Từ cậu bé thích viết, vị thầy trẻ sở hữu 3 tác phẩm ở tuổi 25

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1281 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1281 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một ngày cuối tháng 11-2024, Đại đức Thích Đạo Quang (bút danh Mộc Trầm) đã ra mắt cuốn sách thứ 3 - tác phẩm Về đi con! - Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên, Nxb Thế Giới và Saigon Books ấn hành. Trước đó, thầy Mộc Trầm đã in Lén nhặt chuyện đời (2019) và Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười (2020).

Từ cậu bé thích viết

Nhìn lại hành trình viết lách, trong 5 năm, với 3 tác phẩm, thầy Thích Đạo Quang cho biết, ban đầu, Mộc Trầm chỉ là một cậu bé thích viết và tập viết, thích ngắm nhìn mọi thứ rồi kể lại dưới cái nhìn của bản thân, nó nguyên sơ, bản năng và trần trụi.

“Vào những năm học Trường Trung cấp Phật học ở Huế, tôi bắt đầu đăng tải những bài viết của mình lên mạng xã hội - may mắn được mọi người bắt đầu để ý và yêu mến giọng văn của mình. Những bài viết được mọi người chia sẻ rộng rãi thời điểm đó như Trụ trì rồi, Nói nghe nè, Chuyện cái nồi cơm điện, Lỡ mai này mồ côi…”, thầy Đạo Quang kể.

Sau sự ủng hộ của bạn đọc đối với những bài viết ấy, vị thầy trẻ tu học ở chùa Từ Quang (Gia Lai) nghĩ có lẽ mình có duyên với việc viết. “Mộc Trầm viết nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, quan sát nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn và biết cách định hình phong cách viết của mình hơn”.

Đại đức Thích Đạo Quang

Đại đức Thích Đạo Quang

Đến năm 20 tuổi, thầy Đạo Quang trải qua những vấp ngã đầu đời và đã quyết định tổng hợp lại những bài viết tâm đắc của mình và xuất bản Lén nhặt chuyện đời như một dấu ấn khẳng định “không có gì là không ổn” trong những năm tháng tuổi trẻ. Và bắt đầu từ đó, từ một người thích viết, độc giả lại biết đến thầy là một tác giả sách.

Thầy Đạo Quang cho biết, Lén nhặt chuyện đời là một quyển sách, tản văn tập hợp những bài viết được mọi người yêu thích nhiều trước đó trên các mạng xã hội gồm nhiều chủ đề khác nhau như gia đình, bạn bè, tuổi trẻ… Còn Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười là một tập nhật ký của một người đang mang căn bệnh thế kỷ gửi cho đứa con trai chưa chào đời của mình, một câu chuyện có thật kể lại dưới góc nhìn của Mộc Trầm. Đến Về đi con! - Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên, là một câu chuyện mà thầy phải mất nhiều năm để kể lại.

“Về đi con! Là một lời kêu gọi, thổn thức những bước chân lang bạt. Không hẳn là một quyển sách về gia đình, nhưng khi đọc xong, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến gia đình. Một câu chuyện về tình thầy trò chốn thiền môn, tôi muốn kể và giới thiệu đến các bạn trẻ và độc giả một loại tình cảm ít được kể, ít được nhắc đến nhưng nó đẹp và thiêng liêng không khác gì tình cảm của gia đình”, thầy Đạo Quang chia sẻ.

Theo thầy Đạo Quang, mỗi quyển sách thầy viết đều có câu chuyện riêng, có hoàn cảnh ý nghĩa riêng. “Mỗi quyển sách đều mang theo hơi thở, sự chắt chiu và tâm huyết của tôi, nên mỗi quyển sách đều là một viên charm rất đẹp trong sợi Pandora của tuổi trẻ”, thầy nói.

Văn tải đạo

Viết lách vốn là công việc “làm dâu trăm họ”, có người yêu thích những con chữ của mình nhưng cũng có người không. Theo thầy Thích Đạo Quang, đó là điều bình thường, tất cả đều cần đón nhận một cách trân trọng.

Nói về những tác phẩm của mình, thầy Mộc Trầm cho biết: “Lén nhặt chuyện đời hoàn toàn là những câu chuyện đời, thấp thoáng đâu đó vài câu đạo lý của Đức Phật. Những bạn đọc tìm đến Lén nhặt chuyện đời hầu hết chưa phải là Phật tử hoặc chỉ là mới cảm mến với đạo Phật. Đến Dẫu có ra đi vẫn sẽ cười, tôi khẽ khàng đưa vào đó giáo lý vô thường và những lời dạy nhẹ nhàng của Đức Phật, để các bạn trẻ gặp gỡ và làm quen với triết lý bao la đó”.

Và với Về đi con!, theo tác giả Mộc Trầm, thầy đưa bạn đọc của mình đến gặp Đức Phật trong từng câu chuyện và giới thiệu với họ về một ngôi nhà tâm linh vẫn đong đầy yêu thương, thấu hiểu và bao dung không khác gì ngôi nhà huyết thống.

“Tôi từng bước đưa hình ảnh của Đức Phật và giáo lý của Người đến gần hơn với các bạn đọc, nhất là bạn trẻ gen Z. Tôi sẵn lòng làm người giới thiệu, người gác cửa để các bạn chuẩn bị bước vào một tòa lâu đài giáo lý nguy nga và đồ sộ. Sau những tác phẩm đó, tôi mong rằng các bạn có một chút thiện cảm với đạo Phật và bắt đầu bước những bước đầu tiên để đón nhận sự hiện diện của một nhân vật đặc biệt bên trong trái tim mình là Đức Phật”, thầy giải thích về việc vận dụng kiến thức Phật học vào trang viết.

Và lúc đó, theo thầy Đạo Quang, Đức Phật mới là người hướng dẫn các bạn sống tỉnh thức và chữa lành.

Nhìn lại chính mình, tác giả Mộc Trầm cho rằng, bản thân vẫn còn đang từng ngày tập vớt đi mớ rêu dày vô minh đang phủ hồ tâm của mình, nên chưa từng nghĩ sẽ chữa lành hay tỉnh thức cho ai.

“Nhưng trong hành trình lắng nghe rất nhiều câu chuyện xảy ra xung quanh mình, tôi có cơ hội nhìn lại chính mình, mang những giáo lý đã được học phủ lên những câu chuyện đó. Tôi chiêm nghiệm và viết ra. Và thứ mà tôi viết ra là kết quả của sự nhìn lại, lắng nghe và soi rọi. Tôi coi sự lắng nghe và quan sát mọi thứ xung quanh là cơ hội để nhìn lại chính mình, cơ hội đặt mình vào hoàn cảnh người khác để học cách bao dung, cơ hội nhìn sâu để thực hành tha thứ”, thầy Đạo Quang trải lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Một trung tâm dạy thiền uy tín và một vị thiền sư thật lòng muốn giúp bạn là những sự hỗ trợ rất quan trọng

Trợ duyên cho việc thực tập

GNO - Khi bắt đầu đi theo con đường Phật dạy, dĩ nhiên là chúng ta sẽ muốn thay đổi cách sống, cách ứng xử để hỗ trợ cho việc tu tập của mình.

Thông tin hàng ngày