Tết của tôi: Tết về, nhớ "người bạn" của nhà nông

Chăn trâu trên đồng. Ảnh minh họa
Chăn trâu trên đồng. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Quay ngược thời gian, khoảng 20 năm về trước, tôi vẫn còn nghe đâu đây ngai ngái mùi bùn của đồng ruộng trộn lẫn với mùi nếp nương. Làng tôi thuần nông, chiêm trũng, quanh năm với hai vụ lúa và một vụ mùa, lực điền quan trọng nhất không ai khác chính là trâu. Nhưng trâu không phải nhà ai cũng có, vậy nên trâu còn đi cày thuê, làm quần quật cả một năm ròng rã.

Tôi nhớ như in rằng, sau ngày tết ông Công ông Táo, ba tôi thường không đưa trâu đi cày nữa, trâu được tự do nghỉ ngơi đến qua Tết, vui bầy đàn với trâu hàng xóm. Tôi được giao nhiệm vụ tìm chỗ cỏ tươi non nhất trên dãy bờ cắt về trâu ăn tết, ít nhất phải đủ dự trữ trong ba ngày.

Ngày ba mươi Tết, sau khi chuẩn bị Tết cho nhà cửa xong xuôi, là lúc ba tôi đi tắm cho trâu. Trâu quen đằm bùn, lớp bùn khô rồi kết lại dày cộp. Tắm cho trâu ba chọn bờ nước trong nhất rồi múc từng gầu một, bóc từng lớp bùn, vỗ vào từng thớ cơ bắp cuồn cuộn của trâu, lau đôi sừng…

Ba nói cả năm trời, trâu gò lừng kéo cày, xới từng thớ đất thô cứng, thì Tết cũng phải được sạch sẽ, được nghỉ ngơi.

Trong khi ba dẫn trâu đi tắm thì ở nhà, má tôi là người phụ trách dọn cho trâu. Lần dọn này khác với các lần dọn trước, đó không chỉ là dọn sạch chất thải, mùi ra khỏi chuồng mà còn như dọn nhà cho trâu đón Tết. Chuồng trâu ngày xưa khá to, đến mùa đông được quây bạt kín để đỡ gió lạnh. Khi dọn hết chất thải, má tôi mang một ít rơm vào đốt nền để xua mùi và tăng nhiệt. Kể ra trâu cũng lạ, cỏ hay rơm trâu chẳng bao giờ chê, miễn là có để ăn.

Trâu tắm xong, tôi được giao nhiệm vụ dắt về, ba tôi đi sau cùng với hai bên quang gánh đầy ụ cỏ non, chỗ cỏ đó được má tôi chia đều trong mấy ngày tết. Tuy vậy, ngày đầu tiên của năm mới, tôi vẫn là người sẽ dắt trâu ra đồng để ăn bữa cỏ tự nhiên, có thể buổi sáng hoặc chiều nhưng nhất định phải dắt trâu đi trong chốc lát.

Tôi thường hỏi ba tôi, tại sao phải dắt trâu ra đồng ăn cỏ vào ngày mồng Một trong khi cỏ dự trữ vẫn còn. Ba tôi bảo rằng, mồng Một là sự khởi đầu của một năm, vạn vật giao hòa, cỏ cây tươi tốt, cần phải để trâu được ăn cỏ tự nhiên trên cánh đồng, dù ít hay nhiều - đó là Tết của trâu.

Thời gian trôi đi, đất nông nghiệp dần thu hẹp lại, nhà máy, khu công nghiệp mọc lên khắp nơi làm cho trâu thất nghiệp. Chỗ đất nông nghiệp eo nhỏ còn lại bị máy cày chiếm mất. Trâu trong làng lưa thưa dần, rồi mất hẳn. Tết thả trâu để trâu thung thăng gặm cỏ, đám trẻ chăn trâu cùng nhau đùa nghịch trên đồng đã chìm vào miền ký ức.

Ngày ba má tôi phải bán trâu, tôi thấy trên khóe mắt ba căng mọng, đỏ lừ, có lẽ để xa một người bạn dãi nắng, dầm mưa gần mấy mươi năm là điều vô cùng khó khăn.

Mỗi năm, tháng Chạp về, tôi không còn được ba sai đi cắt cỏ cho trâu ăn Tết, má ngồi tần ngần nhìn về phía nền chuồng trâu cũ năm nào giờ đã là một ngôi nhà bê-tông khác. Hình ảnh của trâu giờ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp.

Năm nay, theo mười hai con giáp, đến lượt trâu “cầm trịch”. Trâu khỏe mạnh, chịu thương, chịu khó trên ruộng đồng để giúp người nông dân cày bừa, có được vụ mùa bội thu. Tôi luôn trân quý “người bạn” một thuở của những gia đình thuần nông cũng như luôn trân quý hình ảnh người nông dân một nắng, hai sương mà vẫn phải đối mặt với nhiều những gập ghềnh trong cuộc mưu sinh…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày