Phạm Thị Hồng Thu là giáo viên đã nghỉ hưu, hiện sống tại Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Trước đó, chị đã từng xuất bản nhiều tác phẩm thơ, như: Về miền nhớ, Sắc chiều, Trái tim thì thầm. Ở tập thơ mới mang tên Truyện cổ nước Việt (NXB Phụ Nữ Việt Nam) dày 228 trang này, Phạm Thị Hồng Thu “trình làng ”54 tác phẩm” chủ yếu là thơ lục bát.
Tuyển tập thi phẩm Truyện cổ nước Việt mang lối kể truyện mộc mạc, chân phương như ca dao tục ngữ. Kể chuyện bằng thơ, Phạm Thị Hồng Thu chuyển thể gần như nguyên vẹn các chi tiết trong kho tàng văn học dân gian được người xưa truyền lại, sang thơ lục bát giúp cho độc giả ở độ tuổi thiếu nhi dễ đọc, dễ thuộc lòng. Người lớn đọc cũng sẽ thấy thuận tai.
Trong thi phẩm “Thần Trụ Trời”, tác giả mở đầu mộc mạc:
“Thuở xưa tăm tối vô ngần
Muôn loài chưa có, bỗng Thần hiện lên”.
Miêu tả sức khỏe và những hành động phi thường của Thần Trụ Trời, tác giả sử dụng thủ pháp biến hiện, tạo nên những hình ảnh đẹp khác lạ. Tác giả niêm yết màu xanh vào đồng hóa chân thần với núi, khiến ta liên tưởng đến đôi chân của thần vô cùng đồ sộ và vĩ đại:
“Mỗi chân một núi xanh rì
Vươn vai đứng dậy, uy nghi đội trời.
Đàokhuânđấtđákhông ngơi
Đắp nêncột vững, chống trời ngất cao”.
Ở thi phẩm “Con Rồng cháu Tiên”, kể chuyện “Lạc Long Quân” chiến thắng các loài yêu tinh, lập nên bờ cõi yên bình, Ngài còn tiếp tục công cuộc dựng nước bằng những hành động yên dân, khuyến nông:
“Dạy trồng lúa, sống ấm no
Dân ơn, dân quý dựng cho lâu đài”.
Kể về hành trình chia ly giữa Rồng và Tiên, cũng là sự “hy sinh” hạnh phúc cá nhân để mở mang bờ cõi, bảo vệ rừng vàng và biển bạc, dựng nước và giữ nước lâu bền.
“Năm mươi con ở rừng sâu,
Năm mươi theo sóng bạc đầu biển khơi
Chia nhau cai quản muôn nơi,
Dựng xây gìn giữ đời đời nước non”.
Với thi phẩm “Bánh chưng, bánh dày”, tác giả tái tạo ngày hội tưng bừng rực rỡ:
“Phong Châu mở hội sớm mai
Trống chiêng cờ quạt rộn tai vang lừng
Bà con thôn bản khắp vùng,
Kéo về đông nghịt tưng bừng hân hoan”.
Sự kết tinh của hồn vía đất đai, sức lao động của con người, tình đoàn kết xóm làng, tính cố kết cộng đồng dân tộc được kết tụ thành chiếc bánh chưng thảo thơm hương vị:
“Thơm lừng mĩ vị cỏ cây,
Muôn loài đùm bọc sum vầy bền lâu”.
Không chỉ kể chuyện, trong nhiều thi phẩm, Phạm Thị Hồng Thu có thêm những câu luận, từ đó làm sáng tỏ những hành động, ngợi ca những tâm hồn cao thượng, đẹp đẽ của người xưa.
Như:
“Phong tục đẹp có từ đây
Nhận duyên chồng vợ sum vầy bên nhau
Trầu là vợ, chồng là cau
Em là vôi – đá muôn sau vẫn nồng”
(Sự tích trầu cau)
Ta cảm nhận trong tuyển tập của Phạm Thị Hồng Thu chất sử thi hào sảng ẩn hiện trong nhiều tác phẩm: Thánh Gióng; Mỵ Châu - Trọng Thủy; Huyền Quang; Sự tích thành Lồi; Khổng Lồ đúc chuông; Trạng Hiền; Em bé thông minh; Người thiếu phụ ở Nam Xương; Từ Thức…
Trong nền văn học nước ta, đại thi hào Nguyễn Du từng chuyển thể một tác phẩm văn xuôi thành thơ. Tuy nhiên, khác với truyện gốc “Đoạn trường tân thanh”, cụ Nguyễn Du viết “Truyện Kiều” là cả một quá trình sáng tạo thực sự, từ từng chi tiết đến ngôn ngữ. Đại thi hào của nước Việt đã sáng tác muôn vàn chi tiết mới, rất nhiều chi tiết “đắt giá” tạo nên cốt cách đặc biệt thuộc hàng “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, khiến cho câu truyện về cuộc đời Thúy Kiều được nâng tầm thành danh tác bất hủ. Không chỉ vậy, với ngôn ngữ đầy chất bác học, sử liệu uyên thâm, Nguyễn Du đã mài dũa cho mỗi câu thơ trở thành những viên ngọc sáng ngời, muôn hồng nghìn tía.
Khi đọc tập truyện thơ “Truyện cổ nước Việt” của Phạm Thị Hồng Thu, nhận thấy tác giả có lẽ vì muốn “trung thành” với nguyên tác văn xuôi, nên hầu như không sáng tác ra những chi tiết mới ở trong mỗi câu truyện kể. Tuy vậy, ta đã bắt gặp trong đó rất nhiều câu thơ lấp lánh, thực sự đã thoát được ra khỏi lối kể chuyện thuần túy, đã thi hóa trong không gian ước lệ, tượng trưng, trừu tượng… để thành những vần thơ đẹp:
“Năm mươi con ở rừng sâu
Năm mươi theo sóng bạc đầu biển khơi”.
(Con rồng cháu Tiên)
“Anh vượt bao núi bao đèo
Sông sâu bên đá buồn đeo nặng người”.
(Sự tích trầu cau)
“Phật nhìn thấy đã hóa thân
Bồ đề cổ tự bỗng ngân chuông chiều”.
(Sự tích ông bình vôi)
“Khổng Lồ lên núi ném chuông
Hồ Tây sóng lặn tiếng buông khắp làng”
(Khổng Lồ đúc chuông)
“Em bưng nghiên mực cao lên
Anh cầm bút vẩy mực trên nền trời”
(Sự tích Đầm mực)
Tuy mỗi tác phẩm chỉ là những bài thơ với độ dài từ 20 đến 80 câu thơ, nhưng toàn bộ tập truyện với 54 tác phẩm, tổng số ngót 5 nghìn câu thơ lục bát, cho thấy độ dài không kém Truyện Kiều. Điều đáng ghi nhận, tác giả Phạm Thị Hồng Thu đã cố gắng tiếp cận những thủ pháp thơ của tiền nhân, đã có được một chút hơi hướng văn phong bác học của Nguyễn Du - tuy còn xa mới đạt được tầm của đại thi hào dân tộc. Cùng với đó là chất sử thi hào sảng và lồng lộng trong mỗi con chữ, đã nâng chất cho thể loại truyện kể dân gian, vốn mộc mạc như người dân nghìn đời xứ sở Đại Việt. Đó là điều rất đáng ghi nhận trong tác phẩm mới nhất này của nhà thơ Phạm Thị Hồng Thu.