GNO - “Đừng mua gì cả, có con về là mẹ có Tết” - đó là lời mẹ tôi nói với tôi vào ngày 25 tháng chạp, khi tôi điện thoại về hỏi mẹ, Tết này mẹ muốn mua gì, hãy nói con mua.
Khoảng khắc bình yên khi trở về nhà, cùng mẹ lau tượng đón Tết
Ra riêng với hai bàn tay trắng, cái nghèo đeo bám, mẹ tôi chỉ mong mái nhà ngói mà ông bà để lại không bị dột, có đủ cơm ăn áo mặc, đủ tiền đóng học phí cho chị em chúng tôi. Cuộc sống gia đình hiếm khi nào sung túc, trọn mùa Tết mâm cơm chỉ có hai món đặc trưng thịt kho hột vịt và canh khổ qua trị giá chưa đến 300 ngàn. Mứt Tết để cúng ông bà tổ tiên và tiếp khách cũng chỉ có hai loại, một là chuối phơi khô, hai là mứt dừa.
Năm tôi 18 tuổi, có một lần, đi chợ Tết với mẹ, để ý mẹ ngó sạp áo quần, rồi mẹ lặng lẽ đi. Ngày đó tôi nói với lòng, sau này đi làm có tiền, Tết nhất định sẽ mua đồ thiệt nhiều cho mẹ, để mẹ tận hưởng cuộc sống.
Và năm nay là cái Tết đầu tiên tôi làm ra tiền, nên muốn mua gì đó, cho gia đình mình ăn Tết đủ đầy, mua đồ mới cho mẹ đón Tết tinh tươm. Khi tôi khoe với mẹ: “Ông chủ thấy con làm siêng năng, nên cho con lương tháng 13, dù con làm mới 6 tháng. Cộng tiền thưởng, con được hơn mười triệu. Con đem về cho mẹ hết. Nhà mình ăn Tết sung túc một năm nha mẹ”. Nhưng mẹ liền chặn lại: “Vui quá vậy. Vậy con gửi tài khoản 7 triệu, để dành. Con xài Tết 3 triệu thôi, không cần mua gì cho nhà cả, mẹ mua đủ hết rồi. Tết mẹ cần con 29 Tết có mặt ở nhà, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa, rồi cả gia đình cùng ăn cơm với nhau. Con mua gì về phí phạm tiền bạc là mẹ giận”. Lời mẹ nhắc càng khiến tôi thương mẹ hơn và chỉ muốn vừa kết thúc công việc là ra bến xe thật nhanh, để về quê ngay.
Sáng 28 tháng chạp, chú chạy xe ôm vừa chở đến trước nhà, đang chùi lư hương, mẹ ngừng tay ngay và liền chạy ra hỏi, về sao không điện thoại trước để ba ra bến xe đón, rồi giành trả tiền xe. Thấy giỏ bánh mứt, mẹ liền la “biểu không mua gì mà mua chi vậy”. Mẹ nói vậy thôi nhưng từ ánh mắt của mẹ, tôi thấy được mẹ đang rất vui. Và cũng từ ánh mắt hạnh phúc của mẹ, tôi đã thấy xuân về.
Ngồi cùng mẹ lau sạch bàn thờ ông bà, lau từng bức tượng Phật Tam thánh, rửa sạch từng cái ly cúng nước, tay làm nhưng hai mẹ con nói chuyện không ngớt. Mẹ nói bù cho cả tuần không dám điện thoại nói chuyện, vì sợ phiền, sợ ảnh hưởng đến công việc mà tôi đang tập trung cho mùa Tết.
Mẹ tíu tít kể chuyện bắt ba phụ mẹ làm mứt dừa, làm mứt chuối, mứt gừng; rồi đi đặt nếp, đặt bột, mua đậu xanh, rọc lá chuối, chẻ dây chuối đem phơi để gói bánh tét với bánh ít. Mẹ khoe, năm nay không phải chi mỗi tháng tiền cho tôi đi học, nên Tết năm nay được thong thả, ăn Tết lớn hơn mọi năm một chút.
Mẹ nói “Tết lớn” là vậy, nhưng khi chở mẹ ra chợ, tôi nói muốn mua cho cả nhà đồ mới, mẹ chỉ chọn mua duy nhất một bộ. Tôi hỏi “một bộ sao đủ”, mẹ cười hiền bảo: “Ừ, vậy thôi đủ rồi chứ đòi gì nữa. Nhiêu đó đủ rồi, đừng phí phạm”. Khi chị bán đồ bảo, “được con mua cho, thấy tấm lòng là vui rồi. Nuôi con khôn lớn, chỉ cần vậy thôi. Con nghĩ đến là món quà lớn nhất rồi”. Mẹ nghe nói, tâm đắc, cười hoan hỷ. Con nhìn mẹ hạnh phúc, lòng cũng nở hoa.
12 giờ trưa, nắng gắt cứ hắt vào người, nhưng trong lòng tôi thì mát rượi, dâng tràn hạnh phúc. Con đường đi với mẹ, cùng mẹ chở Tết về nhà có lẽ là vui nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời.
Bài, ảnh: Diệu Ngọc