Thực ra, góc thưởng trà là một vị trí giao hòa âm dương, tĩnh động khá linh hoạt và đem lại nhiều ích lợi về gia tăng đáng kể sinh khí cho nội thất, nếu biết khéo kết hợp hài hòa.
Khác với Nhật Bản, cách thưởng thức trà và góc thưởng trà của Việt Nam lại hướng đến sự gần gũi giản dị, tinh tế và lược bỏ tối đa cái rườm rà. Dân Việt uống trà không cầu kỳ vào ra trà thất, một ấm trà pha sớm mùa đông, một chén trà được sư thầy mời bên hiên chùa, tách trà qua hàng xóm giao đãi thân tình, đơn giản nhưng khá đủ đầy làm nên nét đẹp văn hóa, xem trọng các mối quan hệ giao hòa với tự nhiên và con người (hình 1).
Tùy theo từng gia đình, cấu trúc cụ thể mà vị trí góc thưởng trà có thể cố định hoặc không. Mưa thuận gió hòa thì ngồi bên hiên, trong sân, nơi giếng trời có mái dù che, chòi nghỉ nhẹ, ung dung thoải mái. Còn khi mưa tạt gió hắt oi bức khó chịu thì lùi vào bên trong, cạnh bàn thờ gia tiên, kết hợp bàn ăn gia đình hay bàn tiếp khách là vị trí lý tưởng để thưởng trà. Chính tính linh hoạt này khiến góc thưởng trà Việt không cố định hình thức, không bị đóng khung trong trà thất, đồng thời tạo ra một không gian mang tính nghỉ ngơi có kèm theo ẩm thực.
Tiêu chí phong thủy cơ bản nhất là cần gắn kết góc thưởng trà với một khoảng thiên nhiên (nhìn ra sân vườn, hồ cảnh) hoặc nhân tạo (tranh ảnh, tủ trưng bày…), mang tính Thổ trung hòa là chính (hình 2). Một số gia đình kết hợp nơi trà đàm với phòng sinh hoạt chung hoặc phòng khách, nhà khác lại sử dụng hàng hiên hoặc sân trong, thậm chí có khi là một khoảng ban-công hay hành lang nối giữa các phòng. Dù bố trí tại đâu, không gian trà đàm cũng cần giữ tính trung dung vừa phải, đơn giản là tốt nhất.
Người Việt uống trà luôn có bạn. Bạn đối ẩm hữu hình và bạn vô hình, đó là cỏ cây, tiếng chim hót hay cành sen mới nở. Có 3 đặc tính không gian trà Việt cần xác lập để bố trí phù hợp, đó là:
- Không gian mở, mở của lòng người và mở của cung cách đón tiếp, tức là có thể tùy nghi thay đổi đem lại cấu trúc linh hoạt theo tinh thần kiến trúc hiện đại: vật liệu xanh, tiết kiệm và thuần chất.
- Không gian tĩnh: uống trà không thể ồn ào, không thể vừa hát karaoke, nhảy theo hip hop vừa nhấp ngụm trà. Chẳng cần bít bùng trà thất thâm nghiêm, nhưng phải giữ được chút lặng lẽ, tinh sạch cho tâm hồn.
- Không gian mộc mạc: chỉ với những vật liệu thân thiện như tre - gỗ - gạch - gốm thì vẫn đủ độ ấm nồng hơn rất nhiều những chất liệu hiện đại mà lạnh. Chẳng cần tinh xảo chăm chút như những đầu cột khung cửa, mà cũng không đến mức quá thâm u hoài niệm hay rực rỡ sắc màu trang trí lòe loẹt. Một bàn thấp, ghế nhẹ, cửa rộng, trần cao, ánh sáng ít mà chắt lọc, và không thể thiếu ánh sáng tự nhiên, gió tự nhiên, nắng tự nhiên.
Nếu trời trở lạnh, đêm ùa tới, thì những ngọn đèn lồng, ánh sáng vàng ít trang điểm cũng đủ sức làm tăng phần ấm áp rồi (hình 3).
Ảnh: Nguyễn Hưng
Từ một góc thưởng trà Việt giản dị, có thể thấy yếu tố phong thủy trong không gian Việt thiên về sự thiết thực, tiết giảm và thân thiện, khác hẳn với các bài trí xa hoa và mê tín. Giao hòa Thiên - Địa - Nhân, đó là đích đến của nghệ thuật bài trí nhà cửa hợp trời đất, hợp lòng người.
|