọi khâu chuẩn bị cho Phật đản tại nhà chị rất đơn giản, nhẹ nhàng, chỉ có tấm lòng là to lớn hơn cả. “Gia đình mình thỉnh một tôn tượng Đức Phật đản sanh ở chùa về, sau đó mua thêm lồng đèn, thiết trí băng-rôn kính mừng Phật đản và hoa cúng dường Phật. Mỗi người trong nhà góp một tay cùng thiết trí, vậy là có một lễ đài trang nghiêm”, chị Ánh hào hứng chia sẻ.

Lễ đài của gia đình chị Ngọc Ánh (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk)

Lễ đài của gia đình chị Ngọc Ánh (xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk)

Lễ đài Phật đản được gia đình chị Ánh thiết trí và hoàn thiện rất sớm, ngay từ ngày cuối tháng 3 âm lịch. Nguyên do là bởi nhà chị nằm ở khu kinh doanh, bà con qua lại đông đúc, ai đi ngang qua thấy lễ đài là biết gần đến ngày Phật đản. Khi lễ đài hoàn tất, nhiều người ghé lại đã gửi đến chị lời chúc mừng Phật đản an vui.

Từ khi làm xong lễ đài, ngày nào gia đình chị Ánh cũng có nhiều điều bất ngờ khi một số em nhỏ Phật tử người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, trước khi đi học lại ghé qua lễ Phật, rồi bà con quanh xóm cũng đến đảnh lễ tôn tượng Đức Phật sơ sinh. “Mình cảm thấy rất hạnh phúc khi có ai đi ngang qua ghé vô hỏi về lễ đài Phật đản. Đây cũng là dịp để mình giới thiệu về ‘con đường vui’ mà cả nhà mình đang thực tập. Mình nghĩ việc thiết trí tôn tượng Phật đản sanh trước ngôi nhà của mình cũng là một cách gieo duyên, để mọi người biết đến con đường mà Đức Phật đã tìm ra. Trên hết, mừng sinh nhật của Ngài cũng là một trong những cách mình thể hiện tình thương, niềm tự hào, hãnh diện thông báo trước mọi người mình là đệ tử Phật”, đó là những cảm xúc tươi vui mới lại mà chị Ánh cảm nhận rõ nét trong những ngày tháng Tư về, bên cạnh niềm an lạc đến từ việc công phu, lễ Phật được chị thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Thực hành những việc thiện

Năm nay, mùa Phật đản về cũng đúng lúc bạn Huyền Trang, 26 tuổi (quận Tân Phú, TP.HCM), vừa sinh em bé được hơn mười ngày. Vì đang ở cữ, không thể đến chùa tham gia lễ tắm Phật, ông xã Huyền Trang đã thiết trí cho bạn một lễ đài Phật đản nhỏ tại gia và đưa ra đề nghị mỗi ngày dành ít nhất 30 phút để cùng bạn thực hiện một thời kinh cầu an.

Với Huyền Trang, đó là những điều làm bạn bất ngờ và hạnh phúc nhất trong mùa Phật đản năm nay. “Ông xã nhà mình trước đây không thiết tha đến chùa, đây cũng là lần đầu tiên anh làm lễ đài Phật đản, ăn chay cùng vợ”, Huyền Trang cho biết.

“Trước đây, mỗi khi mình đi nhậu về khuya, vợ chờ cửa, không cằn nhằn mà còn chăm rất kỹ. Có lần mình hỏi vợ, sao em nhẫn nhịn giỏi thế, vợ nói nhẹ nhàng một câu mà mình nhớ mãi: ‘Phật dạy như thế’. Đến lúc vợ một mình vào phòng sanh, vượt cạn hiểm nguy, mình đã niệm Phật rất nhiều khi ngồi bên ngoài chờ đợi. Mái ấm hôm nay của mình có được cũng là nhờ giáo lý của Đức Phật và lòng từ bi của Ngài”. Đó cũng là lý do mà ngày Phật đản sanh năm nay, ông xã của Trang muốn thực hiện theo lời Phật, để cùng vợ nuôi dạy con hướng thiện.

Phật tử Huyền Trang

Phật tử Huyền Trang

Giống như vợ chồng Huyền Trang, bạn Ngọc Hiền (quận 10, TP.HCM) cũng muốn chào mừng ngày sinh nhật của Đức Bổn Sư bằng những việc hướng thiện. Hiền chia sẻ: “Trước khi làm việc gì, mình cũng luôn nhớ bản thân là đệ tử Đức Phật. Từ khi biết có thai, mình đã thai giáo cho con bằng cách tụng kinh, nghe nhạc thiền mỗi đêm, trò chuyện với con bằng lời nói yêu thương, nhờ vậy mà hai mẹ con rất tương thông với nhau. Việc tưởng nhớ Phật và niệm danh hiệu Phật được nhà mình thực hiện hàng ngày”.

Tuần lễ Phật đản năm nay, dù rất muốn đến chùa tham gia lễ Tắm Phật, nhưng do dịch bệnh phức tạp không thể tập trung đông người, Hiền và ông xã đã có kế hoạch khác. “Khi chùa thực hiện nghi thức lễ Tắm Phật online, cả nhà sẽ mở chương trình cùng xem và cho con cùng nghe”, Hiền cho biết.

Ngoài việc dành những phần quà chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng Ngọc Hiền cũng chú ý hơn trong việc tu dưỡng, thực tập ngũ giới trong đời sống hàng ngày, gieo duyên cho con sống thiện. Buổi sáng hai vợ chồng thay phiên nhau bồng con ra hiên nhà, vừa cho thức ăn những chú chim, vừa nói cho con biết chim mẹ đang chăm chỉ tìm thức ăn về cho con của chúng nhằm gieo vào tiềm thức bé những hạt giống thiện. Tối đến, hai bạn lại niệm Phật hoặc đọc mẩu chuyện, thơ Phật giáo ru con ngủ. Trong việc nuôi dạy con cái cũng như xây dựng đời sống hàng ngày, Ngọc Hiền cho biết vợ chồng mình có sự tương đồng về quan điểm rất lớn: “Nuôi dạy con hướng đến những điều lành, để con sống tốt sau này là việc mà Phật tử nên làm và là cách thiết thực nhất áp dụng giáo lý của Đức Phật vào cuộc sống. Sống hướng thiện bằng cả trái tim đầy yêu thương, đó là điều tự hào khi làm đệ tử Đức Phật”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày