Tết của tôi: Hương tết quê làm sao tôi quên được

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tết của tôi là rộn ràng đường về, nghe người quê hỏi “Cháu về được lâu không?”, cùng bao ký ức dễ thương khó phôi phai…

Quê tôi chuẩn bị sang xuân

Còn ít ngày nữa là bước sang năm mới. Mùa xuân, gió xuân nhè nhẹ thổi vào không gian làm cho nhà nào nhà nấy quê tôi tươi đẹp hẳn lên.

Như khoác lên mình chiếc áo mới của xã nông thôn kiểu mẫu, quê tôi đẹp rạng ngời chuẩn bị đón mùa xuân trong cuộc sống ấm no. Nhà cao tầng mọc lên thay cho những ngôi nhà xưa thấm bụi thời gian trông như một thị trấn nhỏ. Đường làng láng xi măng phẳng lì sạch đẹp sánh cùng hai hàng hoa đủ màu sắc đang rung rinh khoe sắc đón xuân, càng tô thêm vẻ đẹp kiêu sa ở làng quê chan chứa tình làng, nghĩa xóm đến khiêm nhường!

Cánh đồng hoa tết - Ảnh minh họa

Cánh đồng hoa tết - Ảnh minh họa

Đồng hoa đang thu hoạch bán tết càng nhộn nhịp hơn cho quê tôi vào mùa bội thu qua bao ngày vất vả. Những vườn hoa cúc đủ màu bung nở. Thương lái đang xếp những chậu hoa lên xe mang về nơi thị thành kịp phục vụ tết. Đó đây, vang lên tràng cười vui tươi giòn tan hòa trong cái không gian tưng bừng, hối hả.

Thức quà quê còn mãi

Tết quê tôi không thể thiếu bánh chưng xanh. Bánh chưng xanh là thức quà quê ngày Tết với mâm ngũ quả. Bánh được làm từ gạo nếp cái hoa vàng. Loại gạo hạt to, tròn, trắng tinh được trồng trong vụ mùa cho đến khi thu hoạch rồi giã bằng cái chày gỗ thủ công của người làng quê nông thôn miền Bắc trong cái cối đá.

Gạo giã xong được sàng sảy kĩ cất vào chĩnh sành, nút thật chặt lại kẻo gạo bốc hơi mất cái mùi thơm của “hương đồng nội”. Sau đó sẽ được ngâm vào cái chậu đồng to một đêm của ngày áp tết đến khi nào lấy ngón tay cái và ngón trỏ vò vài hạt thấy mềm gạo thì vớt ra.

Gạo được đựng vào cái rá tre to đợi cho ráo nước thì gói bánh. Hương thơm từ gạo thoảng lên cánh mũi một hương vị nồng nàn của thiên nhiên lẫn chất tinh khiết chứa trong nỗi vất vả của người nông dân quê tôi. Còn cách xa tới gần chục mét mới nhìn thấy rá gạo mà đã ngửi thấy mùi thơm ấy rồi.

Đậu xanh xay vỡ tách đôi, ngâm tách vỏ ngoài bỏ đi lấy lại cái hạt vàng nghệ để làm nhân bánh... Mới nghe thôi đã thấy hương vị Tết lan toả đâu đây. Thoạt nhìn vào cứ ngỡ đêm giao thừa sắp đến gần.

Lá dong xanh được rửa sạch, lau khô, cắt đầu đuôi cho vừa tầm để gói đựng trong cái mẹt đan bằng tre. Khuôn bánh hình vuông làm bằng gỗ lát hoa khoảng độ gang tay người lớn, cao tầm 10 phân, lạt giang chẻ nhỏ ngâm nước cho mềm để dễ buộc được bó túm lại hai đầu đã sẵn sàng.

Khâu nấu bánh làm sao canh chừng để củi lửa, nước lúc nào cũng vừa vặn. Mùi thơm của bánh bốc lên từ nồi bánh lan tỏa khắp gian bếp sao xốn xang hương vị quê chứa chất thấm vào lòng tôi.

Xuân về

Không khí giao thừa xốn xang bốn bề. Đêm ba mươi tết, thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới gợi niềm vui đoàn tụ. Tôi cứ liếc nhìn lên bàn thờ thương nhớ mẹ tôi giờ không biết đã về ăn tết cùng con cháu hay vẫn còn đang giấu mình trong lòng đất mênh mang.

Mùi hương trầm thơm thoảng bay cuốn nhẹ trong nhà quện với mâm cỗ Tết. Đĩa bánh chưng xanh dẻo thơm, nóng hổi khói bay lẫn với nhang trầm sà vào cành đào đang chuẩn bị nở hoa đón xuân sang.

Đêm giao thừa, nhà nào, nhà nấy vui vẻ hẳn lên. Lòng tôi rạo rực trong bầu không khí đón tết quê nhà. Bầu trời sáng rực lên. Phía xa đằng đông pháo hoa tung lên trời đẹp chưa từng thấy. Giọng hát rộn rịp mang hương sắc mùa xuân gõ cửa mọi nhà: “ Tết … tết…tết … tết đến rồi!”, “Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó!”. “Mùa xuân! Một mùa xuân nho nhỏ/ lặng lẽ dâng cho đời..”… làm cho đêm giao thừa cái gì cũng mang sức sống mới, một cuộc sống ấm no ấy in hằn trong tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày