Thiền Phật giáo và hành trình vượt qua sinh tử

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1229 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1229 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Anthony Back, một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, đã đưa ra những suy ngẫm về việc tu tập Phật pháp đã cải thiện khả năng đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua bệnh tật và cái chết.

Là một bác sĩ điều trị ung thư trẻ tuổi, Anthony Back đã tìm đến Phật giáo như một phương pháp thực tế để đối mặt với những nỗi khổ đau và cái chết mà anh gặp phải mỗi ngày. Trong những năm qua, hành trình tu tập của anh đã trở thành sự hỗ trợ thiết yếu cho công việc đồng hành cùng bệnh nhân khi họ vượt qua bệnh tật và sinh tử, đồng thời nó đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của anh về ý nghĩa của việc chăm sóc người khác.

Trong chương trình Life As It Is, Shaheen và Salzberg đã ngồi lại với Back để thảo luận về cách mà anh kết hợp áp dụng Phật giáo vào công việc của mình với tư cách là một bác sĩ, cách anh đối phó với tình trạng cạn kiệt năng lượng cũng như sự chú tâm và tỉnh giác trong khi làm việc.

Bác sĩ Anthony Back

Bác sĩ Anthony Back

Bạn hiện là đồng giám đốc của Trung tâm Chăm sóc giảm nhẹ của Đại học Washington và là giáo sư về ung thư và y học, đồng thời bạn cũng là một Phật tử thực hành về Thiền tông. Lần đầu tiên bạn đến với Phật giáo như thế nào?

- Tôi đến với Phật giáo với ý thức cố gắng sinh tồn. Vì là một bác sĩ trẻ tuổi về căn bệnh ung thư, nên nhiều lần tôi cảm thấy choáng ngợp trước vô số đau khổ và cái chết mà tôi đang phải đối mặt. Tôi nghĩ: “Làm thế nào tôi có thể tạo nên sự nghiệp của mình trong môi trường này? Làm sao tôi có thể tiếp tục làm việc liên tục từ ngày này qua ngày khác?”. Và chính điều đó dẫn tôi đến phương pháp chánh niệm và sau đó là đến Roshi Joan Halifax tại Trung tâm Thiền Upaya.

* Bạn hiện đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ và rất nhiều hoạt động dường như có liên quan trực tiếp đến bệnh tật và cái chết. Việc thực hành Phật giáo đã ảnh hưởng như thế nào đến khả năng thực hiện những cuộc trò chuyện này của bạn?

- Điều mà việc tu tập Phật pháp đã giúp tôi là làm việc với các từ ngữ mà tôi sử dụng hàng ngày. Tất nhiên, có rất nhiều lời dạy về những câu từ nên sử dụng và những từ nào giúp bạn thể hiện sự đồng cảm. Nhưng điều mà quá trình thực hành của tôi đã dạy tôi rằng sự tĩnh lặng của bản thân có thể tạo khoảng trống cho bất kỳ người nào muốn chia sẻ, và đồng hành cùng họ chứ không phớt lờ hay lảng tránh chúng. Hóa ra những khoảng lặng lại là cách giao tiếp sâu sắc hơn bất cứ loại ngôn ngữ nào. Tôi không nghĩ mình sẽ học được điều đó theo cách khác. Môi trường làm việc của tôi không hoàn toàn tĩnh lặng. Vì vậy mà tôi thực sự phải rời khỏi bệnh viện để học cách tĩnh lặng từ trong nội tâm ra ngoài thân hành để có thể ngồi cùng với mọi người.

* Khi đối mặt với đau khổ, chúng ta có thể dễ dàng quay mặt đi hoặc cố gắng tránh né chúng bằng mọi giá. Bạn thấy việc tránh né hoặc chống lại đau khổ này diễn ra như thế nào trong lĩnh vực y tế và bạn đào tạo những học viên của bạn như thế nào để họ có thể nói chuyện một cách cởi mở về những nỗi đau khổ mà bệnh nhân đang đối mặt?

- Trong lĩnh vực y tế, phản ứng thông thường đối với khổ đau là phải làm gì đó để giải quyết nó, và nếu không thể giải quyết ngay thì chúng ta ngay lập tức tìm những phương pháp mới và nghiên cứu nhiều hơn nữa. Điều này cũng tốt, vì nhờ vậy mà các phương pháp y tế ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thể dừng lại để đối diện với những nỗi đau khổ đó, chứng kiến nó và có mặt với bệnh nhân, thì chúng ta thực sự đã bỏ lỡ một điều gì đó.

Thực sự, đó là một cuộc đấu tranh không ngừng để dành thời gian tĩnh lặng giữa những hoạt động bận rộn thường ngày. Bởi vì phương pháp này không có trong giáo trình, không được trả phí, cũng không được giảng dạy chính thức, nên chánh niệm thường bị gắn mác là một kỹ thuật. Dĩ nhiên, điều bạn học được trong nhiều năm tu tập đó là cách mà bạn dấn thân vào mọi việc. Đó không phải là kỹ thuật mà bạn áp dụng vào lúc này, mà đó là cách mà bạn có mặt ngay trong thời điểm hiện tại. Và chánh niệm cũng chính là nền tảng của bạn. Nếu kết hợp cả y tế và tu tập thì khả năng chữa lành sẽ thực sự rất hiệu quả.

* Bạn có nhắc đến cảm giác bất lực khi đối mặt với nỗi đau khổ của bệnh nhân. Việc thực hành thiền của bạn có làm thay đổi nhận thức của bạn về cảm giác này không, và nói rộng hơn, nó có thay đổi sự hiểu biết của bạn về ý nghĩa của việc chăm sóc người khác không?

- Đầu tiên, tôi có thể khẳng định rằng việc thực hành thiền đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của tôi về ý nghĩa của “cảm giác bất lực”. Tôi không còn đặt kỳ vọng rằng tôi sẽ có quyền lực hay khả năng nào đó đối với cơ thể của người khác. Có những diễn biến về mặt sinh học phức tạp đến mức chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết và lường trước được. Trước những tình huống đó, tôi bắt đầu học cách “khiêm tốn” và không kỳ vọng về những điều sẽ xảy ra trong tương lai.

Hơn thế nữa, tôi nhận ra rằng sự chăm sóc của tôi đối với bệnh nhân không chỉ là chăm sóc tình cảm, mà còn là chăm sóc từ sự có mặt của tôi. Đó là sự quan tâm chia sẻ không gian với một người khác. Và tôi nghĩ đó là sự khác biệt rất lớn so với sự quan tâm mà tôi thực hiện trong sự nghiệp trước đây của mình.

Khi còn là một bác sĩ trẻ, tôi đã được dạy rằng sự quan tâm là tất cả những điều tốt đẹp mà bạn làm vượt quá mức tối thiểu. Bây giờ, tôi nghĩ sự quan tâm là cách tôi bước vào phòng để gặp người khác. Đó là cách tôi có thể ở lại đó, hoặc cố gắng ở lại đó, bất kể điều gì sắp xảy ra với họ. Cả hai chúng tôi càng có thể hiện diện với mọi thứ thì khả năng chữa lành sẽ càng cao.

* Công việc hàng ngày của bạn với tư cách là một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ có thay đổi cách nhìn nhận của bạn với việc thực hành Phật giáo không?

- Những trải nghiệm làm bác sĩ của tôi, việc tiếp xúc với những người đang phải đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo đã thay đổi hoàn toàn thế giới quan của tôi. Tôi bắt đầu công việc này với tư cách là một người theo chủ nghĩa duy vật: Tôi nghĩ rằng bạn có một cơ thể và nó chỉ là đồ vật; khi bạn chết và mọi chuyện kết thúc. Ngồi với mọi người cho tôi cảm giác có điều gì đó rất khác đang diễn ra. Ở bên ai đó vào lúc chết và thực sự có mặt lúc đó, rõ ràng có điều gì đó đang xảy ra mà khoa học y tế không mô tả được, dường như có một sự thay đổi sâu sắc khi thần thức của ai đó rời khỏi phòng. Tôi nhận ra rằng có điều gì đó khác đang diễn ra trong vũ trụ mà tôi chưa bao giờ được đào tạo trước đó. Việc thực hành Phật giáo đã giúp tôi nhận thức được điều đó.

Nếu tôi không học cách ở yên đủ lâu để cảm nhận bên trong mình, tôi không nghĩ mình sẽ nhận ra điều đó đang xảy ra. Và tôi luôn thấy điều đó ở nơi làm việc. Mọi người [tại bệnh viện] chạy khắp nơi và có người chết mà họ thậm chí không nhận ra. Họ không cảm nhận được.

Ở bên mọi người theo cách này đã thay đổi ý nghĩa hiện diện của bản thân trong cơ thể của chính mình. Điều đó đã cho tôi một điểm tham chiếu khác rằng tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau. Nếu tôi chú ý đủ sâu sắc và tâm trí tôi tĩnh lặng, tôi thực sự có thể cảm nhận được mối liên kết này mọi lúc, và đó là nguồn động viên cũng như một loại niềm vui, sự tò mò và kính sợ. Ngay cả trong những thời điểm thực sự bận rộn, tôi vẫn có thể cảm nhận được điều đó.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày