Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1000 năm Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế

Lễ kỷ niệm 1000 năm Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế (1009-2009), 937 năm ngày hóa đức vua Lý Thánh Tông, 20 năm xây dựng lại Đền Đô đã được UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức trọng thể tại Đền Đô, Bắc Ninh sáng 26-9 (tức 8-8 âm lịch).

Sau rộn ràng của những tiết mục hát Quan họ-nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa của vùng Kinh Bắc là những hồi trống vang lên như báo hiệu giờ thiêng đã đến.

Lễ kỷ niệm 1000 năm Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế được tổ chức trang trọng. Ảnh: Yên Ba.
Lễ kỷ niệm 1000 năm Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế được tổ chức trang trọng. Ảnh: Yên Ba.

Đúng 8 giờ, Lễ kỷ niệm 1000 năm Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở cho một vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển quốc gia và nền văn hoá Đại Việt được tiến hành bằng lễ dâng hương của các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương, hậu duệ nhà Lý cùng đông đảo người dân từ khắp mọi miền đất nước.

So với những năm trước, Lễ kỷ niệm 1000 năm ngày vua Lý Công Uẩn đăng quang năm nay đông hơn hẳn. Cũng bởi đây là một trong những lễ kỷ niệm lớn gắn liền với Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sắp tới.

Về với Đền Đô, ngoài việc dự lễ kỷ niệm tưởng nhớ đến công lao của vương triều nhà Lý trong suốt 216 năm (1009-1225), người dân và du khách thập phương còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của không gian kiến trúc Đền Đô.

Đền Đô - còn gọi là Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế, đền được xây dựng vào thế kỷ XI (1030) trên khu đất phía Đông Nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Đền được dựng trên nền đất mà xưa khi vua Lý Công Uẩn đăng quang, tại đây vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), khi trở lại thăm quê hương, nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu. Dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.

Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Đền Đô đều được quan tâm tu sửa và mở rộng, đặc biệt Đền được mở rộng nhất vào thế kỷ XVII (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình được sắp xếp theo kiểu "Nội công ngoại quốc", xung quanh có tường thành vây bọc. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và phong cách dân gian, tổng thể kiến trúc được kết hợp hài hoà, chạm khắc tinh xảo, thể hiện một công trình kiến trúc bề thế vững chắc nhưng không cứng nhắc trong khung cảnh thiên nhiên.

Năm 1952, Đền Đô bị giặc Pháp chiếm và phá  huỷ hoàn toàn. Từ năm 1989 trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng của nhân dân Đình Bảng và  tấm lòng công đức của nhân dân thập phương, Đền Đô đã từng bước được khôi phục, tìm lại dáng vẻ xưa của đợt trùng tu, mở rộng đền với các hạng mục công trình như: Nhà Hậu cung (80m3), nhà chuyền Bồng (80m2), nhà Kiệu (130m2), nhà để Ngựa (130m2), Thuỷ đình, Phương đình...

Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hoá đậm nét của Vương Triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày