Sinh ra tại phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), Trần Quang Trân là một trong số những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng với các tên tuổi nổi bật khác của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam như Lê Phổ, Mai Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ,… Mặc dù di sản hội họa có phần khá khiêm tốn, Trần Quang Trân lại được biết đến là họa sĩ Việt Nam đầu tiên thành công với việc sáng tác trên chất liệu sơn mài.
Mặc dù trước đó, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Đinh Văn Thành, còn được gọi là bác phó Thành, một nhóm các sinh viên của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Trần Quang Trân, bắt đầu tìm tòi cách thể hiện tác phẩm của mình trên chất liệu sơn ta, tuy nhiên, những thể nghiệm này vẫn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi kỹ thuật và cách thể hiện mang đặc điểm của mỹ nghệ truyền thống trước đó.
Năm 1932, họa sĩ Trần Văn Cẩn và bác phó Thành sau nhiều lần thử nghiệm đã khám phá ra việc thay đổi cách nấu sơn cánh gián với nhựa thông thay vì dầu trẩu để có thể mài được với sơn then. Tuy vậy, Trần Quang Trân lại là người phát kiến ra việc bổ sung vụn vàng quỳ và bột son giữa các lớp sơn mài khiến cho bức tranh có được hiệu ứng vượt trội về mặt thị giác như sự thay đổi sắc độ sáng tối, chiều sâu trong tranh.
![]() |
Năm 1932, Trần Quang Trân cho ra đời bức bình phong sáu cánh bằng sơn mài với chủ đề “Bụi tre bóng nước”. Đây được ghi nhận là tác phẩm đầu tiên đánh dấu sự ra đời của hội họa sơn mài. Rất tiếc, tác phẩm này đã thất lạc trong thời kỳ đầu khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.
Kỹ thuật sơn mài được phát kiến bởi Trần Quang Trân ngay lập tức đã được các bạn đồng song của ông áp dụng trong việc sáng tác. Một loạt các tác phẩm sơn mài ra đời gắn với tên tuổi của các họa sĩ như Trần Văn Cẩn, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, và vang danh về sau hơn cả là Nguyễn Gia Trí, tạo nên một điểm vàng son cho hội họa hiện đại Việt Nam với các bức tranh sơn mài phối hợp nhuần nhuyễn giữa lối thể hiện theo kỹ thuật hội họa phương Tây và mỹ thuật truyền thống. Lối kết hợp Đông - Tây trong bút pháp này cũng được các họa sĩ đương thời thể hiện trên các chất liệu khác nhau, tạo nên đặc trưng riêng có của hội họa Đông Dương.
Như đã nói, các tác phẩm của Trần Quang Trân còn tồn tại cho đến nay khá ít, nhưng qua đó, người xem có thể phần nào hình dung được mỹ cảm của ông. Đề tài thể hiện trong tranh của Trần Quang Trân thường là phong cảnh các ngôi chùa, không gian tĩnh mịch, thưa vắng bóng dáng con người… khiến tranh ông mang một sắc thái trầm lặng, phảng phất lối thể hiện thường gặp ở các bức thư họa phương Đông, dù mới mẻ nhưng vẫn ẩn chứa sâu kín tự tình dân tộc.
Nhưng cũng giống như những tác phẩm của mình, tên tuổi Trần Quang Trân phôi pha, chìm khuất vào trong huyền thoại về Đông Dương một thuở. Lục lọi trong dữ liệu còn lại, chúng ta cũng khá khó khăn trong việc tìm kiếm một bức ảnh chân dung Trần Quang Trân. Dường như, ông đã hòa vào thời gian, ẩn hiện và điểm tô cho những câu chuyện của lịch sử, như những bụi vàng quỳ rắc óng ánh lên mặt sơn để làm nên kiệt tác.